20/03/2012 - 20:48

PHIÊN CHỢ HÀNG VIỆT VỀ NÔNG THÔN TẠI HUYỆN THỚI LAI

Thay đổi dần nhận thức, thói quen tiêu dùng

Hiện nay, nhiều người dân nông thôn đã tin, dùng hàng Việt nhiều hơn. (Trong ảnh: Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại
huyện Thới Lai)
.
 

Thay đổi thói quen tiêu dùng, nhận thức đúng giá trị và ý nghĩa của việc dùng hàng Việt là điều các doanh nghiệp (DN) luôn trăn trở trong cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Bởi đây là quá trình đòi hỏi cả nhà sản xuất và người tiêu dùng (NTD) cùng nỗ lực. Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn (HVVNT) tại huyện Thới Lai do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại - Du lịch TP Cần Thơ phối hợp cùng Sở Công Thương, UBND huyện Thới Lai tổ chức diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18-3-2012, cho thấy: Nhà sản xuất và NTD đã gặp nhau trong việc nhận thức đúng giá trị, ý nghĩa dùng hàng Việt.

* Thay đổi thói quen tiêu dùng

Thời gian qua, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) TPHCM đã tổ chức gần 80 phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn (HVVNT), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại -Du lịch TP Cần Thơ cũng tổ chức không ít Phiên chợ HVVNT tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ DN phát triển thị trường, đưa hàng hóa sản xuất trong nước có cơ hội tiếp cận thị trường và NTD nông thôn, hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”. Trong đó, điều quan trọng và cốt lõi nhất mà Ban tổ chức cũng như nhiều DN quan tâm và kỳ vọng là thay đổi thói quen tiêu dùng, nhận thức đúng giá trị hàng Việt. Có như thế, mới mong thương hiệu Việt đứng vững trong lòng NTD dù phải đối diện với sức cạnh tranh gay gắt của hàng ngoại.

Phiên chợ HVVNT tại huyện Thới Lai, tuy quy mô không lớn lắm. Song, đã thu hút đông đảo người dân địa phương đến tham quan, mua sắm và điều quan trọng hơn là nhận thức và thói quen tiêu dùng của người dân nơi đây đã thay đổi khá rõ. Chị Trần Thị Hạnh, ở chợ Thới Lai, hai tay xách lủ khủ hàng hóa mua tại phiên chợ này, miệng tươi cười, nói: “Hàng Việt bây giờ đa dạng mẫu mã, sản phẩm xài được lắm! Mua ở đây giá “mềm” hơn ngoài chợ, thời buổi cái gì cũng đắt đỏ, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Tui mua được rất nhiều thứ, sữa, bột ngọt, nước rửa chén, kem đánh răng... xài chắc mấy tháng mới hết lại tiết kiệm được tiền, thiệt là thích”. Chị Thanh Hà, ở ấp Thới Thuận A, thị trấn Thới Lai, đang loay hoay chọn nước rửa chén, tôi cầm chai nước rửa chén và nói: “Nước rửa chén này đâu phải là hàng Việt!”. Anh nhân viên bán hàng chưa kịp trả lời thì chị Thanh Hà, quả quyết: “Đây là hàng Việt, trên chai có để tên công ty sản xuất và địa chỉ công ty nữa nè!”.

Anh Tăng Đoàn Minh Danh, Tiếp thị Phòng thị trường nội địa Công ty Lương thực Tiền Giang, cho biết: “Thực tế cho thấy NTD hoàn toàn có thể thay đổi thói quen cũng như nhận thức trong tiêu dùng. Vấn đề là DN làm gì để cho họ thay đổi. Công ty Lương thực Tiền Giang đã tham gia nhiều phiên chợ như thế này tại các huyện trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và nhiều tỉnh, thành khác vùng ĐBSCL. Nhìn chung, yêu cầu về sản phẩm của NTD nông thôn không quá cao, các nhu yếu phẩm hàng hóa bán trong phiên chợ rất được người dân ưa chuộng. Đặc biệt, họ nhận thức rất tốt về chất lượng và giá cả sản phẩm, nhất là các bà nội trợ còn rành cả về thương hiệu sản phẩm”. Ông Châu Ngọc Trai, Kế toán trưởng Công ty Cổ phần nhựa Cần Thơ, cũng cho rằng: “DN Việt Nam đã có nhiều cải tiến để sản phẩm không thua kém hàng ngoại về chất lượng, mẫu mã. Tuy nhiên, DN Việt do thiếu tiềm lực về vốn, nên khâu chăm sóc khách hàng, truyền thông quảng bá sản phẩm vẫn còn hạn chế. Điển hình, phiên chợ HVVNT tại huyện Phong Điền vừa qua, đến ngày thứ 3 nhiều người dân mới hay tin có phiên chợ và đến mua. Hôm đó, công ty đã “cháy” hàng vì sức mua tăng cao”. Đây là tín hiệu vui để các DN tiếp tục cuộc hành trình đưa hàng Việt đến tay NTD nông thôn trong thời gian tới.

* Dùng hàng Việt chính là yêu nước

Có thể nói, xây dựng ý thức và thói quen tiêu dùng của NTD được xem là “cuộc chiến” dai dẳng. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm của toàn xã hội, DN Việt sẽ chinh phục NTD Việt là chuyện hoàn toàn có thể nếu NTD nhận thức được rằng dùng hàng Việt chính là thể hiện lòng yêu nước. Đại sứ hàng Việt - Nghệ sĩ Trung Dân - trong một Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao mới đây, chia sẻ: “Yêu nước có nhiều cách. Sử dụng sản phẩm do các DN của đất nước mình làm ra cũng là một cách rất thiết thực để ủng hộ nền kinh tế phát triển”. NTD có quyền lựa chọn sản phẩm mình ưa chuộng, kể cả sản phẩm được sản xuất từ nước ngoài. Nhưng dùng hàng Việt không chỉ có ý nghĩa đơn thuần là dùng sản phẩm trong sinh hoạt hàng ngày mà còn mang một ý nghĩa khác là giúp cho hàng Việt khẳng định thương hiệu, cạnh tranh được với hàng ngoại từ đó thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển. Tại phiên chợ HVVNT huyện Thới Lai, đồng chí Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, bày tỏ: Trước ảnh hưởng của sự biến động về kinh tế toàn cầu, lãi suất ngân hàng không ổn định, giá nguyên vật liệu tăng cao, việc sản xuất hàng hóa của các DN gặp nhiều khó khăn cũng là điều Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành luôn trăn trở. Chương trình HVVNT được lãnh đạo từ trung ương đến địa phương rất quan tâm nhằm hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. “NTD nên nhận thức rằng: Thay đổi thói quen tiêu dùng, loại trừ tâm lý “sính ngoại” và ưu tiên dùng hàng Việt chính là NTD đã thể hiện lòng yêu nước, góp phần xây dựng, phát triển nước nhà!”.

Bài, ảnh: THU HOÀI

Hiện nay, nhiều người dân nông thôn đã tin, dùng hàng Việt nhiều hơn. (Trong ảnh: Phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn” tại hu

Chia sẻ bài viết