15/09/2019 - 14:45

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thượng tướng Trần Văn Trà (15/9/1919-15/9/2019)

Thanh gươm báu và bài học chống ngoại xâm 

Thượng tướng Trần Văn Trà là vị tướng luôn bám sát chiến trường, không ngừng nghiên cứu, thấm nhuần và vận dụng linh hoạt những bài học đánh giặc của tổ tiên. Danh tướng còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao thanh gươm quý trong lần đầu diện kiến ở Việt Bắc.

Bất ngờ được lãnh tụ trao báu vật

Sinh thời, Thượng tướng Trần Văn Trà dành cho tôi nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện. Tôi nhớ mãi kỷ niệm lần đầu được gặp ông vào một sáng gần Kỷ niệm 30-4 đầu những năm 1990. Trong bộ quân phục không quân hàm, ông ung dung với mái đầu bạc trắng, gương mặt phúc hậu, đôi mắt sáng. Sự oai phong của một danh tướng thao lược dạn dày trận mạc toát ra trong từng cử chỉ, nụ cười, lời nói của ông khi đã ở tuổi thất thập.

Để sang một bên những album ảnh nghệ thuật trắng đen do chính mình chụp thời trên chiến trường, Thượng tướng Trần Văn Trà vào bên trong gian thờ lấy ra một thanh gươm được bao bọc cẩn thận. Ông nâng gươm, rút mạnh, một luồng ánh sáng vụt hiện. Lão tướng hồn hậu mỉm cười. Ký ức thời vào sinh ra tử trên chiến trường như sống lại.

Gần nửa thế kỷ trước, từ giã chiến khu Đồng Tháp Mười đang mùa sen hồng, ông dẫn đầu đoàn đại biểu Nam bộ ra chiến khu Việt Bắc. Không có xe. Chỉ đi bộ. Một trung đội vũ trang được tuyển chọn đi theo bảo vệ. Ông là trưởng đoàn, trực tiếp chỉ huy trinh sát và chiến đấu khi bị địch tấn công. Hết rừng cao su miền Đông đến bãi cát dài nắng nung người duyên hải miền Trung. Chèo ghe trên biển đêm. Lội bộ qua suối. Luồn sâu trong vùng địch tạm chiếm với nhiều đồn bót rình rập. Vượt núi cao nhiều thú dữ. Bơi qua sông sâu mùa lũ lụt. Thiếu ăn. Sốt rét. Kiệt sức. Có lúc đoàn phải dừng lại bàn bạc nên trở về hay tiếp tục hành trình khó khăn nguy hiểm.

Đó là mùa hè năm 1948. Ông Trần Văn Trà lúc ấy mới 29 tuổi, đang giữ trọng trách Khu bộ trưởng, tức Tư lệnh Khu 8, chiến khu gồm các tỉnh: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công, Bến Tre, Sa Đéc. Khu 8 là một trung tâm chính trị, quân sự, văn hóa của Nam bộ; Bộ Chỉ huy Khu 8 đóng tại căn cứ địa Đồng Tháp Mười. Tư lệnh Trần Văn Trà cùng Chính ủy Nguyễn Văn Vịnh đã tổ chức xây dựng ở đây đơn vị bộ đội chủ lực đầu tiên cấp tiểu đoàn là Tiểu đoàn 307, tiến hành một số trận đánh tập trung gây tiếng vang như Giồng Dứa, Mộc Hóa… Nhiều văn nghệ sĩ cũng hội tụ về đây để sáng tác, phục vụ kháng chiến và sau này trở thành những tên tuổi lớn.

Nhờ sự chuyển biến của chiến trường Khu 8 và Nam bộ mà Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh đề nghị cử phái đoàn ra Trung ương báo cáo tình hình. Sau gần nửa năm hành quân vượt qua muôn vàn gian nan, cuối cùng ông Trần Văn Trà cũng đã đưa được đoàn đại biểu quân dân chính Nam bộ tới Việt Bắc - Thủ đô kháng chiến chống Pháp.

Ông cùng đồng đội được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp đón bằng tình cảm nồng hậu, như người thân. Những ngày ở Việt Bắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Trung ương đã đem lại cho ông Trần Văn Trà và đồng đội sự vững tin hơn ở tương lai, dù cuộc chiến đấu trường kỳ còn đầy cam go thử thách. Trước khi đoàn trở về Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh mở tiệc tiễn đoàn và đích thân trao vị tư lệnh chiến trường một thanh gươm, với lời dặn ân cần: "Bác trao chú thanh gươm quý này đưa về để động viên đồng bào miền Nam diệt thù. Các chú báo cáo với đồng bào rằng lòng Bác, lòng Đảng lúc nào cũng bên cạnh đồng bào. Chúng ta đồng lòng vì nước, nhất định chúng ta thắng". Lời ủy thác ấy thúc giục họ nhanh chân trở lại chiến trường.

Năm 1946, khi tướng Nguyễn Bình từ Việt Bắc lên đường vào Nam thống nhất các lực lượng vũ trang buổi đầu chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao tặng cho ông một khẩu súng lục. Hơn hai năm sau, tướng Trần Văn Trà lại được trao gươm quý. Cả hai ông đều là tướng đứng đầu chiến trường phương Nam xa xôi. Một người là tư lệnh, một người là phó tư lệnh các lực lượng vũ trang của Nam bộ.

Đối với danh tướng Trần Văn Trà, kỷ niệm lần đầu gặp Bác vào cuối năm 1948 vẫn ấn tượng sâu sắc. Thanh gươm báu đã bên ông suốt ba mươi năm vào sinh ra tử ở đầu sóng ngọn gió trên chiến trường.

Thượng tướng Trần Văn Trà về thăm lại chiến khu Đồng Tháp Mười.

Thượng tướng Trần Văn Trà về thăm lại chiến khu Đồng Tháp Mười.

Những bài học đánh giặc của tổ tiên

Sau Hiệp định Genève đình chiến năm 1954, ông Trần Văn Trà phụ trách chuyển quân từ Nam tập kết ra Bắc, được cử làm Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội, tiếp đó kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Quân huấn, Giám đốc Học viện Quân chính và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương. Ngày 31-8-1959, theo sắc lệnh 036/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Trà được phong thẳng quân hàm Trung tướng cùng với các ông Nguyễn Văn Vịnh, Hoàng Văn Thái, Song Hào. Nếu như trong đợt thụ phong quân hàm cấp tướng chính thức đầu tiên vào đầu năm 1948, chỉ có duy nhất Tư lệnh Nam bộ Nguyễn Bình được phong Trung tướng, thì lần thứ hai này có bốn quân nhân được gắn hàm Trung tướng 2 sao sau thắng lợi kháng chiến chống Pháp.

Năm 1963, theo yêu cầu của chiến trường, Trung tướng Trần Văn Trà được cử vào làm Ủy viên Trung ương Cục, Phó Bí thư Quân ủy, Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam. Trước khi ông lên đường vượt Trường Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời cơm thân mật và căn dặn rằng: "Chú đã sang Liên Xô học nên cần phải nắm vững khoa học quân sự của phe ta, nhưng đồng thời cũng cần phải nắm chắc và kết hợp cách đánh giặc của ông cha ta nữa. Chắc chú biết vì sao nhà Trần ba lần đại thắng quân Nguyên Mông mạnh hơn ta gấp bội. Đó là nhờ lòng dân, sức dân và đại đoàn kết toàn quân dân. Đó là nhờ cha ông ta biết chỉ huy binh sĩ yêu thương nhau như con một nhà".

Đây là lần thứ hai tướng Trần Văn Trà được trò chuyện riêng với Bác. Bài học đại đoàn kết, dựa vào sức mạnh nhân dân, thương yêu chiến sĩ như anh em trong gia đình, được ông mang theo và áp dụng trong suốt quá trình xây dựng các lực lượng vũ trang và chỉ huy chiến trận.

Là vị chỉ huy trực tiếp trên chiến trường, ông Trần Văn Trà luôn tranh thủ thời gian để nghiên cứu, trau dồi kiến thức quân sự. Trong lịch sử chiến tranh của Việt Nam cũng như thế giới, vị tướng mà ông khâm phục nhất là Nguyễn Huệ. "Tôi chưa thấy vị tướng nào trên thế giới bách chiến bách thắng như ông. Chỉ cần một trận đánh tại Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Huệ đã đuổi quân xâm lược Xiêm ra khỏi bờ cõi, giải quyết xong một cuộc chiến tranh. Rồi chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, thần tốc, Nguyễn Huệ lại đánh tan quân xâm lược Thanh... Cả cách hành quân, cách đánh, nghệ thuật chỉ huy cũng khó ai sánh bằng, rất mưu lược và sáng tạo" - Thượng tướng Trần Văn Trà thổ lộ.

Trên cương vị Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, chiến trường chính do ông Trần Văn Trà phụ trách là Mặt trận B2. Đây là địa bàn chiến lược, từ Ninh Thuận đến Cà Mau và phía Nam Tây Nguyên, trong đó có Sài Gòn. Với tư tưởng đoàn kết trên dưới một lòng, Tư lệnh Trần Văn Trà đã gắn kết, chỉ đạo, phát huy tài năng những cán bộ, chiến sĩ gắn bó gần xuyên suốt chiến trường Nam bộ và cực Nam Trung bộ, lập nhiều chiến công. Ông am hiểu, yêu quý cấp dưới và hết sức tin yêu khi giao phó nhiệm vụ. Ngược lại, họ cũng yêu quý, nể trọng, tin tưởng vị tư lệnh mưu lược và bản lĩnh. Từ cuộc chiến này nhiều người đã trở thành anh hùng, tướng lĩnh và nhà lãnh đạo cao cấp, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp cứu nước và xây dựng đất nước. Tư tưởng và hành động của danh tướng Trần Văn Trà là bài học đáng quý cho hậu thế.

Thượng tướng Trần Văn Trà tên thật Nguyễn Chấn, sinh ra và trưởng thành ở Quảng Ngãi, học Trường Kỹ nghệ thực hành Huế, vào Sài Gòn hoạt động cách mạng bí mật. Ông tham gia thành lập lực lượng bộ đội chủ lực đầu tiên ở Nam bộ thời chống Pháp tái xâm lược, trở thành tư lệnh cả miền Nam thời đánh Mỹ, cùng chỉ huy đại quân kết thúc cuộc trường kỳ kháng chiến cứu nước, làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Ông từng giữ nhiều trọng trách: Khu trưởng Khu 8, Phó Tư lệnh Nam bộ, rồi Phó Tổng tham mưu trưởng, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Bí thư Quân ủy, Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Trưởng đoàn đại biểu Quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam trong Ban Liên hiệp Quân sự bốn bên, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh. Ông là vị tướng duy nhất được Nhà nước trao tặng 2 Huân chương Hồ Chí Minh. Ngày 20-4-1996 ông đột ngột qua đời khi sang Singapore vận động xây dựng một bệnh viện hiện đại cứu chữa cho thương bệnh binh và người nghèo.

 

PHAN HOÀNG

Chia sẻ bài viết