15/02/2008 - 10:38

Thấy gì qua việc học sinh khối 9 bị điểm thấp môn toán và sinh học trong kỳ thi học kỳ I ?

Sau khi các trường THCS ở TP Cần Thơ thông báo kết quả xếp loại học lực học kỳ I, năm học 2007-2008, nhiều phụ huynh, học sinh (HS) của khối 9 tỏ ra bất ngờ, lo lắng khi kết quả học tập của con em mình sa sút đáng kể. Dư luận từ nhiều phụ huynh, học sinh cho rằng đề kiểm tra học kỳ I môn Toán và Sinh học do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho quá khó, có câu hỏi nằm ngoài chương trình, nên có nhiều HS bị điểm thi  dưới trung bình. Từ đó, kết quả xếp loại bị kéo xuống, có khả năng ảnh hưởng kết quả xét tốt nghiệp THCS. Sự thật ra sao?

*Chất lượng dạy - học sa sút?
Trên địa bàn quận Ninh Kiều có 10 trường THCS. Khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi khá bất ngờ khi ngay tại các trường lâu nay được đánh giá chất lượng đào tạo khá ổn định như THCS Đoàn Thị Điểm và THCS Lương Thế Vinh, kết quả thi học kỳ I môn Toán và môn Sinh học của học sinh khối 9 cũng thấp đến không ngờ. Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, ở môn Toán có 505 HS trên tổng số 681 HS khối 9 bị điểm dưới trung bình (dưới 5 điểm), chiếm tỷ lệ 74%, và ở môn Sinh học có 443 HS bị điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 65%. Tại Trường THCS Lương Thế Vinh, ở môn Toán, cũng có đến 395 HS bị điểm dưới trung bình trên tổng số 488 HS khối 9, chiếm tỷ lệ 80,9% và ở môn Sinh học có 382 HS bị điểm dưới trung bình, chiếm tỷ lệ 78,2%.
Trường THCS Hưng Phú được xem là trường điểm của quận Cái Răng nhưng trong kỳ thi học kỳ I vừa qua, ở môn Toán, trường có đến 97,4% HS (265 trên tổng số 272 HS khối 9) bị điểm dưới trung bình. Trong đó, có đến 150 HS dưới 2 điểm, dẫn đến có 48 học sinh (chiếm tỷ lệ 18%) xếp loại học lực yếu ở học kỳ I. Tuy nhiên, số lượng HS bị xếp loại yếu của trường sẽ còn cao hơn do khi thấy điểm trong bài thi môn Sinh học quá thấp, nhà trường đã cộng cho HS 2 điểm/bài thi và kết quả đó không được Sở GD-ĐT chấp nhận. Cô Trần Ngọc Sương, Hiệu phó chuyên môn của Trường THCS Hưng Phú, cho biết: “Theo kiến nghị của các giáo viên bộ môn Sinh học, trong đề thi có những phần không nằm trong chương trình môn Sinh học lớp 9. Căn cứ theo thang điểm trong đáp án, phần này khoản 2 điểm, lãnh đạo nhà trường đã thống nhất cộng 2 điểm/bài thi để HS không bị thiệt. Tuy nhiên, khi Thanh tra Sở GD-ĐT đến trường kiểm tra về việc thực hiện quy chế chuyên môn, nghe trường báo cáo về việc này, Thanh tra Sở GD-ĐT phê bình vi phạm mục tiêu “hai không” và yêu cầu nhà trường phải tính lại điểm bài thi môn Sinh lớp 9 theo đúng thực chất. Kết quả nhà trường có đến 97,4% HS (265 em) bị điểm dưới trung bình môn Sinh học”.
Nhiều phụ huynh, học sinh khối 9 có tâm trạng bức xúc, lo lắng bởi do kết quả thi môn Toán đạt thấp dẫn đến kết quả xếp loại học lực và hạnh kiểm học kỳ I của nhiều học sinh cũng bị kéo xuống. Bởi từ năm học 2006-2007, việc đánh giá xếp loại học lực của HS THCS và THPT được thực hiện theo quy chế mới (theo Quyết định số 40/2006/QĐ-BGD-ĐT ban hành vào tháng 10-2006, do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân ký). Theo đó, chất lượng học tập môn Văn và môn Toán được xem là tiêu chí chủ đạo để xếp loại học lực của HS. Thí dụ: HS có điểm trung bình chung đạt loại giỏi (từ 8 điểm trở lên), nhưng điểm trung bình của môn Văn hoặc môn Toán chỉ đạt loại trung bình (từ 5-6 điểm) thì kết quả xếp loại học lực sẽ bị kéo xuống một bậc (chỉ đạt loại khá). Tương tự, nếu kết quả cuối năm đạt loại khá, nhưng điểm trung bình của môn Văn hoặc môn Toán rơi vào loại yếu (dưới 3 điểm) thì bị xếp loại trung bình. Việc xếp loại hạnh kiểm cũng căn cứ theo kết quả xếp loại học tập, nếu học lực đạt loại trung bình thì hạnh kiểm chỉ đạt loại khá.
Chị Nguyễn Thị T., cũng là giáo viên trong ngành và là phụ huynh của một học sinh ở lớp 9A2  Trường THCS Lương Thế Vinh, nói: “Lớp con tôi có đến đến 43/49 HS thi môn Toán đạt dưới 3,5 điểm, điểm trung bình chung cuối học kỳ I cả lớp đều bị tuột hạng. Con tôi lâu nay học lực xếp loại giỏi bị kéo xuống loại khá. Với môn Sinh cũng có 28 em đạt dưới 3,5 điểm, nên có đến 5 em học lực bị xếp loại yếu, hạnh kiểm loại trung bình. Tình trạng này khiến con tôi cũng như nhiều học sinh bị áp lực tâm lý trong học tập ở học kỳ II, vì những HS học lực yếu không cải thiện được điểm có khả năng không được xét tốt nghiệp THCS”. 
Em Nguyễn Thụy Th. V., HS lớp 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết: “Khi biết em thi môn Sinh học chỉ được 3 điểm, mẹ em cho em đi học thêm môn này. Hiện nay, em đang học thêm đến 5 môn là Văn, Toán, Lý, Hóa, Sinh học và tiếng Anh. Mỗi ngày, ngoài thời gian học ở trường, em phải đi học thêm vào buổi chiều và buổi tối. Trong lớp em có nhiều bạn cũng đi học thêm như em, nên trong giờ học có khi chúng em mệt quá, ngủ gục, bị thầy cô nhắc nhở”.
* Vì sao như vậy?
Sở dĩ Trường THCS Hưng Phú “mạnh dạn” nâng 2 điểm bài thi môn Sinh học cho HS, vì qua phân tích nguyên nhân nhiều học sinh bị điểm thấp,  tập thể giáo viên nơi đây thấy rằng trong đề thi ở phần tự luận câu số 1 (1 điểm) và câu  số 4 (2 điểm) có nội dung không nằm trong chương trình giáo khoa lớp 9. Cô Lê Thị Ngọc Hạnh, giáo viên dạy môn Sinh học khối 9 của Trường THCS Hưng Phú, cho biết: “Phần thi tự luận, câu số 1, rơi vào bài “Lai một cặp tính trạng”. Bài học chỉ giới thiệu thí nghiệm của Menđen mang tính lý thuyết, còn câu hỏi trong đề thi lại mang tính suy luận, chỉ phù hợp với trình độ của HS tham gia thi HS giỏi cấp thành phố. Câu hỏi số 4 rơi vào bài “ADN”. Kiến thức trong bài học mang tính cơ bản làm nền để HS học sâu hơn về ADN trong chương trình Sinh học ở bậc THPT. Nhưng đề thi lại cho “chiều dài một đoạn gen” và yêu cầu HS tính “số liên kết hydrô, tính số vòng xoắn và tính về quá trình sao mã gen” là rơi vào phần toán di truyền thuộc chương trình Sinh học lớp 11 và 12".
Về việc này, bà Đặng Thị Huỳnh Mai, cán bộ Thanh tra (vốn là chuyên viên môn Sinh học của Sở GD-ĐT), vừa thanh tra chuyên môn đối với Trường THCS Hưng Phú, cho biết: “Đó là 2 câu hỏi mang tính nâng cao, nếu HS không làm được, nhưng làm tốt các câu hỏi còn lại vẫn đạt điểm trên trung bình. Từ đầu tháng 1-2008, Sở GD-ĐT tập trung thực hiện đợt thanh tra chuyên đề “Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện cuộc vận động 2 không”, nhằm đánh giá thực chất trình độ học tập của HS và khả năng truyền thụ kiến thức của giáo viên để có hướng chỉ đạo phù hợp. Tình trạng nhiều HS khối 9 bị điểm thấp môn Sinh học và môn Toán chứng tỏ chất lượng học tập của HS chưa đồng đều, chưa theo kịp với yêu cầu đổi mới chương trình”.
Còn đề thi môn Toán, theo nhiều giáo viên thì không nằm ngoài chương trình sách giáo khoa lớp 9, nhưng là đề thi khó đối với học sinh trung bình. Cô Trần Thị Kim Nhung, giáo viên môn Toán của Trường THCS Đoàn Thị Điểm, nhận xét: “Đề thi Toán rất hay song chỉ phù hợp với HS có trình độ giỏi. Vì phần trắc nghiệm khách quan chỉ có 3 điểm, nhưng đến 12 câu hỏi. Muốn kịp thời gian làm bài, HS phải dùng phương pháp phán đoán nhanh để tìm kết quả thay thế. Tuy nhiên, hầu hết HS đều có thói quen làm bài theo cách tuần tự tìm đáp số đúng. Trong mỗi đáp số, HS đều phải giải căn thức hoặc rút gọn biểu thức, với một HS có trình độ trung bình chỉ cần làm vài câu là suy nghĩ đã bị rối”.
Theo quy định, trong kỳ thi học kỳ I năm học này, với khối 9, Sở GD-ĐT ra đề 6 môn, gồm: Văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp), các môn còn lại do Phòng GD-ĐT ra đề. Sau kỳ thi, các trường THCS phải thống kê, phân loại kết quả điểm của từng môn theo biểu mẫu để báo cáo về Phòng GD-ĐT và Sở GD-ĐT. Về tình trạng môn Toán và Sinh học có nhiều học sinh bị điểm thấp, ông Nguyễn Quí Đôn, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Đề thi do các chuyên viên của Sở GD-ĐT biên soạn. Dư luận phản ánh HS bị điểm thấp môn Sinh học và môn Toán xác suất xảy ra ở nhiều trường là đúng. Tôi sẽ cho Phòng Giáo dục trung học kiểm tra, rút kinh nghiệm đối với chuyên viên ra đề. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo chung là kỳ thi học kỳ I phải làm cho giáo viên và phụ huynh thấy được chất lượng thực chất của HS để điều chỉnh cách dạy, cách học trong học kỳ II. Ở học kỳ II, còn có nhiều cột điểm kiểm tra, là điều kiện để HS được gỡ điểm, không ảnh hưởng đến kết quả xếp loại cuối năm”.
  Cần khẳng định, cuộc vận động “hai không” được triển khai thực hiện trong ngành giáo dục trong năm qua đã mang lại những kết quả thiết thực, đưa việc dạy và học ngày càng đi vào thực chất, được dư luận hoan nghênh.  Thời gian qua, Sở GD - ĐT cũng thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm để việc chỉ đạo sát thực tế, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả của cuộc vận động. Do vậy, việc nhiều học sinh khối 9 bị điểm thấp ở môn Toán và môn Sinh học trong kỳ thi học kỳ I vừa qua, được nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh phản ánh, thiết nghĩ Sở GD - ĐT cần kiểm tra, phân tích tìm hiểu kỹ nguyên nhân để có sự điều chỉnh, khắc phục kịp thời trong thời gian tới, tránh cho phụ huynh và học sinh có tâm trạng lo lắng như hiện nay. Việc Trường THCS Hưng Phú tự ý nâng 2 điểm bài thi môn Sinh học cho HS là không đúng qui định, nhưng cũng xuất phát từ nguyên nhân đề thi có những phần chưa phù hợp.
Nhiều năm qua, các đề thi tốt nghiệp do Bộ GD-ĐT ra cũng được dư luận đánh giá là vừa sức học sinh, không gây tâm trạng bức xúc, lo lắng như tình trạng thực tế nêu trên. Hơn nữa, chương trình sách giáo khoa mới đòi hỏi chất lượng dạy và học phải nâng cao, nhưng khả năng tiếp thu của HS lại chưa được đồng đều. Trong điều kiện như vậy, nếu như đề thi học kỳ I “quá với” đối với HS, vô hình trung vừa gây áp lực cho HS ở học kỳ II, vừa tạo cơ hội cho phong trào dạy thêm - học thêm phát triển tràn lan. Bởi việc xét kết quả tốt nghiệp THCS và tuyển sinh vào lớp 10 ở các trường THPT đều căn cứ theo điểm trung bình cuối năm lớp 9.

         Đình Khôi

* Bảng tổng hợp kết quả điểm thi môn toán và sinh học ở các trường và ý kiến của giáo viên và lãnh đạo sở GD-ĐT.

 

 

 

 

 

 

 



Chia sẻ bài viết