02/03/2019 - 17:43

Thầy giáo mê võ cổ truyền dân tộc 

Đang là nghiên cứu sinh chuyên ngành Công nghệ sinh học của Trường Đại học Cần Thơ, thầy giáo Nguyễn Quốc Nam (giáo viên Trường THPT Lưu Hữu Phước, quận Ô Môn) lại được giới võ thuật ĐBSCL biết đến vì tình yêu võ Việt. Mới đây, võ sư Nam được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn - Truyền bá võ học dân tộc, trực thuộc Viện Võ học Việt Nam.

Võ sư Nguyễn Quốc Nam. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Võ sư Nguyễn Quốc Nam. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Nhà của anh Nam nằm trong con hẻm thuộc phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều. Trong căn phòng làm việc của anh đầy ắp sách vở và có hẳn không gian riêng dành trưng bày võ phục, đai đẳng và những vật kỷ niệm suốt gần 30 năm anh gắn bó với võ cổ truyền Việt Nam. Hiền lành, ít nói và hay quan tâm người khác đúng chất một nhà sư phạm, mà ít ai biết rằng anh còn là một võ sư Côn Lôn Bắc Phái, mang bạch đai tua, cấp 18/18.

Anh Nam kể, tình yêu võ học được cha anh trao truyền bởi ông từng là võ sĩ của Võ đường Tần Hớn vang danh Cần Thơ một thời. Năm 1990, lúc mới 12 tuổi, được cha động viên, anh Nam bắt đầu tập võ. Những bài học đầu tiên về bộ tấn: chảo mã tấn, đinh tấn, trung bình tấn; những đòn tay: mãnh công độc chưởng, kim báo đảo quyền... từng bước được cậu bé Quốc Nam lĩnh hội thật nhanh, đai đẳng thay đổi nhanh chóng: đen, xanh, rồi vàng, đỏ và giờ là cấp bậc võ sư - bạch đai tua trong võ cổ truyền.

Côn Lôn Bắc Phái - một môn phái trong võ cổ truyền Việt Nam, do cố đại võ sư, thiền sư Đoàn Tâm Ảnh sáng lập. Khoảng đầu thế kỷ XX, thiền sư Đoàn Tâm Ảnh ra nước ngoài học võ nghệ. Năm 1951, ông về Việt Nam và năm 1954 ông chọn mảnh đất Cần Thơ làm nơi mở võ đường. Thập bát La Hán quyền là bộ quyền pháp căn bản và nổi tiếng của Côn Lôn Bắc Phái. Sáng tổ môn phái - võ sư Đoàn Tâm Ảnh trở thành huyền thoại của làng võ Việt Nam.

Với võ sư Nam, anh chọn học Côn Lôn Bắc Phái bởi những thế võ còn dạy đạo làm người: đầu thẳng, vai ngang, lưng thẳng, mắt trực… Đó là thế đứng, dáng mạo của người quân tử, của con nhà võ. Anh mê những triết lý của Côn Lôn Bắc Phái và có những bài quyền, đối luyện quyền rất độc đáo. Anh Nam cho rằng, Côn Lôn Bắc Phái do võ sư Đoàn Tâm Ảnh sáng lập, dù kế thừa tinh hoa võ học của nước ngoài song lại được biến hóa, cải biên thành một môn phái mang đậm chất võ Việt, phù hợp với thể chất và tính cách người Việt.

Gần 30 năm học võ nghệ, điều anh Nam mê nhất vẫn là lời thiệu, đường thảo, phương pháp rèn luyện sức khỏe và nghệ thuật tự vệ độc đáo trong nền võ học cổ truyền Việt Nam. Lời thiệu là "khẩu quyết" của bài quyền hoặc binh khí được chuyển thể dưới dạng thơ phú với nhiều thể thức đa dạng của nền văn chương Việt Nam: lục bát, song thất lục bát, thơ 5 chữ, thơ Đường luật… Người tập võ đọc bài thiệu đến đâu thì quyền thảo - tức ra bộ võ tương thích. Trong rất nhiều bài thiệu, anh Nam mê nhất là "Hùng kê quyền", tương truyền do Nguyễn Lữ - em út nhà Tây Sơn chế tác:

"Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như Bạch Hổ
Thủ quan ngân kiếm tợ Thanh Long..."

Bài thiệu tả cảnh hai con gà đá nhau, thể hiện những thế chiến đấu và triết lý sống của người Việt rất sâu sắc.

Chỉ vài năm sau khi học võ, anh Nam đã có thể phụ thầy đứng lớp dạy sư đệ. Sau đó, nhiều năm anh làm trưởng điểm tập tại Trường Mẫu giáo An Nghiệp, Nhà Văn hóa thiếu nhi quận Ninh Kiều. Sau khi tốt nghiệp đại học, về công tác ở Ô Môn, anh Nam lại mang sở học và đam mê của mình mở điểm tập võ ở Ô Môn, Thới Lai, thu hút nhiều thanh niên đến tập luyện. Học trò của anh đến nay lên đến vài trăm người, có những người giờ đã lên cấp 13-15/18 như Đặng Ngọc Khanh, Nguyễn Văn Cảnh, Nguyễn Văn Đẹp… Anh Nam luôn dạy học trò của mình rằng, học võ để thân thể tráng kiện, tinh thần tinh anh và lĩnh hội triết lý từ võ học. Học võ trước để giữ thân, sau giữ làng, giữ xóm.

Võ sư Nguyễn Quốc Nam vẫn lặng thầm văn ôn, võ luyện. Thỉnh thoảng anh hay đi chấm thăng hạng hoặc chấm các giải đấu ở các địa phương ĐBSCL. Việc được bổ nhiệm Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn - Truyền bá võ học dân tộc, trực thuộc Viện Võ học Việt Nam đã tiếp thêm động lực cho Nguyễn Quốc Nam. Anh mong muốn đưa võ cổ truyền đi vào chiều sâu, môn sinh hiểu hết cái hay, cái đẹp của võ dân tộc. Với cương vị mới, anh Nam đang nghiên cứu lịch sử võ học, kỹ thuật võ học… Đặc biệt với những bài quyền, thế còn "tam sao thất bản", anh cố công sưu tầm bản gốc để đối chiếu, giải thích ý nghĩa đòn thế, động tác. "Mong sao cho võ cổ truyền Việt Nam phát huy hết bản sắc, võ Việt phải mang đậm bản sắc Việt, nhìn là biết ngay chứ không nhầm lẫn với một môn võ của bất cứ quốc gia nào", anh Nam trần tình.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết