23/02/2024 - 12:49

Thanh niên Ô Môn khởi nghiệp từ nhiều mô hình hiệu quả 

Thời gian qua, Quận đoàn Ô Môn luôn đồng hành cùng với đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) thực hiện tốt phong trào khởi nghiệp, xây dựng được những mô hình kinh tế hiệu quả. Nhiều ĐVTN đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có thu nhập ổn định.

Cán bộ Đoàn phường Châu Văn Liêm tham quan mô hình trồng nấm bào ngư của anh Phan Hoàng Sang (bìa phải) tại khu vực 12.

Anh Phan Hoàng Sang, khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng nấm bào ngư trong nhà kín. Theo anh Sang, nhờ tham quan và nhận thấy các mô hình trồng nấm bào ngư của thanh niên ở Hậu Giang rất hiệu quả, tháng 10-2023, anh tận dụng phần đất 100m2 phía sau nhà đầu tư nhà kín, làm kệ và hệ thống tưới tự động với chi phí khoảng 50 triệu đồng để trồng nấm bào ngư. Ban đầu, anh đặt mua 5.000 phôi nấm bào ngư ở tỉnh Bình Dương để trồng thử. Qua hơn 1 tháng chăm sóc, 5.000 phôi nấm bào ngư bắt đầu cho thu hoạch. Anh Sang chia sẻ: “Trồng nấm bào ngư mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi kỹ thuật trồng đơn giản, ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc... Đặc biệt, nấm bào ngư có giá ổn định và được thị trường ưa chuộng nên không sợ bị lỗ vốn”.

Theo anh Sang, để nấm phát triển tốt, phải chọn mua phôi giống chất lượng, trong quá trình ươm phải đảm bảo nhiệt độ và độ ẩm cho nấm phát triển. Nhà trại phải phủ khép kín, tránh gió, ánh sáng trực tiếp vào bịch phôi. Dây treo phôi phải chắc, mỗi ngày tưới sương từ 3-4 lần. Trồng nấm bào ngư không phải lo sâu, bệnh tấn công và chu kỳ thu hoạch khá nhanh. Sau khi thu hoạch tiến hành vệ sinh trại, xử lý các phôi đến 15-20 ngày là tiếp tục thu hoạch nấm. Thấy mô hình mang lại hiệu quả, anh Sang đang chuẩn bị trồng thêm 5.000 phôi mới để có thể cung cấp số lượng nấm bào ngư ra thị trường.

Nắm bắt được nhu cầu của thị trường, năm 2018, anh Nguyễn Văn Nguyên ở khu vực Thới Ngươn A, phường Phước Thới, quận Ô Môn khởi nghiệp với mô hình nuôi ốc bươu đen. Với tính cần cù, chịu khó, anh Nguyên đã thành công từ mô hình này với thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng. Năm 2018, anh Nguyên mua 15kg ốc bươu đen thiên nhiên về thả nuôi ở ao vườn để dành ăn. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi, ốc bươu đen đẻ trứng khá nhiều, số lượng ốc con tăng đáng kể nên có ý định nhân rộng để bán con giống. Năm 2019, anh Nguyên bán trứng ốc với giá 10.000 đồng/ổ. Tuy nhiên, số lượng không đủ để cung cấp ra thị trường. Thấy mô hình nuôi ốc sinh sản cho lợi nhuận cao, anh Nguyên mạnh dạn mở rộng diện tích ao nuôi ra 2,5 công đất, với số lượng trên 80.000 con ốc bố mẹ. Bình quân, mỗi tháng anh Nguyên thu về trên 40kg trứng ốc, bán với giá từ 500.000-700.000 đồng/kg...

Với diện tích 3 ao nuôi ốc bươu đen, mỗi tháng anh Nguyên thả nuôi thêm khoảng 45.000 ốc con. Cách làm này giúp cho ao nuôi lúc nào cũng duy trì được số lượng ốc bố mẹ. Ngoài nuôi ốc bán trứng và ốc con, anh Nguyên còn thu hoạch 2 tấn ốc thịt/năm. Anh Nguyên, cho biết: “Nếu để số lượng ốc bố mẹ sinh sản thì lợi nhuận không cao, ốc sinh sản không nhiều. Do đó, mỗi tháng phải tuyển những con lớn để xuất bán thịt. Tùy vào thời điểm, ốc được các thương lái đến thu mua với giá 25.000-50.000 đồng/kg. Trung bình, tôi thu nhập trên 50 triệu đồng ốc thịt/năm”.

Anh Trần Thanh Nam, Bí thư Quận đoàn Ô Môn, cho biết: “Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp luôn được Quận đoàn Ô Môn quan tâm thực hiện. Những năm qua, Quận đoàn phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận quản lý 11 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho hơn 600 hộ vay vốn với số tiền trên 23 tỉ đồng để sản xuất, kinh doanh và giải quyết việc làm tại địa phương. Để phong trào thanh niên khởi nghiệp hiệu quả, Quận đoàn phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố và Trạm Khuyến nông quận mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho ĐVTN và người dân ứng dụng vào sản xuất để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống”.

Bài, ảnh: THANH THƯ

Chia sẻ bài viết