23/08/2010 - 21:30

Thanh khoản kém, cổ phiếu đã tạo lập giá mới

Giao dịch thiếu khởi sắc khi dòng tiền đổ vào TTCK đang thấp dần. Ảnh: VĂN TUẤN

Liên tục trong nhiều tuần qua, thị trường chứng khoán (TTCK) có những đợt giảm mạnh của VN-Index. Cổ phiếu đã tạo lập mặt bằng giá mới thấp hơn trước đó rất nhiều. Dòng tiền đổ vào thị trường cũng đang có xu hướng yếu dần, thanh khoản kém khiến không ít nhà đầu tư e ngại, tiếp tục đứng ngoài khi thị trường chưa có dấu hiệu tăng vững.

* SỨC CẦU YẾU

Đợt sụt giảm mạnh nhất của chỉ số VN-Index kể từ đầu năm đến nay diễn ra từ ngày 9-8 đến 12-8, trong đó ngày 12-8 chỉ số này đã để mất gần 15 điểm khiến nó rơi về mốc 448 điểm-mốc thấp nhất kể từ ngày 18-12-2009. Và thị trường đã tăng mạnh trở lại, đặc biệt là ngày 16-8 chỉ số VN-Index đã tăng hơn 12 điểm nhưng sau đó lại giảm đều và xoay quanh mốc 450 điểm. Khối lượng khớp lệnh cũng giảm đáng kể trong các phiên giao dịch sau đó. Cụ thể trong phiên giao dịch ngày 19-8 tổng giá trị khớp lệnh trên cả 2 sàn chỉ đạt hơn 1.100 tỉ đồng-là một con số vô cùng nhỏ bé, chỉ chiếm khoảng 0,15% so với giá trị vốn hóa gần 800.000 tỉ đồng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay. Thanh khoản quá kém như hiện nay là nguyên nhân chính dẫn đến việc VN-Index “giảm dần đều” thiết lập một mặt bằng giá mới cho các cổ phiếu niêm yết, thấp hơn rất nhiều so với cách đây vài tháng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lãi suất ngân hàng vẫn ở mức cao, dòng tiền ngân hàng hẹp lại, cổ phiếu mới ào ạt lên sàn; cổ phiếu phát hành tăng vốn; cổ phiếu phát hành chia cổ tức vô tội vạ liên tục đổ lên sàn là những nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán đi xuống từ tháng 7 đến nay. Các thành viên tham gia TTCK và nhà đầu tư lo ngại nhiều ngân hàng sẽ siết chặt vốn đổ vào chứng khoán khi Thông tư 13 của Ngân hàng Nhà nước với nội dung chính là tăng tỷ lệ an toàn vốn trong hoạt động ngân hàng, giới hạn tín dụng, giới hạn góp vốn mua cổ phần... có hiệu lực từ ngày 1-10-2010 và sẽ áp dụng mức cao hơn về an toàn vốn vào ngày 1-1-2011. Cũng theo Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, tính đến đầu tháng 8, sở đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của 11 doanh nghiệp với tổng số gần 813 triệu cổ phiếu đăng ký. Sở còn chấp thuận nguyên tắc niêm yết cho 12 doanh nghiệp khác với hơn 264 triệu cổ phiếu. Bốn công ty đã có quyết định niêm yết nhưng chưa chính thức giao dịch với hơn 232 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Và Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội cũng có đến gần 60 công ty đã nộp hồ sơ xin niêm yết với khoảng gần 1.000 triệu cổ phiếu niêm yết mới. Ngoài ra chưa kể 21 ngân hàng nhỏ có vốn điều lệ dưới 3.000 tỉ đồng phải tăng vốn lên cho đủ trước ngày 31-12-2010. Và thị trường chứng khoán có nguy cơ sẽ “bội thực” cổ phiếu trong thời gian từ đây cho đến cuối năm.

Nếu so với đầu năm 2010 thì cho thấy hiện nay giá cổ phiếu đã giảm đi rất nhiều, đặc biệt là sau đợt sụt giảm mạnh của chỉ số VN-Index trong 2 tuần vừa qua. Điều dễ thấy nhất là một số cổ phiếu chủ chốt dẫn dắt thị trường trong nhiều năm qua như: SSI; KLS; KBC; VIS; DPM; STB; DXP... hầu hết đều có chỉ số P/E rất thấp, nhỏ hơn 9 lần. Trong đó STB có chỉ số P/E chỉ hơn 4 lần còn DXP có chỉ số P/E là dưới 4 lần. Nếu lấy 2 cổ phiếu chủ chốt SSI và KLS làm chỉ số định hướng cho 2 sàn HOSE và HNX để so sánh với quá khứ thì với mức giá hiện tại, ngày 20-8 giá SSI là 28.500 đồng và KLS là 14.600 đồng, thì giá của SSI đã thấp nhất trong hơn 1 năm qua và thấp hơn cả mốc đáy 435 điểm mà chỉ số VN-Index xác lập vào ngày 17-12-2009, còn KLS thì thấp nhất trong vòng 1 năm qua và bằng với mức giá của ngày 17-12-2009 trong khi nền kinh tế vĩ mô năm nay khá hơn năm 2009 rất nhiều, GDP cả nước sáu tháng đầu năm 2009 chỉ khoảng 5% còn GDP sáu tháng đầu năm nay đã đạt con số 6,16%. Và quan trọng là các chỉ số chứng khoán của các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới đã tăng gần 30% kể từ đầu năm đến nay.

* DÒNG TIỀN THẤP

So với mốc 435 điểm mà VN-Index đã xác lập vào tháng 12 năm ngoái thì hiện nay chỉ số này vẫn còn giữ được mốc 450 điểm, cao hơn lúc đó, nhưng giá của hầu hết các cổ phiếu trên 2 sàn đều đã giảm về giá trị thấp hơn lúc VN-Index ở 435 điểm. Hay nói cách khác là chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm đi rõ rệt so với đầu năm. Theo các công ty chứng khoán thì hiện nay chỉ số P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức khoảng 9 lần, thấp nhất trong khu vực. Và cũng không ai dám chắc là trong tương lai gần nó sẽ không giảm hơn nữa khi mà thị trường ngày càng thể hiện rõ yếu tố “bội thực” cổ phiếu còn dòng tiền vào thị trường thì vẫn chưa thấy có dấu hiệu khả quan hơn, tâm lý nhà đầu tư ngày càng chán nản nhiều hơn.

Theo bà Phan Vân Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Artex, nếu nhìn nhận một cách khách quan thì thị giá cổ phiếu hiện tại không quá xa với giá trị nội tại của cổ phiếu. Sẽ là không thực tế khi kỳ vọng mặt bằng giá cổ phiếu ổn định, thậm chí tăng mạnh khi chủ trương niêm yết mới và phát hành cổ phiếu tăng vốn của các doanh nghiệp chỉ riêng trên HOSE đã là khoảng 78.000 tỉ đồng và cho đến thời điểm hiện tại, lộ trình này mới đi được hơn nửa chặng đường. Trào lưu phát hành và niêm yết trên cả hai sàn vẫn tiếp tục có xu hướng nở rộ từ nay đến cuối năm. Động thái này đã “nuốt” một lượng tiền không nhỏ của thị trường, nên tác động bất lợi đến TTCK, nhất là trong bối cảnh từ đầu năm đến nay, thị trường ở trong trạng thái “đói” dòng tiền.

Cũng theo phòng Tư vấn Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, khối lượng và giá trị giao dịch liên tiếp ở mức thấp trong nhiều phiên gần đây cho thấy nhà đầu tư vẫn chưa cảm thấy an toàn khi tham gia thị trường trong khi nguồn cung cổ phiếu ở mức giá thấp cũng dần cạn kiệt sau nhiều phiên bán mạnh. Một điểm nữa đáng lưu ý là Index tăng mạnh sau tin đồn hạ lãi suất cơ bản vừa qua cho thấy vẫn tồn tại một lượng tiền luôn trực vào thị trường, mặc dù lượng tiền đó là tiền thực hay tiền “hạn mức” thì chưa ai lượng hóa được. Những vấn đề vĩ mô nội tại nghiêng về khả năng thị trường sẽ diễn biến tiêu cực trong trung hạn. Để Index có sự bứt phá cần có những xúc tác ngoài thị trường (đặc biệt xúc tác vĩ mô, dòng tiền).

Những xúc tác mang tính chất ngắn hạn sẽ không thể thay đổi xu hướng tiêu cực của thị trường trong trung và dài hạn. Phần lớn nhà đầu tư trên thị trường hiểu rõ điều này, chính vì thế những phiên tăng điểm thường là những phiên nhà đầu tư đã, đang và sẽ lợi dụng xả bớt hàng. Với tâm lý thị trường chung như vậy, VNDIRECT khuyến nghị nhà đầu tư giảm bớt trạng thái để giữ tỷ lệ tiền mặt cao, chưa tiếp tục giải ngân khi chưa có tín hiệu khả quan hơn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh thị trường không tốt như hiện nay nhà đầu tư muốn bám thị trường vẫn có thể lựa chọn ngành hoặc loại cổ phiếu có tiềm năng, ví dụ cổ phiếu trả cổ tức trên thị giá cao (cao hơn lãi suất ngân hàng). Hiện chưa có dấu hiệu tạo đáy của thị trường và xu hướng giảm giá vẫn là chủ đạo. Với KLGD sụt giảm như hiện nay, thị trường cũng sẽ không thể giảm mạnh trong một phiên mà sẽ dao động lên xuống để kiểm tra sức mạnh của bên bán và bên mua. Mức đáy cũ 441 điểm có thể sẽ bị thử thách trong ngắn hạn. Cần có các phiên tăng điểm cùng với sự gia tăng của KLGD để có sự thay đổi về bức tranh kỹ thuật.

Văn Tuấn - Trần Đăng

Chia sẻ bài viết