15/03/2011 - 08:43

Tháo gỡ khó khăn, khai thác tốt năng lực sản xuất trong nước

Các bộ, ngành, địa phương đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 24-2-2011, về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã trả lời phỏng vấn của báo chí về những giải pháp cụ thể của ngành nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết này.

* Việc tăng giá xăng dầu, tăng giá điện cũng như việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND vừa qua đã tạo hiệu ứng tăng giá với nhiều loại hàng hóa sản xuất và dịch vụ trong nước. Bộ Công Thương (BCT) có những giải pháp cụ thể gì nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp sản xuất trong ngành tăng giá bất hợp lý?

- Tôi cho rằng việc điều chỉnh giá xăng dầu, điện và tỷ giá vừa qua là phù hợp với cơ chế thị trường và theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt. Tùy thuộc vào tỷ trọng sử dụng các yếu tố đầu vào trong cơ cấu giá thành, các doanh nghiệp quyết định mức điều chỉnh tăng giá đối với các hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, việc tăng giá hàng hóa dịch vụ phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về quản lý giá gồm: Pháp lệnh Giá, Thông tư 122/2010/TT-BTC và Nghị định 75/2008/NĐ-CP.

Theo đó, Bộ Tài chính-cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về giá sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát các yếu tố hình thành giá hàng hóa, dịch vụ, và xử lý các hành vi vi phạm. Qua theo dõi, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành Công Thương hiện đang nghiêm túc thực hiện theo Thông tư 122/2010/TT-BTC.

 Chế biến gạo phục vụ xuất khẩu tại Công ty Lương thực Sông Hậu. Ảnh: THU HÀ.

Trong phạm vi nhiệm vụ được phân công, BCT đã tháo gỡ khó khăn nhằm khai thác tốt năng lực sản xuất trong nước, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm sớm đưa vào sản xuất để tạo nguồn cung đáp ứng đủ cho nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các kênh phân phối được tăng cường quản lý theo hướng tăng tỷ lệ cung ứng trực tiếp đến người sử dụng cuối cùng nhằm giảm chi phí lưu thông, đảm bảo cung ứng tốt các mặt hàng thiết yếu như phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm, xăng dầu. Đồng thời, BCT tiếp tục phối hợp chặt với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tăng giá, gian lận thương mại; bảo đảm niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

* Với các chỉ tiêu được giao cho năm 2011 là kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nhập siêu không vượt quá 16% kim ngạch xuất khẩu, BCT có giải pháp gì để thực hiện mục tiêu cực kỳ khó khăn này?

- Trong điều kiện Việt Nam là nước nhập siêu trong thời gian dài và xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, BCT tiếp tục thực hiện các biện pháp đồng bộ để tăng mạnh xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu chặt chẽ hơn. Để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu được giao, theo tôi, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu như: Mở rộng thị trường, khơi thông nguồn vốn vay, giảm chi phí và tận dụng tốt các lợi thế từ các hiệp định thương mại đã ký, BCT đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tác, nông sản có giá trị gia tăng cao, các mặt hàng có kim ngạch lớn là dệt may, giày dép, đồ gỗ, linh kiện điện tử, sản phẩm nhựa, dây cáp điện, thực phẩm chế biến và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao như phần mềm, hàng điện tử, tin học.

BCT cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả, tăng cường thông tin, dự báo sản xuất, thị trường với từng mặt hàng cụ thể để có cơ sở chỉ đạo sản xuất và xuất khẩu bám sát tình hình thực tiễn cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và xuất khẩu. Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu, công tác kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng không thiết yếu tiếp tục được thắt chặt. Theo đó, BCT sẽ sớm ban hành danh mục các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu để làm cơ sở cho các doanh nghiệp, ngành xây dựng chính sách quản lý nhập khẩu, phù hợp với cam kết WTO và các cam kết quốc tế khác.

Trong quý I này, BCT sẽ trình Chính phủ phê duyệt để sớm triển khai hai Chương trình hành động quốc gia về phát triển sản phẩm xuất khẩu và phát triển sản xuất hàng thay thế nhập khẩu; Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu được Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là căn cứ quan trọng để các ngành sản xuất công nghiệp giảm dần sự lệ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu thiết bị phục vụ sản xuất (hiện đang ở mức cao là 70%); từ đó, tăng hàm lượng giá trị gia tăng cho các sản phảm xuất khẩu, giúp giảm nhập siêu hiệu quả.

* Là Bộ chủ quản của 5 tập đoàn kinh tế và các tổng công ty với nhiều dự án được triển khai với vốn đầu tư cực lớn, BCT sẽ chỉ đạo cắt giảm những dự án thuộc lĩnh vực nào theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ?

- Ngày 1-3 vừa qua, BCT đã có văn bản yêu cầu các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty 90, 91 báo cáo tình hình thực hiện đầu tư năm 2010 và rà soát, điều chỉnh kế hoạch đầu tư năm 2011. BCT cũng tiến hành rà soát, điều chỉnh kế hoạch phân bổ vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và các nguồn vốn khác theo đúng nguyên tắc và tiêu chí nhằm xác định những dự án có thể cắt giảm. Theo đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ năm 2011 sẽ không bố trí cho các dự án khởi công mới trong năm 2011 (trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách và các dự án sử dụng vốn vay, viện trợ nước ngoài), dự án chưa đủ thủ tục đầu tư và dự án đầu tư có hiệu quả không cao; kiên quyết thu hồi vốn đầu tư đối với các công trình, dự án chậm triển khai, không hiệu quả; đồng thời tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong sử dụng vốn đầu tư của ngân sách nhà nước.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn khác, BCT ưu tiên tập trung vốn cho các dự án hiệu quả, có khả năng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong các năm 2011, 2012; các dự án thuộc ngành nghề sản xuất kinh doanh chính. Đặc biệt, với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là đơn vị chiếm 51% tổng số vốn đầu tư phát triển của toàn ngành năm 2011 bằng nguồn ngân sách nhà nước, PVN sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xây dựng phương án đầu tư theo danh mục dự án cụ thể báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII tới đây. Từ đó, việc thực hiện dự toán chi đầu tư phát triển năm 2011 cho ngành này chỉ được thực hiện sau khi được Quốc hội cho phép.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng!

MAI PHƯƠNG-KIM ANH (TTXVN)
(Thực hiện)

MAI PHƯƠNG-KIM ANH (TTXVN) (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết