14/02/2017 - 21:04

Thấu hiểu để hợp tác tiêu thụ lúa

Cờ Đỏ là huyện sản xuất lúa trọng điểm của TP Cần Thơ. Để ổn định và nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, huyện đã và đang tích cực vận động nông dân liên kết với nhau để phát triển các "cánh đồng lớn" (CĐL) gắn với hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Các cấp chính quyền huyện cũng giám sát chặt quá trình thực hiện các hợp đồng bao tiêu lúa, giúp các bên thấu hiểu nhau và tránh sự "bẻ kèo" hợp đồng.

Củng cố, phát triển CĐL

Vụ đông xuân 2016-2017, huyện Cờ Đỏ gieo sạ hơn 24.733ha lúa, chủ yếu là sản xuất lúa thơm và lúa chất lượng cao, thuận lợi cho doanh nghiệp bao tiêu do nhu cầu chất lượng ngày càng cao của thị trường lúa gạo. Tổng diện tích thực hiện CĐL (diện tích từ 200ha/cánh đồng trở lên) và cánh đồng mẫu (dưới 200ha/cánh đồng) vụ đông xuân 2016-2017 đạt 12.053ha, tăng hơn 210ha so cùng kỳ năm trước, với 5.737 hộ dân tham gia. Hiện có 11 đơn vị, doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho 3.838 nông dân trong các CĐL và cánh đồng mẫu (CĐM), với tổng diện tích 7.855ha.

Thu hoạch lúa đông xuân 2016- 2017 tại cánh đồng lớn ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ.

Ông Đỗ Xuân Phúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện ủy, UBND huyện, phòng nông nghiệp tích cực phối hợp các ban ngành huyện và chính quyền các xã, thị trấn vận động nhân dân liên kết thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) gắn với CĐL và CĐM. Qua đó, tạo thuận lợi trong ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp. Huyện đã hình thành được 3 HTX CĐL là HTX Trung Hưng- xã Trung Hưng, HTX An Phú-xã Thạnh Phú, HTX An Xuân-xã Thới Xuân. Vụ đông xuân 2016-2017, các HTX CĐL đã phát huy vai trò tích cực khi đứng ra tổ chức thu hoạch, thu gom lúa của bà con xã viên giao cho doanh nghiệp bao tiêu, tránh tình trạng phải bị động chờ doanh nghiệp khi đến vụ thu hoạch".

Tính pháp lý của các hợp đồng bao tiêu sản phẩm được doanh nghiệp ký với nông dân cũng được nâng cao nhờ được sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền tại địa phương. Theo ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, vụ đông xuân 2016-2017, xã có 447/1.450ha lúa của nông dân tham gia các mô hình CĐL, CĐM và được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các cấp chính quyền tại xã, nhất là Ban chỉ đạo sản xuất của xã đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền huyện để tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các hợp đồng bao tiêu sản phẩm và đang giám sát chặt quá trình thực hiện. Vừa qua, xã đã thành lập được HTX gắn với CĐL là HTX An Xuân cũng tạo thuận lợi trong nâng cao tính pháp lý giữa hợp đồng được HTX đại diện cho nông dân ký kết với doanh nghiệp.

Tạo niềm tin

Thời gian qua, nhằm tránh tình trạng "bẻ kèo" giữa nông dân và doanh nghiệp trong thực hiện các hợp đồng sản xuất tiêu thụ lúa, Huyện ủy và UBND huyện Cờ Đỏ đã chỉ đạo và yêu cầu Phòng NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn để nghiên cứu, hỗ trợ nông dân xây dựng các hợp đồng có tính ràng buộc cao với doanh nghiệp và giám sát chặt việc thực hiện các hợp đồng giữa các bên. Đồng thời, hỗ trợ tháo gỡ kịp thời các khó khăn cũng như có các kiến nghị về trên để có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hợp đồng. Từ đó, niềm tin của người dân về sự phát triển ổn định của các mô hình CĐL và CĐM được củng cố vững chắc. Nhiều hộ dân đã nhận thức rõ, muốn có đầu ra sản phẩm ổn định lâu dài và có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất thiết phải duy trì phát triển các CĐL gắn với hợp đồng bao tiêu, đặt hàng sản xuất của doanh nghiệp.

Ông Lê Văn Út Bé, ngụ ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, cho biết: "Tham gia CĐL và được doanh nghiệp bao tiêu lúa từ 6 năm qua, với giá bán lúa cho doanh nghiệp có lúc cao hơn 100-200 đồng/kg và có lúc chỉ tương đương bên ngoài. Không lo đầu ra nên tôi xác định gắn bó lâu dài với CĐL. Thời gian qua, tôi còn được doanh nghiệp cung cấp lúa giống và các loại vật tư đầu vào với chất lượng đảm bảo và đến cuối vụ mới thanh toán tiền. Vụ này, tôi sản xuất 3,4ha lúa Jasmine đã được doanh nghiệp bao tiêu với giá 5.250 đồng/kg". Ông Võ Văn Rô, Tổ trưởng CĐL tổ 1, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Năm nay, thời tiết diễn biến bất thường, mưa trái mùa xuất hiện nhiều đã ảnh hưởng xấu đến việc thu hoạch lúa và năng suất lúa. Tuy nhiên, hầu hết bà con tham gia CĐL đều mừng, vì năm nay doanh nghiệp tăng giá bao tiêu lúa so cùng kỳ".

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, đến ngày 8-2-2017, nông dân tại huyện Cờ Đỏ đã thu hoạch hơn 2.500ha lúa đông xuân, trong đó có khoảng 250ha trong mô hình CĐL và CĐM. Nhìn chung, nông dân tham gia ký hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ lúa với doanh nghiệp đều đồng thuận với giá doanh nghiệp đưa ra. Mức giá bao tiêu của doanh nghiệp cao hơn ít nhất 450- 500 đồng/kg so cùng kỳ năm rồi. Hiện nhiều loại lúa thơm như: Jamine 85, RVT… được doanh nghiệp thu mua ở mức từ 5.250-5.400 đồng/kg trở lên. Phòng NN&PTNT huyện đang tiếp tục phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh nhằm đảm bảo thực hiện tốt các hợp đồng bao tiêu.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết