06/11/2021 - 19:21

Thách thức đối với mục tiêu carbon trung tính của Ấn Độ 

Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) mới đây, Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi tuyên bố nước này đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2070, dù chậm hơn 2 thập niên so với nhiều nước khác và trễ hơn 10 năm so với Trung Quốc.

Người dân Ấn Độ vệ sinh các tấm pin tại một trang trại năng lượng Mặt trời ở bang Haryana. Ảnh: WP

Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng cam kết rằng New Delhi sẽ nâng công suất năng lượng không hóa thạch lên 500GW vào năm 2030. Khi đó, 50% năng lượng của Ấn Ðộ sẽ đến từ các nguồn tái tạo, tăng so với mục tiêu đã công bố trước đó là 40%. Bên cạnh đó, Ấn Ðộ sẽ giảm tổng lượng khí thải carbon dự kiến xuống 1 tỉ tấn từ nay đến năm 2030.

Còn nhiều thách thức

Ulka Kelkar, Giám đốc phụ trách vấn đề khí hậu thuộc Viện Tài nguyên thế giới ở Ấn Ðộ, cho biết tuyên bố trên của Thủ tướng Modi đã phát đi tín hiệu cho thấy New Delhi sẽ cần các khoản đầu tư lớn không chỉ để thiết lập các trang trại năng lượng mặt trời hay trang trại năng lượng gió mà còn để mua đất, xây dựng kho dự trữ năng lượng, nâng cấp điện lưới quốc gia cũng như xây dựng hệ thống truyền tải.

Song, liệu Ấn Ðộ có đạt được mục tiêu nói trên hay không hiện vẫn còn là nghi vấn. Bất chấp việc phát triển năng lượng xanh với tốc độ nhanh thì nước này vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào than đá. Ấn Ðộ là nhà sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch hàng đầu thế giới. Trong vài thập niên qua, điện than chiếm tới 70% sản lượng điện của Ấn Ðộ. Trong khi các cam kết của Ấn Ðộ tập trung vào việc tăng cường năng lượng tái tạo, không có bất kỳ cam kết nào về việc sớm loại bỏ than đá hay thời điểm ngừng xây dựng các nhà máy mới.

Chính nhu cầu sử dụng điện than cao đã góp phần đưa nhiều thành phố Ấn Ðộ vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Báo cáo chất lượng không khí năm 2019 của tổ chức IQAir Visual cho thấy, trong số 30 thành phố có chất lượng không khí kém nhất trên thế giới, Ấn Ðộ chiếm tới 21 nơi, bao gồm 6 thành phố trong tốp 10.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), để đạt được những mục tiêu nói trên, Ấn Ðộ trong vòng 20 năm tới sẽ cần tăng thêm công suất sản xuất điện tương đương với lượng điện do cả Liên minh châu Âu (EU) tạo ra hiện nay. Phần lớn lượng điện bổ sung đó sẽ cung cấp cho các nhà máy, văn phòng, xe điện cũng như giúp “làm mát” quốc gia ngày càng trở nên nóng hơn này. Không giống như Mỹ và châu Âu, quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 thế giới còn hàng thập niên nữa mới đạt đỉnh về khí thải, sử dụng năng lượng và thu nhập bình quân trên đầu người.

Theo dự báo của IEA, lượng điện mà Ấn Ðộ dành để “làm mát” vào năm 2050 sẽ tăng gấp 15 lần so với mức của năm 2018, xấp xỉ tổng lượng điện mà Ấn Ðộ tiêu thụ vào năm 2020. Theo đó, vào năm 2050, khoảng 45% lượng điện tiêu thụ của Ấn Ðộ trong giờ cao điểm sẽ được dùng cho máy điều hòa không khí. Ðiều này có nghĩa là Ấn Ðộ khi đó không chỉ đẩy nhanh phát triển năng lượng mặt trời mà còn đầu tư hàng tỉ USD để phát triển các loại pin lithium-ion khổng lồ hoặc để mua các công nghệ tiên tiến nhằm khai thác nhiên liệu hydro để lưu trữ năng lượng cho những giờ cao điểm.

Tuy nhiên, Chandra Bhushan, Giám đốc công ty tư vấn iForest ở New Delhi, cho biết số tiền cần thiết dành để đào tạo lại công nhân Ấn Ðộ, đóng cửa các mỏ than và nhà máy điện trong vòng 30 năm tới sẽ là một con số “khủng”. “Ðức đã chi 60 tỉ USD để các nhà máy điện than ngừng hoạt động, trong khi Ấn Ðộ có công suất điện than cao gấp 5 lần Ðức. Các bạn có biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trả bao nhiêu tiền để 50.000 công nhân than đổi nghề trong khi chỉ riêng ngành công nghiệp than của Ấn Ðộ sử dụng số công nhân cao gấp 9 lần con số này” - ông Bhushan
đặt câu hỏi.

Cần sự chung tay của thế giới

Nandini Das, nhà phân tích chính sách và nghiên cứu năng lượng thuộc tổ chức Climate Analytics (Ðức), cho biết Ấn Ðộ đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhưng các mục tiêu đầy tham vọng của nước này vẫn chưa đủ quyết liệt để giúp thế giới đáp ứng các mục tiêu khí hậu cao nhất. Theo bà Das, để tạo ra những thay đổi lớn hơn và nhanh hơn thì sẽ cần đến sự trợ giúp về công nghệ và tài chính từ thế giới bên ngoài.

Bà Das cho hay Chính phủ Ấn Ðộ sẽ cần phải đẩy mạnh nâng cấp hệ thống lưới điện ọp ẹp của mình để có thể tích hợp lượng năng lượng tái tạo mà nước này cần. New Delhi cũng cần phải mở rộng hệ thống truyền tải điện để có thể liên kết tiểu bang Rajasthan đầy nắng, nơi tiên phong trong việc triển khai năng lượng tái tạo của Ấn Ðộ, với vùng nội địa vốn đang bị điện than “thống trị”.

Theo Hội đồng Năng lượng, Môi trường và Nguồn nước Ấn Ðộ, để thực hiện các mục tiêu đầy tham vọng kể trên thì quốc gia Nam Á này cần nguồn vốn đầu tư vào năng lượng sạch tăng từ 30 tỉ USD lên 150 tỉ USD vào năm 2030, trong khi số lượng xe đạp và xe hơi điện bán ra tăng từ 1% lên 40%. Nhưng không giống như Mỹ, Ấn Ðộ không có đủ nguồn lực khổng lồ để thông qua gói đầu tư lớn cho vấn đề môi trường và công nghệ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2070.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết