|
Bán trái cây tại Lễ hội trái ngon đbscl. Ảnh: VĂN CÔNG |
Lễ hội trái ngon ĐBSCL được tổ chức tại Làng du lịch Mỹ Khánh huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ ngày 28-5 đến ngày 2-6-2008, là một trong những hoạt động nằm trong 23 sự kiện chính thức của Năm Du lịch Quốc gia Mekong-Cần Thơ 2008. Qua 5 ngày diễn ra lễ hội đã thu hút 25.000 lượt khách tham quan; 25 tấn trái cây các loại, cùng 10.000 cây giống được tiêu thụ. Nhìn tổng quan về con số thì lễ hội đã thu hút khá đông du khách, nhưng người xem vẫn nuối tiếc vì hoạt động tại lễ hội chưa xứng với tầm vóc của một thành phố trung tâm của vùng...
NGON... MÀ CHƯA NGON!
Lễ hội trái ngon ĐBSCL có 50 gian hàng trưng bày và bán các loại trái cây (sầu riêng, bưởi, chôm chôm, ổi, mít, dâu...) cây giống của nhà vườn. Đây là lễ hội được thành phố rất kỳ vọng trong việc quảng bá sản phẩm du lịch, trái ngon Nam bộ và những món ăn đặc sản của vùng không chỉ TP Cần Thơ mà toàn vùng ĐBSCL. Nhưng vấn đề khiến nhiều du khách chưa hài lòng là giá cả và chất lượng các loại trái cây được bày bán ở đây. Cụ thể, giá mận An Phước bán ngoài thị trường khoảng 12.000 đồng/kg, còn tại đây là 15.000 đồng; dâu Hạ Châu bán ở bên ngoài 14.000 đồng/kg, ở lễ hội từ 20.000 đồng/kg trở lên; còn chôm chôm, măng cụt mỗi loại mắc hơn bên ngoài từ 2.000 đến 6.000 đồng/kg... Ông Huỳnh Văn Chánh ở phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Các hoạt động vui chơi ở đây khá xôm tụ, nhưng giá cả trái cây lại khá đắt so với bên ngoài. Tôi đưa gia đình đi tham quan và mua 1kg dâu Hạ Châu- một loại trái cây đặc sản nổi tiếng của Phong Điền- Cần Thơ, nhưng chỉ ăn một ít rồi bỏ, vì dâu chua quá, ăn không nổi!”.
Ngoài các gian hàng trái cây, còn có 10 gian hàng phục vụ khoảng 30 món ăn Nam bộ. Tuy nhiên, nhiều món ăn giá lại khá cao. Đơn cử, giá chuột quay lu 40.000-80.000 đồng/con; gà nước 50.000 đồng/con, chằng nghịch 30.000 đồng/con, bánh xèo 20.000 đồng/cái, sườn nướng: 20.000 đồng/1 miếng, trà xanh O 0 giá12.000 đồng/chai (ở ngoài chỉ khoảng 6.000 đồng/chai)... Điều đáng nói là chất lượng, chẳng hạn, món được đăng bảng giới thiệu là cơm Lam ( 20.000 đồng/ống), nhưng khi tách ống tre ra du khách mới biết là cơm nếp trộn gia vị, ăn giống như xôi. Còn bánh xèo bán tại lễ hội chất lượng nhân bánh không bằng ngày thường; rau kèm bánh xèo chỉ có vài loại đơn điệu như: rau thơm, diếp cá, cải xanh... thiếu vắng các loại rau ăn bánh xèo đặc sắc của Nam bộ.
Ngoài ra, một số dịch vụ giữ xe tại nhà dân “ăn theo” lễ hội cũng tha hồ chặt chém du khách, với mức giá 5.000 đồng/xe gắn máy. Anh Phạm Thái Bình du khách đến từ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: “Chắc là các nhà vườn và những người buôn bán hàng tại lễ hội này phải đóng tiền mặt bằng mướn lô sạp, nên họ phải bán hàng giá cao. Song giá cao cũng nên ở mức vừa phải chứ bán gì đâu quá đắt đỏ, tôi cùng bạn bè vào tham quan chỉ dám uống nước rồi đi về”.
Khi đặt vấn đề về mặt bằng giá cả tại lễ hội vì sao cao hơn bên ngoài. Ông Lê Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Mỹ Khánh (Làng du lịch Mỹ Khánh), cho biết: “Giá bán các loại trái cây, thực phẩm, đồ uống tại lễ hội không cao hơn so với lễ hội tổ chức tại các khu du lịch khác mà tôi biết. Lúc đầu, Ban tổ chức Lễ hội trái ngon ĐBSCL đề nghị chúng tôi miễn vé vào cổng cho khách tham quan, nhưng không được hỗ trợ phần kinh phí này. Do vậy, chúng tôi phải thu giá vé vào cổng với mức 10.000 đồng/người lớn. Còn các lô sạp bán trái cây tại lễ hội, chúng tôi không thu tiền mặt bằng để bán hàng. Giá giữ xe của Làng du lịch Mỹ Khánh cũng ở mức 1.000 đồng/xe gắn máy, riêng các nhà dân bên ngoài mới giữ xe ở mức 5.000 đồng/xe”.
Gần đây, nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL như Bến Tre, Vĩnh Long... cũng tổ chức lễ hội trái ngon khá chất lượng, thu hút nhiều nông dân và du khách xa gần tham gia. Chẳng hạn hàng năm tỉnh Bến Tre tổ chức lễ hội trái ngon mà không thu vé vào cổng; còn ở Khu du lịch Suối Tiên (TP Hồ Chí Minh), giá bán nhiều loại trái cây chỉ bằng 2/3 so với giá bán ngoài thị trường. Bởi mục đích của nhiều nhà vườn khi đến với lễ hội, không phải để bán hàng mà còn để quảng bá hình ảnh trái ngon của mình. Tại Lễ hội trái ngon ĐBSCL, nhiều người cho rằng cách trưng bày và bán hàng mang tính kinh doanh hơn là quảng bá. Một số mặt hàng đặc sản của địa phương như dâu Hạ Châu Phong Điền là loại trái ngon, ăn rất ngọt. Nhưng vào thời điểm này chưa phải là chính vụ, dâu chưa chín nên rất chua, phải đến khoảng tháng 6 âm lịch trái ăn mới ngọt.
ĐẤU XẢO TRÁI NGON: THIẾU NHÀ VƯỜN!
Trong khuôn khổ Lễ hội trái ngon ĐBSCL, Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam đã tổ chức cuộc thi đấu xảo “Trái ngon và an toàn thực phẩm ĐBSCL 2008”. Cuộc thi đã quy tụ 109 sản phẩm dự thi với 9 chủng loại như: sầu riêng, nhãn, chôm chôm, mít, cam sành, khóm, bưởi, xoài, quýt đường của nông dân các tỉnh, thành trong khu vực. Kết quả, Ban giám khảo đã trao 21 giải cho sản phẩm dự thi. Trong 9 chủng loại chỉ có 2 giải nhất (bưởi ở Kế Sách-Sóc Trăng, xoài cát Hòa Lộc- Đồng Tháp) và 19 giải nhì. Theo đánh giá của Ban giám khảo, qua kiểm tra chất lượng, tiêu chuẩn của các sản phẩm dự thi lần này, nhà vườn đã nâng cao tính chuyên nghiệp và thể hiện tiến bộ rõ rệt trong ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, hội thi vẫn chưa đủ sức hấp dẫn và không quy tụ được nhiều nhà vườn tham gia, cũng như chủng loại trái cây.
Thạc sĩ Phạm Ngọc Liễu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi đấu xảo trái ngon, giải thích: “Hội thi tổ chức muộn so với mùa vụ thu hoạch (xoài đã gần hết mùa, sầu riêng đã qua giai đoạn rộ...), thông tin về cuộc thi không được phổ biến rộng rãi nên ít mẫu dự thi. Nhưng chất lượng trái cây có tăng hơn so với trước. Ví dụ như nhà vườn ở Trà Ôn (Vĩnh Long) chuẩn bị rất tốt với mẫu chôm chôm nên luôn đạt giải cao, rồi xoài ở Cao Lãnh (Đồng Tháp) nhà vườn có nhiều kinh nghiệm trong xử lý trái. Năm nay, có khá nhiều hội thi trái ngon, như giữa tháng 4 và đầu tháng 5-Mậu Tý, diễn ra ở Vĩnh Long, Sóc Trăng và sắp tới là Bến Tre... Hơn nữa, địa điểm tổ chức lần này nằm xa trục giao thông chính, do vậy chưa thu hút được nhiều nhà vườn tham gia”. Theo thạc sĩ Liễu, Ban tổ chức Lễ hội trái ngon đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa chặt chẽ trong khâu tổ chức. Nhà vườn rất “hăng hái” chuẩn bị đi thi, nhưng việc tìm nhà tài trợ cho cuộc thi rất khó, nên thông tin về cuộc thi đấu xảo trái ngon chưa được phổ biến rộng. Thêm vào đó, Ban tổ chức Năm Du lịch Quốc gia hầu như giao hết công việc tổ chức cho Làng du lịch Mỹ Khánh (Công ty TNHH Du lịch Sinh thái Mỹ Khánh), trong khi đơn vị này phải làm rất nhiều việc, do vậy không tránh khỏi hạn chế, bị động.
Để phục vụ cho sự kiện Năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008, TP Cần Thơ đã chọn 17 cơ sở và cấp chứng nhận về cung cấp sản phẩm, hàng hóa, địa điểm du lịch, nghỉ chân... cho du khách, trong đó có Làng du lịch Mỹ Khánh. Đây cũng là cơ hội để Cần Thơ quảng bá hình ảnh, thu hút du khách đến tham quan và thu hút đầu tư. Việc tổ chức lễ hội khá tốn kém, nhưng chất lượng mang lại chỉ là doanh thu từ các dịch vụ, còn hình ảnh đọng lại trong lòng du khách về Cần Thơ - thành phố trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp của ĐBSCL ... lại khá mờ nhạt. Thiết nghĩ, Năm Du lịch Quốc gia Mekong- Cần Thơ 2008 là cơ hội để quảng bá du lịch nói riêng và tiềm năng kinh tế nói chung, không chỉ cho TP Cần Thơ mà cả ĐBSCL. Do vậy, làm thế nào có thể khắc họa ấn tượng về thành phố trung tâm vùng, đó là điều rất cần nhưng vấn đề này dường như chưa được các nhà tổ chức suy tính kỹ!
Ghi nhận: VĂN CỘNG- GIA BẢO