17/06/2018 - 15:24

Thắp lên niềm đam mê lập nghiệp 

Thực hiện chương trình “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp”, các cấp bộ Đoàn- Hội trên địa bàn TP Cần Thơ triển khai nhiều dự án, chương trình giúp đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Cùng với hoạt động tập huấn, hội thảo về kỹ năng khởi sự doanh nghiệp, các chương trình giao lưu với doanh nhân, tuổi trẻ thành phố kết nối với nhóm khởi nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL, định hướng các bạn trẻ tìm nhà đầu tư, tư vấn thủ tục pháp lý, thành lập các tổ hợp tác sản xuất… Qua đó, góp phần định hướng, hun đúc tinh thần lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng cho giới trẻ.

Nhiều bạn trẻ ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL tham quan học tập mô hình trồng lúa sạch Nông trại Tâm Việt của anh Võ Văn Tiếng (bìa phải) ở xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp).  

Chắp cánh ý tưởng làm giàu

Mỗi lần các cấp Đoàn- Hội hoặc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Cần Thơ tổ chức giao lưu các nhóm khởi nghiệp, Nguyễn Thị Kim Anh, sinh viên (SV) ngành Tài chính Ngân hàng (Trường Đại học Cần Thơ), đều đăng ký tham gia. Đây là cơ hội quảng bá và tìm hướng mở rộng tiêu thụ sản phẩm cà phê sạch “Anna Coffee” mà Kim Anh bắt đầu kinh doanh hơn năm qua. Quê ở Đắk Nông, gia đình Kim Anh trồng 5ha cà phê. Gần đây, người tiêu dùng có nhu cầu dùng cà phê đảm bảo an toàn thực phẩm, vì vậy, Kim Anh nảy sinh ý tưởng bán cà phê sạch. Tận dụng diện tích trồng cà phê chỉ sử dụng phân hữu cơ của gia đình, Kim Anh kết nối các hộ lân cận đảm bảo nguồn cung nguyên liệu. Thuê người rang xay cà phê nhưng Kim Anh giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo không pha trộn tạp chất.

Để đảm bảo nguồn cung sản phẩm, Kim Anh thuê 3 nhà kho ở Đắk Nông, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ. Riêng tại thị trường Cần Thơ, nửa năm, Kim Anh thu nhập hơn 72 triệu đồng, còn giải quyết việc làm, thu nhập ổn định đối với 13 cộng tác viên kinh doanh. Kim Anh chia sẻ: “Ban đầu tôi bán qua mạng, dần dà thêm nhiều mối quen nên thuê nhân viên. Vì vậy, tôi tham gia các chương trình giao lưu với nhóm khởi nghiệp, hội thảo về khởi sự doanh nghiệp, mong muốn học hỏi cách xây dựng thương hiệu, phương pháp quản lý nhân viên. Đặc biệt, tôi có thể kết nối hợp tác kinh doanh hoặc hiểu thêm chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của thành phố”.

Gần năm qua, Võ Thị Huỳnh Như (phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều) tập tành kinh doanh thu mua cây năng tượng từ Bạc Liêu, Cà Mau, cung cấp cho doanh nghiệp chuyên đan đát sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Qua tìm hiểu thị trường, sắp tới, Như tiếp tục đầu tư vốn phát triển hướng kinh doanh này. Như đang ấp ủ ý tưởng phát triển mô hình du lịch trải nghiệm cho SV. Từng là SV ngành Quản lý Môi trường, Như nhận thấy nhu cầu thực tập, trải nghiệm để bổ sung kiến thức của SV rất cao nên mạnh dạn triển khai mô hình này. Tháng 7-2018, Như sẽ liên kết nhà vườn các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp để triển khai mô hình. Đầu tháng 6 vừa qua, Như tham gia chương trình “VSV Angel Camp Cần Thơ” do Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển SV Cần Thơ, Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Vietnam Silicon Valley, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Cần Thơ phối hợp tổ chức. Qua đó, Như nghe các diễn giả giới thiệu mô hình kinh doanh hiệu quả; kinh nghiệm phát triển và điều hành dự án khởi nghiệp; cách thức gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp. “Đây là những kiến thức, kỹ năng bổ ích để người tập tành kinh doanh như tôi sớm hiện thực hóa ước mơ trở thành doanh nhân” - Như tâm sự.

Nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn - Hội trong thành phố phối hợp các ngành thường xuyên tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các điểm trình diễn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho thanh niên. 6 tháng đầu năm 2018, tuổi trẻ thành phố tư vấn, giới thiệu việc làm trên 3.100 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN); đào tạo nghề hơn 750 thanh niên. Đến nay, các cơ sở Đoàn - Hội duy trì và nhân rộng hơn 200 mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định.

Điển hình như anh Nguyễn Thành Tân, khu vực Bình Dương, phường Long Hòa (quận Bình Thủy) với mô hình nuôi lươn thương phẩm và bán con giống, với thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Hiện anh Tân có 11 bể nuôi lươn sinh sản nhân tạo, năng suất trung bình từ 70.000 đến 80.000 con giống/năm. Hằng năm, anh Tân bán gần tấn lươn thương phẩm, còn nuôi cá tai tượng da beo, tạo sự đa dạng nguồn cung thủy sản, hạn chế rớt giá. Anh Tân nhiệt tình hướng dẫn, hỗ trợ thanh niên trên địa bàn con giống, thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế gia đình.

Tuổi trẻ quận Ninh Kiều đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho bộ đội, công an xuất ngũ; phối hợp mở lớp tập huấn tư vấn và hỗ trợ thanh niên ý tưởng khởi nghiệp; khai thác hiệu quả thông tin nghề nghiệp và việc làm thông qua sàn giao dịch việc làm. Từ đầu năm đến nay, Đoàn bộ quận tư vấn, hướng nghiệp hơn 4.200 lượt ĐVTN và học sinh; giới thiệu việc làm cho 269 thanh niên và giải quyết việc làm cho 157 thanh niên. Theo anh Lê Văn Hùng, Phó Bí thư Quận đoàn Ninh Kiều, 6 tháng đầu năm, Quận đoàn phối hợp Trung tâm Dạy nghề Nhã Thành tổ chức khai giảng 2 lớp nghề pha chế, 1 lớp nghể thiết kế đồ họa quảng cáo, với 105 học viên tham gia. Hiện quận có 9 mô hình tổ hợp tác kinh tế thanh niên hoạt động hiệu quả. 

Bài, ảnh: QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết