13/01/2012 - 19:49

Giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012

Thế giới một năm không yên bình

Có thể nói 2011 là một năm không trầm lắng đối với thế giới, ít ra là trên lĩnh vực an ninh- chính trị. Những cuộc nổi dậy, biểu tình rầm rộ trong cái gọi là Mùa xuân A-rập được phương Tây “chống lưng” đã dẫn tới sự sụp đổ của không ít chế độ ở Trung Đông - Bắc Phi, mà “điểm nhấn” là cuộc không kích của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xuống Lybie đặt dấu chấm hết cho “đế chế” kéo dài hơn 4 thập niên của đại tá Muammar Gadhafi. Đó còn là những căng thẳng liên quan tới tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á...

Mùa xuân A-rập

Người dân Lybie vui mừng khi chế độ Gadhafi hoàn toàn sụp đổ. Ảnh: Getty

Khởi nguồn tại Tunisie từ tháng 12-2010, Mùa xuân A-rập nhanh chóng lan ra toàn khu vực Trung Đông - Bắc Phi. “Thành quả” đầu tiên của phong trào này cũng được ghi nhận tại Tunisie khi chế độ Zine El Abidine Ben Ali sụp đổ vào tháng Giêng sau mấy tuần chống chọi với các cuộc biểu tình mang màu sắc bạo lực, khiến vị tổng thống trị vì suốt 24 năm phải “bỏ của chạy lấy người”, cùng bầu đoàn thê tử sang Arabie Séoudite lánh nạn.

Sang tháng hai, đến lượt Tổng thống Hosni Mubarak của Ai Cập từ chức trước làn sóng biểu tình rầm rộ của người dân, kết thúc 30 năm quyền bính và bắt đầu cuộc sống bị giam cầm (cùng 2 con trai) với tội danh tham nhũng và lạm dụng chức quyền.

Rồi một tháng sau đó, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua Nghị quyết 1973 về việc thiết lập vùng cấm bay ở Libye và cho phép NATO sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thường dân trước sự đàn áp của chính quyền Tổng thống Gadhafi. Các cuộc không kích dữ dội của NATO nhằm hỗ trợ phe đối lập “Hội đồng chuyển tiếp dân tộc” đã dẫn tới sự thất thủ của Tripoli vào tháng 8, khiến ông Gadhafi phải chạy về tử thủ ở thành phố quê hương Sirte. Đến ngày 20-10, ông sa lưới và bị giết, chấm dứt 42 năm cai trị đất nước Bắc Phi giàu dầu mỏ. Vợ con ông Gadhafi người thì bị giết, bị bắt, kẻ thì chạy ra nước ngoài lánh nạn.

Điểm chung của ba vị tổng thống bị lật đổ trên là đều có thời gian cầm quyền dài hàng thập niên và vẫn còn muốn níu kéo quyền lực; khối tài sản tích tụ từ tham nhũng của mỗi gia đình lên tới hàng chục tỉ USD, riêng ông Gadhafi được cho là sở hữu 200 tỉ USD, gấp 3 lần người giàu nhất thế giới Carlos Slim; và đều có kế hoạch để con trai kế tục sự nghiệp, ngoại trừ ông Ben Ali do con trai mới 6 tuổi.

Ngoài Tunisie, Ai Cập và Libye, Mùa xuân A-rập cũng dẫn tới các cuộc nổi dậy ở Bahrein, Yemen và Syrie; những đợt biểu tình rầm rộ ở Algérie, Iraq, Jordanie, Maroc và Oman; các cuộc phản kháng quy mô nhỏ tại Sudan, Liban, Koweit, Arabie Séoudite và Mauritanie. Tác động của Mùa xuân A-rập đã khiến nhiều nước phải thay nội các, sửa đổi hiến pháp, tăng lương, dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, lãnh đạo cam kết rút lui sau khi kết thúc nhiệm kỳ...

Tại Syrie, một kịch bản tương tự như ở Libye có thể đã xảy ra với Tổng thống Bashar al-Assad (lãnh đạo từ năm 2000, tiếp nối 29 năm cầm quyền của người cha quá cố) nếu không có sự phản đối của hai thành viên thường trực HĐBA LHQ là Nga và Trung Quốc. Tuy tránh được thảm họa nhưng Syrie ngày càng bị cô lập, thậm chí Liên đoàn A-rập đã đình chỉ tư cách thành viên của nước này.

Còn ở Yemen, làn sóng phản đối của người dân buộc Tổng thống Ali Abdullah Saleh, từng bị thương trong một vụ ám sát hồi tháng 6, sau nhiều lần dùng “kế hoãn binh” cuối cùng đã chịu từ bỏ quyền lực vào cuối năm để đổi lấy việc được miễn truy tố. Ông này có 12 năm làm tổng thống Bắc Yemen và 21 năm làm nguyên thủ nước Yemen thống nhất.

Phương Tây công khai ủng hộ “Mùa xuân A-rập”, cái mà họ gọi là “cách mạng dân chủ”. G-8 cam kết viện trợ 38 tỉ USD cho phong trào này giai đoạn 2011-2013, còn Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng hứa “bơm” 35 tỉ USD vào các nước chịu ảnh hưởng của “Mùa xuân A-rập”.

Ngoài việc chịu tác động từ “Mùa xuân A-rập”, Trung Đông còn căng thẳng với việc Israel và phương Tây dọa tấn công Iran sau khi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khẳng định Tehran đang âm thầm theo đuổi tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Nóng trên Biển Đông

Những biến động ở Biển đông đã đẩy nhiều quốc gia tăng cường tiềm lực quốc phòng trên biển. Trong ảnh là tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ của Hải quân Việt Nam mới đưa vào hoạt động. Ảnh: Tuổi Trẻ

Có lẽ chưa bao giờ Trung Quốc tăng cường phô trương sức mạnh quân sự của mình trên Biển Đông và ra sức cổ súy cho bản đồ “đường lưỡi bò” vô căn cứ như trong năm 2011. Một số va chạm đã xảy ra trên vùng biển có diện tích 3,5 triệu km vuông, giàu tiềm năng dầu khí, hải sản và là đường hàng hải quan trọng này. Chẳng hạn như liên tiếp trong hai tháng 5 và 6, tàu hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên cắt cáp tàu Bình Minh 2 đang làm nhiệm vụ thăm dò khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, rồi sau đó tàu cá Trung Quốc dưới sự yểm trợ của tàu ngư chính (thực chất là tàu hải quân cải trang) phá cáp của tàu Viking 2 mang quốc tịch Na Uy do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thuê. Bắc Kinh cũng cản trở việc hợp tác khai thác dầu khí giữa Việt Nam với các nước khác. Ngang ngược hơn, Trung Quốc còn ra lệnh cấm đánh bắt cá, uy hiếp và bắt giữ ngư dân Việt Nam, tịch thu tàu, hải sản và ngư cụ...

Năm ngoái, Philippines cũng nhiều lần cảnh báo việc Trung Quốc xâm nhập khu vực tranh chấp và gây hấn với các tàu của họ. Điển hình là hồi tháng 3, hai tàu hải quân Trung Quốc trang bị đầy đủ vũ khí đã quấy rối một tàu nghiên cứu hải dương của Philippines. Nhận được tin báo, Manila lập tức điều 3 tàu hải quân và 2 máy bay tới yểm trợ, lúc đó tàu Trung Quốc mới chịu rút đi. Vào tháng 5, máy bay chiến đấu Trung Quốc lại uy hiếp máy bay trinh sát của Philippines trên bầu trời Biển Đông.

Để bảo vệ chủ quyền của mình, các nước Đông Nam Á đã tăng cường tiềm lực hải quân, đẩy mạnh hợp tác với nhau, đồng thời nỗ lực tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán đa phương lẫn song phương. Philippines đã quyết định hiện đại hóa lực lượng hải quân, trong đó có việc mua một tàu chiến lớp Hamilton của Mỹ và dự định sẽ mua thêm 2 chiếc nữa. Washington cũng cam kết bảo vệ đồng minh này trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thượng viện Mỹ hồi tháng 6 đã thông qua nghị quyết phê phán hành động sử dụng vũ lực của các tàu Trung Quốc trên Biển Đông. Nghị quyết cũng kêu gọi giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán đa phương, điều mà Bắc Kinh một mực phản đối. Cùng với Mỹ, các cường quốc khác mà đặc biệt là Nhật Bản và Ấn Độ đều khẳng định có lợi ích trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông. Năm ngoái, vấn đề Biển Đông đã được đưa vào chương trình nghị sự của hầu hết các hội nghị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bất chấp phản ứng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh khăng khăng tuyên bố có “lợi ích cốt lõi” và trưng ra bản đồ chín đoạn nhằm thâu tóm 80% diện tích Biển Đông. Hàng loạt hội thảo về Biển Đông đã được tổ chức với kết luận chung là bản đồ “đường lưỡi bò” hoàn toàn không có cơ sở về mặt lịch sử lẫn pháp lý.

2012 - Năm “siêu bầu cử”

Hai ông Putin (trái) và Medvedev đổi vai để tiếp tục lãnh đạo xứ bạch dương. Ảnh: AP

Một trong những dấu ấn trên chính trường thế giới năm 2012 chắc chắn là sự thay đổi lãnh đạo ở một loạt cường quốc. Tại Nga, Thủ tướng Vladimir Putin được chọn làm đại diện Đảng Nước Nga thống nhất ra tranh ghế tổng thống vào tháng 3 và dường như ông không có đối thủ. Với hiến pháp được sửa đổi nâng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên 6 năm, ông Putin có thể sẽ làm chủ nhân Điện Kremlin đến năm 2024. Đáng chú ý là sau cuộc bầu cử năm nay sẽ có sự hoán đổi vị trí giữa Thủ tướng Putin và Tổng thống Dmitry Medvedev.

Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama đang nỗ lực tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, ông đã gặt hái được một số thành tựu về ngoại giao và an ninh, như giữ đúng cam kết rút quân khỏi Iraq và Afghanistan (dù lực lượng sở tại có đủ sức bảo đảm an ninh hay không còn là chuyện khác), lật đổ chế độ Gadhafi ở Libye... Tuy nhiên, những khó khăn của nền kinh tế Mỹ khiến tỷ lệ cử tri ủng hộ ông sụt giảm mạnh. Trong khi đó, đối thủ của ông bên Đảng Cộng hòa không bỏ lỡ cơ hội, luôn tập trung tấn công vào “gót chân Achilles” này để ghi điểm. Hiện đảng “Con Voi” chưa chọn được người ra đấu với đại diện đảng “Con Lừa”, nhưng gương mặt đang sáng giá nhất của đảng này là cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney và cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, cơ hội nắm quyền thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa của Tổng thống Nicolas Sarkozy được đánh giá là khá mong manh bởi chính sách kinh tế của ông không nhận được sự ủng hộ của đa số người dân, mặc dù về an ninh và đối ngoại ông có vẻ như đã tìm lại được chút vị thế của nước Pháp qua việc cùng Anh đứng đầu các cuộc không kích xuống Libye hay đưa quân vào thuộc địa cũ là Bờ Biển Ngà để lật đổ chế độ Laurent Gbagbo (trị vì 11 năm và không chịu từ bỏ quyền lực sau khi thất cử). Trên mặt trận kinh tế, ông đã cùng Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra hăng hái nhất trong việc giải cứu Khu vực đồng euro đang ngụp lặn trong nợ nần. Đối thủ khó chịu nhất của Tổng thống Sarkozy trong hai vòng bỏ phiếu vào tháng 4 và 5 là cựu lãnh đạo đảng Xã hội Francois Hollande, chồng cũ của bà Segolene Royal- người từng bại dưới tay ông hồi năm 2007.

Năm nay cũng diễn ra Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc mà theo dự báo là sẽ chứng kiến sự đăng quang của thế hệ lãnh đạo thứ năm, với hai nhân vật nổi bật là Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường.


***

Tình hình hiện nay cho thấy tuy khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn hầu như không có, nhưng đây đó trên thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột vũ trang. Nguồn tài nguyên trên Trái đất, đặc biệt là “vàng đen”, ngày càng cạn kiệt thì khả năng xảy ra đụng độ ngày càng lớn. Tuy nhiên, xu thế chung của thời đại là đối thoại thay cho đối đầu nên một thế giới tương đối yên bình là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nếu các nước tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau; tôn trọng độc lập, chủ quyền cũng như bản sắc văn hóa, tôn giáo của từng dân tộc; tuân thủ luật pháp quốc tế; tự kiềm chế và hợp tác nhằm tạo thế và lực để kiềm chế lẫn nhau.n

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết