Quân đội Nga đã chính thức đưa tên lửa bội siêu thanh Avangard vào trực chiến trong bối cảnh Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp ước lớn cuối cùng nhằm cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, sắp hết hiệu lực và chưa có dấu hiệu sẽ được gia hạn.
Tên lửa bội siêu thanh Avangard của Nga. Ảnh: AP
Trong thông báo ngày 27-12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Những tên lửa đầu tiên trang bị các tên lửa chiến lược tân tiến nhất với phương tiện lượn bội siêu thanh đã được đưa vào hoạt động vào lúc 10h ngày 27-12 theo giờ Mát-xcơ-va". Tướng Sergei Karakayev, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho hay tên lửa này được vào biên chế tại một đơn vị tại vùng Orenburg thuộc phía Nam dãy núi Ural giáp Kazakhstan. Quân đội Nga xác nhận Avangard có khả năng bay liên lục địa với tốc độ gấp 27 lần tốc độ âm thanh và có thể trang bị đầu đạn hạt nhân lên tới 2 megaton. Trong lần phóng thử hồi tháng 12-2018, tên lửa này đã bay xa hơn 6.000km, từ căn cứ tên lửa Dombarovskiy ở phía Nam dãy núi Urals tới bán đảo Kamchatka ở Viễn Đông trước khi bắn trúng mục tiêu.
Vũ khí gây áp lực Mỹ
Trung Quốc cũng đã thử nghiệm tên lửa bội siêu thanh Dong Feng (DF) -17 năm 2018 và đã trình làng nhân lễ duyệt binh kỷ niệm quốc khách năm nay. DF-17 được cho có khả năng bay nhanh gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh.
|
Tổng thống Vladimir Putin từng tiết lộ Avangard có thể chịu đựng được ở mức nhiệt 2.000 độ C nhờ khả năng bay xuyên qua bầu khí quyển với tốc độ bội siêu thanh. Ông chủ điện Kremlin nhấn mạnh tên lửa này có thể tấn công bất kỳ địa điểm nào trên thế giới và tránh được mọi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. “Nó hướng đến mục tiêu như thiên thạch, quả cầu lửa và hoàn toàn bất khả tổn thương trước bất kỳ hệ thống phòng không hay tên lửa nào” – ông Putin nhấn mạnh trong thông điệp liên bang năm 2018. Khác với đầu đạn tên lửa thông thường bay theo quỹ đạo cố định sau khi được phóng từ tên lửa đạn đạo liên lục địa, Avangard có thể “lượn” với tốc độ bội siêu thanh trên bầu khí quyền, khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương rất khó phát hiện và đánh chặn kịp thời.
Ngoài Avangard, không quân Nga hồi năm ngoái đã đưa vào biên chế tên lửa hành trình Kinzhal được trang bị cho chiến đấu cơ MiG-31. Tổng thống Putin cho biết tên lửa này bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, tầm bay xa hơn 2.000km và có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc quy ước. Quân đội Nga nói rằng nó có khả năng tấn công mục tiêu trên bộ lẫn tàu chiến. Nga cũng đang phát triển nhiều dự án vũ khí khác, bao gồm ngư lôi tầm xa có thể kích hoạt vũ khí hạt nhân ở bờ biển Tây của Mỹ và tên lửa hành trình năng lượng hạt nhân.
Trong một phát biểu mới đây, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga đang dẫn đầu thế giới về vũ khí bội siêu thanh và là quốc gia duy nhất triển khai loại khí tài này. Đây là lần hiếm hoi Nga khẳng định ưu thế công nghệ quân sự của mình trước Mỹ. Ông giải thích việc Mát-xcơ-va phát triển Avangard, Kinzhal và các loại vũ khí tiềm năng khác là do các nỗ lực của Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa. Đáng nói là các loại vũ khí mới của Nga không nằm trong danh mục cấm của New START. Trong các ngày 24-26/11, quân đội Nga đã giới thiệu với các thanh sát viên Mỹ hệ thống tên lửa Avangard theo điều khoản minh bạch của New START.
Tuy nhiên, theo Thời báo New York (Mỹ), bằng việc phô trương vũ khí mới, ông Putin muốn gây áp lực lên Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận đàm phán gia hạn New START vốn sẽ hết hạn vào tháng 2-2021. New START được ký kết năm 2010, có hiệu lực năm 2011 và có thể gia hạn 1 lần 5 năm. Phát biểu hồi đầu tháng 12, ông Putin tuyên bố Nga sẵn sàng gia hạn New START mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Tham vọng của ông Trump
Cũng theo Thời báo New York, bằng việc gây sức ép trên, Tổng thống Putin cho thấy ông không ngại răn đe Mỹ và sẵn sàng sử dụng chính sách “ngoại giao hạt nhân” để buộc Tổng thống Trump ngồi vào bàn đàm phán về New START. Hiện nay, Nga tập trung khôi phục nền kinh tế trước những khó khăn do lệnh cấm vận của phương Tây nên không thể chạy đua vũ khí tấn công chiến lược với Mỹ. New START giới hạn Nga và Mỹ mỗi bên chỉ triển khai 1.500 đầu đạn và bom hạt nhân chiến lược. Nga đã cực lực chỉ trích chính quyền Trump đơn phương rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi đầu tháng 8. Ngoài việc cáo buộc Nga vi phạm INF vốn được ký kết năm 1987, Mỹ cho rằng hiệp ước này cần phải được mở rộng ra nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc và Triều Tiên. Về số phận của New START, ông Trump cũng yêu cầu có sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không quan tâm đến giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mình, cho rằng nó chỉ chiếm 1/5 so với quy mô vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ.
Trong khi đó, Tổng thống Trump tự tin rằng Mỹ đủ khả năng vượt trội mọi đối thủ trong nền công nghiệp quân sự và điều này được cho là lời kêu gọi một cuộc chạy đua vũ trang mới. Ngân sách quốc phòng năm 2020 của Mỹ đã dành nguồn kinh phí đáng kể để đầu tư phát triển vũ khí mới, kể cả vũ khí chống tên lửa bội siêu thanh. Hiện nay, Mỹ đang thiết kế 2 nguyên mẫu vũ khí bội siêu thanh nhưng chỉ gắn trên máy bay chứ không phải tên lửa đạn đạo liên lục địa. Quân đội Mỹ cho hay nước này có kế hoạch triển khai vũ khí bội siêu thanh riêng vào năm 2022, nhưng giới chuyên gia đánh giá đây là mục tiêu quá lạc quan. Giới chức quân sự Mỹ còn nói về khả năng thiết lập lớp cảm biến trên không gian để phát hiện tên lửa đối phương nhanh hơn, nhất là tên lửa bội siêu thanh. Thậm chí, Mỹ cũng nghiên cứu ý tưởng đưa hệ thống đánh chặn lên không gian để có thể tiêu diệt tên lửa của kẻ thù chỉ trong vài phút khi động cơ tên lửa vẫn còn cháy.
KIẾN HÒA