14/11/2022 - 19:39

Thách thức địa chính trị phủ bóng G20 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Al Jazeera)

Bất chấp khẩu hiệu lạc quan “cùng nhau phục hồi”, giới phân tích đánh giá triển vọng hợp tác tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) “rất mỏng manh”, khi Mỹ cùng các đối tác ngày càng mâu thuẫn với Trung Quốc - Nga trong một thế giới bất ổn.

Tổng thống Mỹ Biden (trái) gặp Tổng thống Indonesia Widodo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters

Hội nghị G20 diễn ra tại đảo Bali, Indonesia trong các ngày 15-16/11. Vì mục tiêu xây dựng tương lai ổn định hơn, các nhà lãnh đạo ở ngày làm việc đầu tiên sẽ trao đổi vấn đề an ninh lương thực, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng bền vững và tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu. Những gì cần thiết để đảm bảo chuyển đổi nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện sẽ được bàn thảo trong ngày làm việc thứ hai.

Với vai trò Chủ tịch luân phiên G20, việc đăng cai tổ chức thượng đỉnh năm nay là dự án cốt lõi đánh dấu nỗ lực vươn lên của Indonesia trong khu vực cũng như cộng đồng quốc tế. Trước thềm hội nghị, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tìm cách duy trì tính trung lập của diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới khi nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giải quyết những thách thức cấp bách trên toàn cầu như năng lượng, an ninh lương thực và suy thoái kinh tế tiềm ẩn, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi “tẩy chay Nga” của các nước phương Tây.

Những thách thức hàng đầu

Gregory Poling, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết kể từ khi nhóm thành lập vào năm 1999, thượng đỉnh G20 năm nay là sự kiện “khó khăn hơn bình thường” khi diễn ra trong bối cảnh trật tự thế giới đảo lộn do ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine. Cùng với thiên tai gia tăng do biến đổi khí hậu, xung đột Ðông Âu đang làm chao đảo thị trường năng lượng và trầm trọng thêm khủng hoảng lương thực toàn cầu. Ngoài bất ổn địa chính trị, hội nghị còn chịu tác động từ mâu thuẫn ngày càng sâu sắc về toàn cầu hóa, chuỗi cung ứng bị gián đoạn trong khi lạm phát ở nhiều quốc gia đang ở mức cao nhất trong 40 năm. Bên cạnh đó là lo ngại khủng hoảng giá sinh hoạt đẩy thế giới tiến gần bờ vực suy thoái.

Trong bối cảnh này, kết quả cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị đang giành được sự chú ý khi căng thẳng giữa hai cường quốc về chính sách thương mại, nhân quyền, Ukraine và Ðài Loan được dự báo làm lu mờ các sự kiện chính. Theo Hãng tin Bloomberg, Washington coi cuộc họp là bước đầu tiên ngăn chặn quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi. Trong đó, Tổng thống Biden sẽ tìm cách lập “hàng rào bảo vệ” giảm thiểu rủi ro “nhầm lẫn và hiểu sai” trong tương tác hai bên, đảm bảo cạnh tranh không trở thành xung đột.

Tín hiệu lạc quan

Bất chấp những thách thức chưa từng có và bất hòa chính trị, một số nhà quan sát cho rằng vẫn có chỗ cho sự lạc quan đối với nỗ lực của G20 trong giải quyết các vấn đề chung. Ðiều này được phản ánh qua những thành tựu mà diễn đàn đạt được những năm gần đây, bao gồm các sáng kiến ​​tạm dừng thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất và cung cấp tài chính cho những quốc gia đang đối mặt tình trạng thiếu hụt thanh khoản khẩn cấp trong đại dịch COVD-19.

Theo chuyên gia Dandy Rafitrandi tại CSIS, “di sản” của Indonesia đối với G20 năm nay là việc thành lập Quỹ phòng đại dịch của G20. Quỹ này sẽ do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quản lý, có mục tiêu hỗ trợ các quốc gia thu nhập thấp và trung bình tăng cường khả năng ứng phó đại dịch trong tương lai. Theo ông Widodo, Quỹ phòng đại dịch hiện đã quyên góp được 1,4 tỉ USD từ các khoản ủng hộ của 17 quốc gia thành viên và không phải thành viên của G20 cùng 3 tổ chức từ thiện quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã đóng góp khoảng 450 triệu USD, trong khi Ý đóng góp 102 triệu USD, Indonesia ủng hộ 50 triệu USD. 

Chia sẻ bài viết