07/03/2008 - 21:51

Thăng trầm với con sam

Sam được bày bán tại một quán đặc sản.

Ở biển Tân Thành (huyện Gò Công, tỉnh Tiền Giang), trong gió lạnh căm căm, khi các bạn cào đang lầm lũi dùng lưỡi chập cào nghêu thì thợ lặn Bảy Te bặm mình trong làn nước buốt giá săn hậu giáp (thường gọi là con sam), loài giáp xác có mai cứng màu ô liu. So với cào nghêu, săn sam cơ cực, nguy hiểm gấp chục lần, nhưng vì miếng cơm manh áo những thợ lặn bất chấp hiểm nguy.

* Sức hấp dẫn của sam

Theo tư liệu của Bộ Thủy sản, sau hàng triệu năm tiến hóa, sam là loài giáp xác cổ vẫn giữ nguyên “dung nhan”. Bằng chứng là sau hàng triệu năm ngủ yên trong lòng đất, hóa thạch được tìm thấy của loài này không khác gì con sam ngày nay (thân nhỏ nhưng được bao bọc bởi cái mai lớn). Quá trình tiến hóa theo kiểu giậm chân tại chỗ của sam tương tự như ốc anh vũ, loài ốc được mệnh danh là “hóa thạch sống”, đang có mặt trong Sách đỏ Việt Nam, được giới sưu tập rao giá, sẵn sàng trả từ 300 - 400 USD chỉ cho mỗi cái vỏ ốc.

Cùng với nghêu, sam là loài đặc sản làm nên tên tuổi biển Tân Thành. Ông Minh, cư dân cố cựu của vùng, trò chuyện: “So với Cần Giờ, nghêu Tân Thành to, ngọt thịt nên khách khi ghé Gò Công rất kết. Ăn sam rồi, mới thấy dân địa phương có lý khi nói “Đến Tân Thành mà chưa ăn sam kể như chưa đến”.

Theo tâm tình của lão ngư, vài mươi năm trước, vùng biển Tân Thành là xứ của sam. Sam lội đặc ken như cá chốt, cá rô ở miệt bưng biền mùa nước nổi. Để khách dễ hình dung cái giống mà con đực lúc nào cũng đeo lưng con cái bự hơn nó gấp 4-5 lần, ông tặc lưỡi: “Thường khi nói đôi tình nhân nào nhất mực khắng khít, yêu thương, bà con mình hay lấy con sam làm hình ảnh. Cái giống này lúc nào cũng có cặp có đôi nên mới có câu “đeo như sam” là vậy!”.

Ông Minh mô tả: “Sam có mắt trên mai, mà đến 4 cái lận nghen. Chỉ có sam mới có đến 10 chân, 12 càng và 1 đuôi cứng. Điểm kỳ lạ nữa là máu nó màu trắng như máu cua ghẹ. Cũng có nhiều đoàn nghiên cứu về đây khảo sát rồi tuyên bố, sam là loài không có hồng huyết cầu, cũng giống như các loài giáp xác khác như cua, tôm, ghẹ...”.

* Trong cơn ruồng bố

Chiêu ngụm “nước mắt quê hương” nồng cay rồi vỗ đùi cái đét đầy sảng khoái, ông Tài, bạn từng sống chết nơi đầu sống ngọn gió với ông Minh từ những ngày giong thuyền mưu sinh với biển, tỏ vẻ nuối tiếc: “Bây giờ, sam lên đời nên giá rất đắt, dân địa phương bắt được không dám ăn mà bán cho nhà hàng. Bắt sam bán được tiền nên ai cũng theo nghề thợ săn. Cũng bởi vậy mà sam ngày một khan hiếm”.

Theo chỉ tay của 2 lão ngư, tôi ra bờ biển, nơi có nhiều người đang mê mải hụp lặn đặng săn sam. Một thợ săn sam tên Khảo cho biết: “Dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề cào nghêu. Cào bét mắt, muốn quẹo xương sống nhưng ngày nào giỏi lắm cũng chỉ được 40.000 đồng. Trong khi bắt được đôi sam kiếm gấp 4 gấp 5. Ngày nào may mắn rinh được 3 cặp thì sống khỏe. Nhưng có lắm khi cả tuần lễ đấu vật với con nước cũng không được con sam nào”.

Sau hơn 2 giờ hụp lặn, những con sóng và dòng chảy đã kéo đám thợ lặn dạt xa chỗ tôi ngồi cả cây số. Uể oải bước lên bờ rồi ngồi đánh phịch xuống đất. Sáu Lụi, một trong các thợ lặn thở dài: “Bữa giờ biển động, nước đục, sam rút ra xa. Do tụi này lặn chay nên mới đói meo râu vầy. Chứ nếu có bình hơi, ống thở, chân nhái có thể phục lâu dưới biển thì hổng đến nỗi”.

Biển Tân Thành lúc hoàng hôn.

Không chỉ tắm sương, gội sóng, bị cá đuối quất, bị mảnh chai cắt, xương cá đâm như dân cào nghêu, giới lặn sam còn phải đối mặt với vô số tai ương khác. Mùa sam sinh sản từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Khi đó sam cái sẽ bò lên bờ đào bới rồi vùi thân dưới cát đẻ trứng (mỗi lần đẻ từ 3.000-4.000 trứng). “Giai đoạn này muốn bắt sam dễ lắm. Chờ đêm đến, mình chỉ cần đội đèn đi dọc mép biển. Do nước dịch của sam có mùi tanh nên chỉ cần thấy đụn cát nào có ruồi nhặng bu đầy thì mình chỉ cần bươi cát tuyển nó vào rọ”. Dứt lời, Khảo tiếp giọng: “Nhưng nếu ngon ăn vậy thì dân Tân Thành này bỏ nghề cào nghêu cả rồi. Sau khi sinh sản, sam sẽ quay trở lại biển. Ngặt nỗi loài này thường bám đáy biển nên muốn bắt nó, mình phải lặn sâu, phải rà sát đáy. Mà phải lặn lúc con nước dâng cao kia. Khi đó, sam mới đội cát bơi theo dòng chảy ăn các sinh vật phù du. Ngó vậy chứ săn sam nghiệt lắm!”.

* Như “dao hai lưỡi”

Sam đực luôn đeo trên lưng sam cái. Khi “nàng” lên bờ đẻ thì “chàng” tìm đeo “cô em” khác ngay. Trước đặc tính sinh học kỳ lạ này, người ta cho rằng khả năng sinh dục của sam rất mạnh nên đổ xô ăn trứng, uống máu sam hòa rượu. Sự ấu trĩ này đã khiến tính mạng của không ít người lâm nguy...

Sau khi được bắt lên từ lòng biển, những đôi sam được đem bán cho các nhà hàng đặc sản tại biển Tân Thành hoặc các mối lái ở Gò Công. Một thợ lặn tên Tài bỏ nhỏ: “Vào mùa, cò thu mua sam đổ về đây nhiều lắm. Gom hàng xong rồi, họ sẽ nhả lại cho các nhà hàng khách sạn ở Mỹ Tho hoặc tập kết lên TP Hồ Chí Minh cho mấy đại gia tăng lực”.

Tại nhà nghỉ Khu du lịch biển Tân Thành, chỉ vào những đôi sam đang bơi lội trong hồ nước, chị Đỗ Quyên, bếp trưởng nói: “Khách đến đây, chủ yếu là các ông ở thành phố thường gọi sam để tăng lực. Sam không bán ký mà bán con. Một con giá 200.000 đồng bao chế biến”. Một nhân viên phục vụ nói: “Mới rồi có nhóm 5 ông ăn một lúc 10 cặp sam. Mấy ổng chủ yếu uống tiết. Em nghe một ông bảo máu sam không chỉ tăng lực mà còn giúp ngừa bách bệnh”.

Về cái sự “bổ” của sam, theo dược sĩ Bùi Kim Tùng, nguyên giảng viên Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh (đã nghỉ hưu), thì vào năm 1956, các nhà khoa học ở New Jersey (Mỹ) phát hiện máu sam có khả năng trị ung thư, tăng tính miễn dịch, miễn nhiễm với một số bệnh tật, nhất là các bệnh do siêu vi, vi khuẩn là tác nhân. “Máu sam rất đắt, giá thị trường lên đến 200 triệu đồng/lít. Muốn có được ngần ấy máu phải hút dịch của hàng trăm con sam”- dược sĩ Tùng cho biết.

Sam bổ như thế vậy ai dùng cũng được chăng? Có đúng là ăn trứng sam sẽ giúp duy trì sức mạnh, giúp gân cốt can trường như dân gian truyền khẩu? Thay cho câu trả lời, dược sĩ Tùng cảnh báo: “Trứng cũng như thịt sam rất dễ gây phong ngứa, nổi mề đay. Những người có cơ địa yếu cần biết điều này. Điểm đặc biệt là nếu sam sống ở môi trường ô nhiễm hoặc vùng có dịch bệnh thì người dùng máu sam có nguy cơ mắc các chứng bệnh nhiễm trùng, lở loét, xáo trộn thần kinh, tụt huyết áp...”.

Cũng theo dược sĩ Tùng, nhiều người kém hiểu biết còn dùng sam ngâm rượu đặng dưỡng sức bằng cách mang sam cái nướng vàng rồi đem ngâm rượu với hồi, quế, gừng và các vị thuốc tráng dương bổ thận khác. “Theo đông y, mai sam gọi là hậu giáp, tính bình, hơi độc, có tác dụng thông được nhâm mạch, tư âm bổ thận. Vấn đề ở chỗ đông y chỉ sử dụng sam đực chứ không phải là sam cái như một số người lầm tưởng”.

Nhưng đó không phải là những điểm nguy hại chính của sam.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng Khoa hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh, cảnh báo: “Bệnh viện đã từng tiếp nhận những ca ngộ độc sam với các triệu chứng nôn ói, đau đầu, đau bụng, tê môi, co giật, huyết áp giảm, liệt hô hấp, giãn đồng tử.... Nguyên nhân do người dân không phân biệt giữa sam và con so (thường gọi sam nhỏ hay sam so). Chưa thấy có báo cáo chết người do ăn sam nhưng đã có nhiều người chết do ăn so. Chất độc trong so là chất tetrodotoxins, tương tự như chất độc trong cá nóc hiện vẫn chưa có thuốc giải độc. Để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, mọi người tốt nhất phải cẩn trọng. Các địa phương cần xem ngộ độc sam so như phòng ngộ độc cá nóc”.

Kỹ sư Đào Việt Hà, Trưởng phòng Hóa- Sinh viện Hải dương học Nha Trang, nói: “Độc tố của so giống như độc tố của cá nóc, cá bống vân mây, mực tuộc, có khả năng gây tử vong cao với người ở liều độc thấp”. Kỹ sư Hà cũng đã chỉ ra một vài dấu hiệu nhận biết giữa sam và so: “So thường sống riêng rẽ chứ không đeo thành cặp, có kích thước nhỏ hơn sam, hiếm khi có con so nào nặng được 1kg. Muốn phân biệt sam và so, hãy chú ý đến phần đuôi. Đuôi sam thường không có gai như đuôi so. Nếu như phần tiết diện cắt ngang của đuôi sam có hình tam giác thì đuôi so có dạng hình trứng hay hình tròn. Với đặc tính gần giống nhau như vậy dễ nhầm lẫn giữa con sam và so, người tiêu dùng phải cẩn thận”.

• Bài, ảnh: THÀNH DŨNG

Chia sẻ bài viết