04/10/2010 - 21:08

Thành phố sinh thái Thiên Tân sẽ trở thành mô hình toàn cầu ?

Thành phố sinh thái Thiên Tân khi hoàn thành sẽ có diện mạo “xanh, sạch” như thế.
Ảnh: Straitstimes

Tọa lạc trên diện tích rộng 30 km2, thành phố sinh thái Thiên Tân sau 2 năm khởi công xây dựng đang bắt đầu thành hình và hứa hẹn sẽ trở thành hình mẫu cho các đô thị sinh thái không những ở Trung Quốc mà cả trên thế giới.

Dự án hợp tác đầu tư giữa Trung Quốc và Singapore, được triển khai gần thành phố cảng Thiên Tân, được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình điểm về hiệu quả tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện môi trường cho các đô thị lớn bị ô nhiễm nặng và phát triển xô bồ hiện nay do quy hoạch kém ở Trung Quốc và các nước trên thế giới. Việc phát triển thành phố được yêu cầu phải hài hòa với môi trường tự nhiên, theo đó các vùng đầm lầy hiện hữu và tính đa dạng sinh thái sẽ được bảo tồn. Cây xanh có mặt khắp mọi nơi sẽ là nét nổi bật của thành phố sinh thái Thiên Tân với các mảng không gian xanh và khu giải trí sinh thái nằm rải rác khắp thành phố. Thành phố với sức chứa khoảng 350.000 dân theo thiết kế sẽ có trường học, bệnh viện và các trung tâm thương mại nhưng vẫn lưu giữ các nét di sản văn hóa đặc trưng của địa phương.

Hai tập đoàn Hitachi (Nhật Bản) và Philips (Hà Lan) phụ trách cung ứng công nghệ xanh cho thành phố. Tất cả các tòa nhà sẽ được thi công theo tiêu chuẩn xây dựng xanh nhằm bảo đảm việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Chẳng hạn, các tòa nhà sẽ được cách nhiệt và lắp toàn cửa sổ 2 lớp kính để tăng hiệu suất tiết kiệm năng lượng. Trong khi đó, gần 2/3 lượng rác thải sinh hoạt trong thành phố sẽ được tái chế và 20% nhu cầu điện sẽ được cung ứng từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng Mặt trời, năng lượng địa nhiệt trong khi phần còn lại sẽ là nhiên liệu sạch.

Nhằm giảm lượng khí thải carbon trong thành phố, một hệ thống giao thông công cộng tiện lợi và hiệu quả sẽ hiện hữu toàn thành. Mục tiêu của các nhà quy hoạch là 90% việc đi lại trong thành phố sinh thái Thiên Tân sẽ là đi bộ, đạp xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Trong khi đó, do tọa lạc ở khu vực có lượng mưa thấp nên thành phố sinh thái Thiên Tân sẽ sử dụng nước từ các nguồn phi truyền thống như nước biển được ngọt hóa, nước thải công nghiệp và sinh hoạt được tái chế. Việc quản lý chất thải ở đô thị, dự kiến sẽ hoàn thành sau 10-15 năm tới, đặc biệt chú trọng đến 3R: Reduce (hạn chế), Reuse (tái sử dụng) và Recycle (tái chế). Rác thải phi hữu cơ sẽ được tái chế và tái sử dụng trong khi rác hữu cơ sẽ được dùng làm nguyên liệu chế tạo năng lượng.

Không chỉ là đô thị thân thiện môi trường, theo Bộ trưởng Phát triển quốc gia Singapore Mah Bow Tan, thành phố sinh thái Thiên Tân còn hài hòa về mặt xã hội. “Chúng tôi đặt ra 3 mục tiêu: thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng và hài hòa xã hội. Cái thứ 3 sẽ tạo nên sự khác biệt giữa thành phố sinh thái Thiên Tân với các đô thị sinh thái khác trên thế giới”, ông Tan phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Thiên Tân về thành phố sinh thái tại Singapore cuối tuần qua. Theo đó, thành phố sinh thái Thiên Tân sẽ hài hòa ở cả ba phương diện – hài hòa giữa người với người, hài hòa giữa con người với môi trường và hài hòa giữa con người với nền kinh tế.

“Việc xây dựng các đô thị sinh thái là cần thiết bởi Trung Quốc đang đối mặt với thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng” – Hiroaki Suzuki, chuyên gia hàng đầu về phát triển đô thị của Ngân hàng Thế giới (WB) hiện là tư vấn của dự án thành phố sinh thái Thiên Tân, nhận định. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc kỳ vọng dự án sẽ mang đến một giải pháp dài hạn cho tình trạng bùng nổ dân số đô thị hiện nay. Tương tự, theo tổ chức Hòa bình Xanh (Greenpeace), việc phát triển “các đô thị sinh thái” là một giải pháp của tình trạng đông dân ở thành thị hiện được các chuyên gia cảnh báo có nguy cơ khiến Trung Quốc không đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường – hiện đang đứng nhất thế giới – cũng như các mục tiêu phát triển năng lượng tái sinh.

Viện Nghiên cứu phát triển Trung Quốc ước tính để giải quyết tốt tình trạng di cư ồ ạt từ nông thôn ra thành thị hiện nay, Trung Quốc cần đầu tư đến 3,6 nghìn tỉ USD xây dựng hạ tầng đô thị.

MAI NGỌC
(Theo Straitstimes, AFP, China Daily, Xinhua, Tianjinecocity)

Chia sẻ bài viết