19/07/2015 - 16:05

Tháo chạy khỏi vàng

Trong 3 ngày 15, 16 và 17-7 giá vàng trong nước đã mất khoảng 1,4 triệu đồng một lượng. Đặc biệt, trong 2 ngày 15 và 16-7, tại một số điểm giao dịch vàng lượng người đi bán vàng chiếm đến 80%, chỉ khoảng 20% lượng người đến các điểm giao dịch này là để mua vàng. Người giữ vàng đã mất kiên nhẫn và tháo chạy khỏi vàng sau nhiều năm đầu tư, tích trữ vàng chỉ toàn từ huề đến lỗ, kể từ khi vàng thế giới bắt đầu một chu kỳ đi xuống từ tháng 10-2011 đến nay.

Biến động giá rất mạnh

Giá vàng liên tục lao dốc, xuyên thủng đáy 5 năm đã khiến nhiều người đầu tư, cất trữ vàng lỗ nặng và chới với với giá vàng. Trong vòng ba ngày 15, 16 và 17-7, vàng mất giá khoảng 1,4 triệu/lượng. Từ mức 34 triệu đồng/lượng 3 ngày trước đó, giá vàng đã xuống mức thấp nhất vào sáng ngày 17-7 là 32,6 triệu/lượng. So với mức ổn định trên 35 triệu cuối tháng trước, vàng đã mất giá tới gần 3 triệu đồng/ lượng. Thị trường diễn biến phức tạp nên khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra có lúc lên đến 400-500 ngàn đồng một lượng. Nhiều người đầu tư tích trữ vàng đã bị thiệt hại nặng nề dẫn đến mất niềm tin vào giá vàng và bắt đầu một xu hướng tháo chạy khỏi kênh đầu tư vàng.

Chỉ trong vài tiếng đồng hồ buổi trưa ngày 16-7, giá vàng đã được các điểm giao dịch điều chỉnh cả chục lần, tính chung cả ba ngày 15, 16 và 17-7 vàng đã điều chỉnh lên đến hơn 30 lần, với mức giảm tổng cộng lên tới gần 1,2-1,4 triệu đồng/lượng. Trong một tuần gần đây, có hiện tượng người dân đi bán vàng do lo ngại giá xuống, chênh lệch giữa giá trong nước và quốc tế quy đổi cộng với chênh lệch giữa cung và cầu đã kéo giá vàng giảm nhanh. Xu hướng giảm giá dài hạn trên thế giới cùng với các chính sách không khuyến khích nắm giữ vàng của Ngân hàng Nhà nước đã khiến nhu cầu mua vàng thấp. Trong khi đó, những người có tiền và có thói quen mua vàng tích trữ còn lo ngại vì sợ vàng còn giảm tiếp. Sự nổi lên của một số kênh đầu tư khác trong đó có chứng khoán và đồng USD cũng gây áp lực lên giá vàng trong nước. Ghi nhận tại trang web chính thức của Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc Đá quý Sài Gòn -SJC (www.sjc.com.vn) giá vàng SJC đã xác lập mức giá thấp nhất của đợt biến động này là 32,62 triệu đồng/lượng mua vào và 32,82 triệu đồng/lượng bán ra diễn ra vào sáng ngày 17-7 sau đó đến trưa cùng ngày thì có lực mua bắt đáy lướt sóng khá mạnh nên giá vàng SJC đã kéo lên 33,1 triệu đồng/lượng mua vào và 33,35 triệu đồng một lượng bán ra và tăng tiếp thêm cho đến chiều. Sang ngày 18-7 giá vàng SJC đã giảm trở lại theo đà giảm mạnh tiếp tục của giá vàng thế giới. Đến chiều ngày 18-7 giá vàng SJC đang duy trì ở mức 33 triệu đồng/lượng mua vào và 33,3 triệu đồng/lượng bán ra, trong khi giá vàng thế giới đêm cuối tuần đã mất giá khá mạnh lên đến 12USD/oz, về còn 1.131USD/oz.

Biểu đồ diễn biến giá vàng trong nước 2 ngày 15,16&17-7.  

Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm "lướt sóng vàng" vẫn nhanh tay mua vào khi thị trường giảm mạnh để khi thị trường quay về trạng thái bình thường thì chốt lãi ngay nhưng quả thật thì đợt này cũng "khó xơi" vì mức chênh lệnh mua vào-bán ra dao động khá lớn và giá vàng thế giới lại liên tục giảm mạnh. Về lâu dài, giá vàng có xu hướng đi xuống là chủ yếu. Những bi kịch mua vàng rồi nắm giữ quá lâu, nếu mua từ khi giá ở mức đỉnh 53 triệu đồng/lượng thì đến nay nhiều người đã lỗ nặng và đang khiến không ít người mất niềm tin vào giá vàng.

Xu hướng giá vàng thế giới giảm dài hạn

Giá vàng trong nước biến động mạnh cũng do phần lớn ảnh hưởng từ giá vàng của thế giới. Liên tục trong 2 tuần qua giá vàng thế giới đã có những biến động khá mạnh theo chiều hướng đi xuống, nhưng cao trào nhất là việc Iran và nhóm các nước P5+1(Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận lịch sử về đàm phán chương trình hạt nhân của Iran vào ngày 15-7, qua đó bước đầu kết thúc quá trình đàm phán kéo dài 13 năm đầy gay go và e ngại lẫn nhau về năng lực hạt nhân giữa các quốc gia đang làm chủ và sở hữu công nghệ hạt nhân. Việc đạt được thỏa thuận này cũng đồng nghĩa với việc Iran được xóa bỏ cấm vận từ từ, qua đó họ được phép xuất khẩu dầu mỏ trở lại và dự kiến Iran có thể đạt con số xuất khẩu 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày như thời hoàn kim mà nước này từng có. Bên cạnh đó, việc Châu Âu cơ bản nhất trí với để xuất gói hỗ trợ cho Hy Lạp và các ngân hàng của Hy Lạp ngày 20-7 này đã mở cửa cho người dân rút tiền trở lại sau 3 tuần đóng cửa, cũng như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong cuộc họp mới đây đã tuyên bố để ngõ khả năng nâng lãi suất cơ bản của đồng USD lên mức 0,25% hoặc 0,5% vào cuối năm nay do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm có căn cơ và nền kinh tế lớn số một thế giới này đã phục hồi một cách vững chắc, góp phần đẩy giá vàng đi xuống sâu hơn.

Giá vàng thế giới thực chất đã đi xuống kể từ khi lập đỉnh cao nhất mọi thời đại 1.924USD/oz vào tháng 10-2011. Kể từ đó giá vàng đã từ từ đi xuống và còn 1.131USD/oz như hiện nay. Mặc dù đường đi xuống của giá vàng hơn 3 năm qua vẫn gặp rất nhiều gập ghềnh do trên thế giới vẫn còn nhiều bất ổn như xung đột ở Ucraina, vỡ nợ của Hy Lạp, tranh chấp Biển Đông, quá trình đàm phán hạt nhân với Iran bế tắc, Nhà nước hồi giáo cực đoan IS nổi lên.v.v.. và kinh tế thế giới mặc dù đã hồi phục nhưng chưa vững chắc.

Thật khó để đoán định giá vàng có thể giảm về đến mức nào nhưng nhìn lại hơn 3 năm qua thì giá vàng thế giới đã mất gần 800USD/oz rồi, còn giá vàng trong nước cũng đã mất hơn 20 triệu đồng một lượng khi giảm từ mức đỉnh 53 triệu đồng một lượng hồi cuối năm 2011. Khi kinh tế thế giới hồi phục một cách vững chắc thì kênh đầu tư mang tính cất trữ phòng thủ cao này cũng không còn được ưa chuộng nhiều mà thay vào đó là nguồn lực tài chính được giải phóng khỏi vàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo ra hàng hóa phục vụ nhu cầu con người, mang lại giá trị gia tăng ngày càng cao hơn cho cuộc sống.

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết