18/07/2018 - 21:15

Thắc thỏm sống chung với người bệnh tâm thần 

Thành phố Cần Thơ có gần 3.000 bệnh nhân tâm thần được quản lý điều trị tại cộng đồng. Bên cạnh niềm thương cảm đối với người không may bệnh tật, cũng không ít người lo lắng, sợ hãi khi người bệnh có những biến đổi tâm trí bất ngờ gây nên những hành động khôn lường, thậm chí đe dọa tính mạng, tài sản người khác. Vấn đề là làm sao để quản lý tốt người bệnh, để người bệnh vừa được chăm sóc, yêu thương; vừa đảm bảo an toàn tính mạng, an ninh trật tự cho cộng đồng?

Suýt có án mạng

Mấy ngày nay, người dân ở đường Nguyễn Thông, thuộc khu vực 1, phường An Thới, quận Bình Thủy hết sức lo lắng chuyện người bệnh tâm thần xông vào nhà dân gây sự rồi lấy dao chém người gây thương tích. Sự việc diễn ra vào khoảng 4 giờ chiều 10-7, nam thanh niên khoảng 30 tuổi, chạy xe đạp trên đường Nguyễn Thông, ghé vào tiệm tạp hóa Ng.L. gây sự, chửi bới rồi đánh anh T., con trai chủ tiệm. Anh T. chạy vào nhà trốn, thì đối tượng này chụp lấy con dao phay để trước cửa tiệm dùng để chặt và gọt vỏ dừa, rượt chém liên tiếp vào đầu anh T. Một số khách đợi mua hàng, đậu xe chờ trước cửa tiệm, chứng kiến sự việc, hoảng sợ bỏ chạy. Người thân tức tốc đưa anh T. đến Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ cấp cứu, đồng thời trình báo Công an phường An Thới. Thông tin từ các bác sĩ BV, kết quả thăm khám bước đầu cho thấy anh T. bị chấn thương vùng đầu nhẹ, bác sĩ khâu vết thương cầm máu và tiếp tục theo dõi diễn tiến sức khỏe bệnh nhân.

Một bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại BV Tâm thần TP Cần Thơ.
Một bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại BV Tâm thần TP Cần Thơ.

Trung tá Lê Ngọc Quang, Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Bình Thủy, cho biết đối tượng tên Nguyễn Hải Thi (31 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thông). Qua làm việc, gia đình anh Thi cho biết, anh mắc bệnh tâm thần nhiều năm nay. Hướng xử lý, Cơ quan điều tra yêu cầu nạn nhân T. cung cấp giấy chứng nhận thương tích, xác định tỷ lệ thương tật. Ngoài ra, làm thủ tục đưa Thi giám định tâm thần tại Trung tâm Giám định pháp y tâm thần thành phố. Nếu như tại thời điểm phạm tội, Thi không có năng lực kiểm soát hành vi thì Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định không khởi tố và đưa Thi đi chữa bệnh bắt buộc. Ngược lại, Cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

Hiện ở đường Thái Thị Nhạn, khu vực 1, phường An Thới, có bệnh nhân Lê Trung Thái, mắc bệnh tâm thần hơn 15 năm nay. Các hộ gia đình lân cận, nhất là hộ đối diện nhà bệnh nhân Thái phải thường xuyên di tản, đem gởi các con ở nhà ông bà, còn cửa nhà thì lúc nào cũng khóa kín vì sợ người hàng xóm bị bệnh chửi bới, kiếm chuyện. Cha mẹ ông Thái đều đã mất, anh chị em thì có gia đình riêng, ông sống một mình trong căn nhà cha mẹ để lại.

Theo cán bộ y tế địa phương, ông Thái là bệnh nhân tâm thần được quản lý điều trị tại cộng đồng. Trong 23 bệnh nhân (gồm 10 bệnh nhân động kinh và 13 bệnh nhân tâm thần phân liệt) phường quản lý, thì ông Thái rất ít khi nhận thuốc về uống. Người thân của ông Thái cho biết, thuyết phục ông uống thuốc rất khó khăn, ông không uống mà còn mắng chửi nên dần dần ai cũng nản. Năm ngoái, do ông Thái lên cơn mất kiểm soát hành vi mức độ nặng, thường xuyên gây rối, gia đình đưa ông đi điều trị ở BV Tâm thần TP Cần Thơ, hết đợt điều trị rồi về nhưng bệnh nhân không hợp tác điều trị với cơ sở y tế địa phương. Nhiều lần cán bộ y tế vãn gia kiểm tra tình trạng sức khỏe nhưng không tiếp cận được bệnh nhân.

Về những trường hợp bệnh nhân tâm thần nêu trên, bác sĩ Thiều Quang Hùng, Phó Giám đốc BV Tâm Thần TP Cần Thơ, cho rằng, có thể bệnh nhân không tuân thủ điều trị, không uống thuốc đều đặn, dẫn đến bệnh nặng thêm. Tình trạng này rất nguy hiểm, lẽ ra người thân trong gia đình nên đưa bệnh nhân đến BV Tâm thần điều trị trong đợt phát bệnh cấp tính, khi nào ổn thì sẽ chuyển về địa phương tiếp tục điều trị.

Quản lý bệnh nhân tâm thần-trách nhiệm của ai?

Thực tế, việc quản lý bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng còn nhiều khó khăn, bất cập. Không ít người bệnh tâm thần không tuân thủ điều trị, không được gia đình quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ điều trị, khiến bệnh không thuyên giảm mà còn trầm trọng thêm. Bệnh càng nặng, người bệnh không thể kiểm soát hành vi, dẫn đến nguy cơ thực hiện nhiều hành vi đe dọa sức khỏe tính mạng, tài sản của cộng đồng. Theo Công an phường An Thới, với vai trò giữ gìn an ninh trật tự địa phương, đơn vị tham mưu UBND phường các biện pháp nghiệp vụ; còn các mối nguy từ người tâm thần đang sống tại cộng đồng, vụ việc xảy ra tới đâu thì giải quyết tới đó, vì có nhiều vướng mắc, không nằm trong phạm vi chức năng của Công an.

Trong khi đó, BV Tâm thần chỉ tiếp nhận điều trị những bệnh cấp tính. Sau khi điều trị ổn, BV chuyển hồ sơ người bệnh về cho y tế cơ sở quản lý, tiếp tục điều trị theo phác đồ. Tuy nhiên, y tế cơ sở lại gặp khó về nguồn lực. Mạng lưới nhân lực quản lý chương trình mỏng, thiếu kinh nghiệm, lại thường xuyên biến động; chế độ thù lao bị cắt giảm, trước đây, các cộng tác viên khu vực được hỗ trợ vài chục nghìn đồng/người/tháng, nhưng nay bị cắt hẳn.

Những trường hợp được đưa đi chữa bệnh, theo quy định tại khoản 1 điều 45 Luật Người khuyết tật, chỉ tiếp nhận người khuyết tật đặc biệt nặng về thần kinh tâm thần không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống. Trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Hải Thi, mặc dù được xác định là người khuyết tật đặc biệt nặng về thần kinh tâm thần nhưng có nơi nương tựa nên dù địa phương đã đề nghị đưa Thi đi chữa bệnh bắt buộc từ cuối năm 2016 nhưng không được tiếp nhận. Hậu quả là bệnh nhân Thi suýt gây án mạng tại địa phương.

Ông Phạm Văn Dư, Phó Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội quận Bình Thủy, cho biết: Khoảng 200 bệnh nhân ở quận Bình Thủy, là người tâm thần được quản lý điều trị tại cộng đồng, sinh sống cùng với gia đình. Những bất cập, rủi ro từ nhóm đối tượng này là chủ yếu. Theo quy định, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội quận chỉ quản lý hồ sơ, còn quản lý đối tượng thuộc chức năng nhiệm vụ của phường.

Theo ông Huỳnh Văn Sánh, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ: Áp dụng các Nghị định: NĐ136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và NĐ103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, thì những trường hợp người bệnh tâm thần có người thân nhưng không quản lý được, người bệnh lại có hành vi nguy hiểm cho địa phương và người lân cận thì vẫn đáp ứng điều kiện đưa vào Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ điều trị. Các nghị định quy định rõ, nhưng do địa phương không nghiên cứu kỹ, hoặc xem nhẹ vấn đề, coi những chuyện đó bình thường, để dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.

Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ cho biết thêm, những trường hợp như bệnh nhân Thi, bệnh nhân Thái, Công an địa phương cần phải vào cuộc, trước hết ngăn chặn hành vi nguy hiểm của người bệnh. Công an được quyền giữ người 24 giờ, nhanh chóng làm thủ tục đưa lên Trung tâm. Sau khi Trung tâm thẩm định hồ sơ, Giám đốc Trung tâm sẽ ký quyết định, gởi về địa phương, địa phương áp giải người bệnh vào Trung tâm. Nếu địa phương không làm hết trách nhiệm, không thuyết phục được gia đình bệnh nhân hợp tác, ngăn chặn hành vi của bệnh nhân, để phát sinh hệ lụy là những hành vi nguy hiểm cộng đồng do người tâm thần gây ra thì đó là trách nhiệm của địa phương.

HẢI TIẾN

Chia sẻ bài viết