MAI QUYÊN
Kinh tế thế giới đang đối mặt những “cơn gió ngược”, từ việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch COVID-19 và thách thức của cuộc chiến ở Ukraine. Trong bối cảnh này, hợp tác toàn cầu được coi là mắt xích quan trọng giúp đem lại sự ổn định, thịnh vượng và tăng trưởng chung.

Anh sẵn sàng tiếp sức cho tiềm lực kinh tế của CPTPP.
Trong năm nay, tờ Nikkei cho biết khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương có cơ hội củng cố quan hệ đa phương và tăng cường thương mại quốc tế khi Vương quốc Anh đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) “càng sớm càng tốt”. Là nhà đầu tư lớn trong khu vực, sự hiện diện của Anh được kỳ vọng mở rộng sợi dây liên kết giữa quốc gia Tây Âu với các nền kinh tế thành viên CPTPP những năm tới.
Thúc đẩy kinh tế phục hồi
Nếu gộp chung các nước thành viên CPTPP (gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam) thành một khối, liên minh thương mại này xếp thứ 4 trong danh sách nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Anh. Tính đến năm 2021, tổng vốn đầu tư Anh rót vào các thành viên CPTPP đạt 141,6 tỉ USD.
Dòng tiền dự kiến tăng hơn nữa nếu nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới chính thức gia nhập. Khi đó, nền kinh tế kết hợp của các quốc gia CPTPP được nâng từ 12,2% lên 15,4% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (tương đương 13,2 ngàn tỉ USD). Anh cũng sẽ là thành viên lớn thứ 2 của khối và thị trường với 67 triệu người tiêu dùng này sẽ càng trở nên hấp dẫn với những nước còn lại trong CPTPP.
Ngoài tạo thêm cơ hội tìm kiếm thị trường mới để đẩy nhanh tốc độ phục hồi kinh tế, Anh gia nhập CPTPP còn là điều kiện giúp những quốc gia trong khối đa dạng hóa chuỗi cung ứng; thúc đẩy tiến trình xây dựng các nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai. Theo dữ liệu năm ngoái, đầu tư vào lĩnh vực công nghệ của Anh đã vượt qua Trung Quốc. Họ cũng có ngành công nghiệp công nghệ trị giá hơn 1 ngàn tỉ USD và là một trong 3 quốc gia trên thế giới đạt mức định giá mang tính bước ngoặt này. Ðể hỗ trợ phát triển các tiêu chuẩn kỹ thuật số, Luân Ðôn đặt mục tiêu làm cho không gian mạng an toàn và bảo mật hơn, cùng với đó là các biện pháp mới có thể bảo vệ tốt người tiêu dùng, thị trường kỹ thuật số mở và giúp thế hệ doanh nhân tiếp theo.
Bảo vệ các quy tắc toàn cầu, giải quyết biến đổi khí hậu
Không chỉ kinh tế, giới chuyên môn hy vọng mối quan hệ đối tác mới của Anh ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương giúp củng cố cấu trúc quốc tế đang bị đe dọa bởi các thông lệ thương mại không công bằng. Theo các nhà phân tích, sự phân bổ quyền lực toàn cầu đang thay đổi khi bản chất thế giới trở nên bất ổn, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ hơn. Trong bối cảnh như vậy, tư cách thành viên của Anh có thể đưa CPTPP từ một hiệp định Thái Bình Dương trở thành hiệp định toàn cầu thực sự với tầm ảnh hưởng đủ để định hình và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Thông qua sức ảnh hưởng trong các tổ chức như Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hoặc tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng mạng lưới ngoại giao lớn thứ 4 thế giới, tư cách thành viên của Anh trong CPTPP còn tạo tiền đề cho các giá trị chung, giúp các bên đạt mục tiêu rộng lớn gồm ứng phó biến đổi khí hậu, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và phát triển nền kinh tế xanh. Hiện Anh là thị trường điện gió ngoài khơi lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ 2 trên thế giới với gần 13 gigawatt (GW) công suất lắp đặt. Nước này đang nhắm mục tiêu 50 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030, đưa 95% sản lượng điện trong nước là “carbon thấp”.
Không chỉ kinh tế, thương mại và năng lượng xanh, Anh còn là quốc gia dẫn đầu về giáo dục toàn cầu và sắm vai trò đối tác tiềm năng trong lĩnh vực khoa học, đổi mới và phát triển. Hiện Anh có 90 trường đại học đẳng cấp thế giới và 4 trường nằm trong top 10 toàn cầu. Tính từ năm 2007, các cuộc khảo sát cho thấy chất lượng nghiên cứu học thuật của nước này được xếp hạng tốt nhất trong nhóm G7.