11/11/2020 - 08:11

Thách thức chuyển giao quyền lực ở Mỹ 

Sau bầu cử, chính trường Mỹ tiếp tục giằng co với việc Tổng thống Donald Trump cương quyết theo đuổi cuộc chiến pháp lý, trong khi đảng Dân chủ bắt đầu thúc ép cơ quan thẩm quyền khởi động tiến trình chuyển giao quyền lực.

Người ủng hộ Tổng thống Trump biểu tình ở bang chiến trường Michigan đòi bầu cử công bằng. Ảnh: AP

Phát biểu hôm 9-11, một thành viên nhóm chuyển tiếp đảng Dân chủ kêu gọi Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) công nhận chiến thắng của ông Biden  để quá trình chuyển giao quyền lực được bắt đầu. Vị này còn tuyên bố họ có thể cân nhắc hành động pháp lý.

Trước đó, người đứng đầu GSA Emily Murphy nói rằng việc xác nhận kết quả chính thức vẫn chưa được tiến hành và các quản trị viên sẽ tiếp tục tuân thủ cũng như thực hiện tất cả yêu cầu theo luật. Phát ngôn viên GSA hôm 9-11 nhấn mạnh quan điểm của cơ quan này về vấn đề trên sẽ không thay đổi, báo hiệu GSA có thể trì hoãn tới lúc Tổng thống Trump thừa nhận thua cuộc hoặc thời điểm đại cử tri đoàn họp vào tháng tới.

Cho đến khi bà Murphy ký thư chuyển giao quyền lực, nhóm của ông Biden sẽ không thể tiếp cận khoảng 9,9 triệu USD trong quỹ chuyển đổi của chính phủ hoặc làm việc với các cơ quan liên bang. Trong khi bất đồng giữa GSA và nhóm của ông Biden được dự báo khó kết thúc sớm, Tổng thống Trump hiện vẫn không chấp nhận kết quả bầu cử, cáo buộc có tình trạng gian lận. Nhiều nhân vật cấp cao đảng Cộng hòa, bao gồm lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cũng sát cánh cùng đương kim tổng thống. Theo ông McConnell, Tổng thống Trump hoàn toàn có thẩm quyền xem xét các hành vi bất thường trong bầu cử và cân nhắc các lựa chọn pháp lý.

Trước mắt, Bộ trưởng Tư pháp William Barr đã gửi văn bản cho giới công tố viên và Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI), đề cập khả năng điều tra nếu có cáo buộc rõ ràng và hợp lý về những hành vi trái quy định gây tác động tiềm tàng đến kết quả bầu cử. Theo lịch, ngày 8-12 sẽ là hạn chót để các bang giải quyết tranh chấp, khiếu nại về kết quả bầu cử, kiểm phiếu lại. Ngày 11-12 là kỳ hạn các bang công nhận kết quả bầu cử. Ðến ngày 14-12, đại cử tri đoàn tại mỗi bang sẽ bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống giành chiến thắng tại bang đó.

Theo nhiều nguồn tin chính phủ, Tổng thống Trump đang lên kế hoạch khôi phục các cuộc vận động quy mô lớn nhằm chống “gian lận bầu cử”. Nhưng khí thế của phe Trump đang hạ nhiệt khi đơn kiện ở những bang chiến trường như Georgia, Wisconsin dần bị loại bỏ. Nỗ lực này tiếp tục bị giáng đòn mạnh sau tin cố vấn trưởng chiến dịch pháp lý của Tổng thống Trump về kết quả bầu cử David Bossie có xét nghiệm dương tính với COVID-19.

Nhà Trắng chia rẽ

Trích nhận xét của một số trợ lý, Hãng tin AP cho biết Nhà Trắng đang tồn tại hai luồng tư tưởng trái ngược nhau giữa một bên đã chấp nhận kết quả bầu cử và bên còn lại ủng hộ Tổng thống Trump tiếp tục chiến đấu. John McEntee, người đứng đầu văn phòng nhân sự tổng thống, cảnh báo các nhân viên dưới quyền rằng ai bị phát hiện đang tìm kiếm công việc mới sẽ bị sa thải.

Theo lời một quan chức, cảnh báo này không phải nhằm “xử" bất kỳ người nào mà chỉ để đảm bảo các thành viên ở Cánh Tây không chống lại Tổng thống Trump trong lúc ông vẫn chưa nhượng bộ. Dù vậy, một số cơ quan chính quyền liên bang đã được huy động để chuẩn bị cho thời điểm ông Biden lên nắm quyền. Ðiển hình như việc Cơ quan Mật vụ Mỹ bắt đầu tăng cường bảo vệ chính trị gia 78 tuổi trong khi Cục Hàng không Liên bang áp lệnh cấm bay ở khu vực nhà riêng và nơi ông Biden dự kiến phát biểu nếu chiến thắng.

Sau tin Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bị sa thải, có nhiều suy đoán làn sóng “đuổi việc” sẽ không dừng lại khi Tổng thống Trump được cho đã thoát khỏi áp lực từ cử tri như thời điểm vận động tái tranh cử và bắt đầu “trút giận” lên những quan chức bị gán là không đủ trung thành. Một số cái tên có thể nằm trong “danh sách đen” là Giám đốc FBI Christopher Wray, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Gina Haspel và đặc biệt là thành viên cấp cao của đội đặc nhiệm chống COVID-19 Anthony Fauci.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết