MAI QUYÊN (Theo AP)
So với khởi đầu không mấy suôn sẻ khi mới nhậm chức cách đây 8 tháng, tỷ lệ tín nhiệm cao đối với Thủ tướng Fumio Kishida được coi là động lực giúp liên minh cầm quyền Nhật Bản có thêm cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng 7, mở đường cho việc thực hiện các chính sách quan trọng.

Ảnh: Getty Images
Tháng 10-2021, ông Fumio Kishida (ảnh) chính thức nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản, thay cho ông Yoshihide Suga từ chức sau khi tại vị chưa tròn một năm. Lúc này, sự ủng hộ của công chúng đối với liên minh cầm quyền giữa đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh bị sụt giảm nặng nề, chủ yếu do người dân bất mãn với cách chính phủ ứng phó đại dịch COVID-19 và thái độ bất chấp dư luận tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020. Nhưng khảo sát do Nikkei và Kênh truyền hình TV Tokyo thực hiện hồi cuối tháng 5 cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Thủ tướng Kishida và nội các của ông đã tăng lên 66% - mức cao nhất kể từ đầu nhiệm kỳ.
Với tỷ lệ tín nhiệm hiện nay, giới quan sát cho rằng liên minh cầm quyền do LDP lãnh đạo nhiều khả năng giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào ngày 10-7. Ðiều đó sẽ giúp nội các của ông có toàn quyền theo đuổi các chính sách quan trọng như giảm tác động của giá cả tăng cao, đạt mục tiêu lạm phát giúp phục hồi nền kinh tế; bên cạnh giải quyết các vấn đề dài hạn như tình trạng già hóa dân số và sửa đổi hiến pháp gây tranh cãi. Ðây là “thành tích” gây chú ý ở một quốc gia mà nhiều thủ tướng có thời gian tại vị tương đối ngắn.
Theo Giáo sư chính trị Yu Uchiyama tại Ðại học Tokyo (Nhật Bản), ông Kishida không nhận được nhiều kỳ vọng lúc tiếp quản ghế thủ tướng do tính cách bị cho là “quá ổn định”, “thiếu quyết đoán” và “phụ thuộc” vào những nhân vật nặng ký trong đảng. Nhưng những điểm này đã giúp chính trị gia 64 tuổi theo đuổi các mục tiêu chính sách với quỹ đạo an toàn, tránh đấu đá nội bộ về các vấn đề gây chia rẽ, từ đó không lặp lại những sai lầm mà nhiều người tiền nhiệm mắc phải.
Việc Thủ tướng Kishida tự nhận mình là người biết lắng nghe, đồng thời có các chính sách rõ ràng đối với nhiều vấn đề trong nước và quốc tế cũng là yếu tố quan trọng giúp ông giành sự tín nhiệm từ công chúng. Ðơn cử như lúc người Nhật lo Trung Quốc ngày càng quyết đoán bên cạnh mối đe dọa chung từ tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong khu vực, Thủ tướng Kishida đã cứng rắn kêu gọi tăng cường liên minh với Mỹ và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Kế hoạch của ông nhằm tăng chi tiêu quân sự và năng lực quốc phòng của Nhật Bản tiếp tục được người dân ủng hộ sau khi “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine làm dấy lên lo ngại về khả năng Tokyo bị kéo vào xung đột nếu Trung Quốc có động thái tương tự nhắm vào Ðài Loan. Trong nỗ lực thắt chặt mối quan hệ an ninh với châu Âu, Thủ tướng Kishida sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) diễn ra từ ngày 28 đến 30-6, trở thành thủ tướng Nhật Bản đầu tiên dự cuộc họp cấp cao của liên minh xuyên Ðại Tây Dương.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng tỷ lệ ủng hộ cao hiện tại của Thủ tướng Kishida một phần là kết quả của phản ứng linh hoạt cùng chính sách cẩn trọng trước đại dịch COVID-19 và xung đột toàn cầu. Những điều này tạo ra hình ảnh trong mắt công chúng về một nhà lãnh đạo kiên định và nhạy bén, giúp Nhật Bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và an ninh trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng Thủ tướng Kishida có thành công nữa hay không còn phụ thuộc vào những thành tựu cụ thể của chính phủ. “Chính quyền Thủ tướng Kishida cần chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ và liệu ông ấy có thể đưa ra các biện pháp cụ thể sau cuộc bầu cử tháng 7 hay không chính là yếu tố quyết định” - nhà kinh tế trưởng Yasuhide Yajima của Viện nghiên cứu NLI nhận định.