07/01/2023 - 13:02

Tết vui... 

TÂM KHOA

Tết là dịp để mọi người sum vầy, kết nối yêu thương cùng người thân, họ hàng sau một năm bộn bề với công việc, học tập... Nhiều chị em vén khéo để sắp xếp chu toàn từ việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, mua sắm; thăm hỏi, hiếu hỉ với họ hàng... trên tinh thần vui xuân tiết kiệm, an toàn.

Những hoạt động chuẩn bị ăn Tết do các thành viên trong gia đình quây quần thực hiện, giúp tình thân thêm khắn khít. Trong ảnh: Gói bánh tét chuẩn bị đón Tết.

Những hoạt động chuẩn bị ăn Tết do các thành viên trong gia đình quây quần thực hiện, giúp tình thân thêm khắn khít. Trong ảnh: Gói bánh tét chuẩn bị đón Tết.

Chị Nguyễn Thị Kim Dung ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ chia sẻ: “Thông thường, khoảng 2 tuần trước Tết, vợ chồng tôi dành thời gian vệ sinh, trang trí nhà cửa. Các con tôi được “huy động” tham gia phụ cha mẹ với những công việc vừa sức. Theo tôi, việc dọn dẹp, sắp đặt nhà cửa tuy vất vả, nhưng nếu các thành viên cùng chung tay thì sẽ đâu vào đó. Về phần sắm sửa, tôi chủ trương tận dụng lại các vật dụng cũ nhưng còn tốt, như: khay đựng bánh mứt, khăn trải bàn, rèm cửa... Đón xuân vui nhưng phải tiết kiệm, tích lũy tiền để chăm lo cho gia đình, phòng khi có việc cần”.

Chi tiêu tiết kiệm là phương châm mà nhiều chị em “chủ trương” trong dịp Tết năm nay. Chị Nguyễn Thị Kim Phụng ở huyện Cờ Đỏ, bày tỏ: “Tôi làm công việc đan ráp lú, còn ông xã là công nhân nhà máy xây xát lúa gạo. Năm nay, kinh tế khó khăn nên tôi dự kiến trích ra một phần tiền để lo để sắm sửa Tết và biếu hai bên cha mẹ. Số còn lại gói ghém phòng khi eo hẹp. Tôi cùng chị em trong xóm rủ nhau làm dưa kiệu, vừa an toàn thực phẩm, tiết kiệm, vừa có không khí Tết”.

Việc tự làm dưa, các loại cá khô, hay tìm mua các loại đặc sản để vừa ăn Tết vừa làm quà biếu, hiếu hỉ cũng được nhiều chị em “rỉ tai”. Chị Lý Thiên Kim, nhà ở huyện Cờ Đỏ, chia sẻ: “Vợ chồng tôi có hai con nhỏ, sống bằng nghề nghề bán cá. Khoảng 3-4 năm trước, tôi làm một ít khô, vừa ăn trong nhà, vừa biếu họ hàng ăn Tết. Không ngờ, ai ăn cũng khen rồi đặt hàng. Nhờ vậy, hiện tại tôi có thêm nghề làm cá khô để bán, đắt hàng nhất là dịp Tết Nguyên đán này. Tiền bán khô, vừa đủ để tôi có Tết "ấm"”.

Đối với nhiều chị em, việc sắp xếp thời gian để đón Tết cùng hai bên gia đình cũng được tính toán chu đáo. Chị Nguyễn Thới Dung ở huyện Cờ Đỏ, chia sẻ, vợ chồng chị đều là viên chức nhà nước, có 2 con nhỏ. Quê chị Thới Dung ở Hậu Giang, nhà chồng ở Cần Thơ. Chị Dung bộc bạch: “Tết đến, cùng với việc cúng kiếng trong nhà, phải dành thời gian đi chúc Tết, họp mặt, tiệc tùng… nên tôi cân nhắc, sắp xếp cho phù hợp. Gia đình tôi ở gần nhà nội nên về thăm, chúc Tết ông bà nội trước. Sau đó, cả gia đình về sum họp ở ngoại. Chúng tôi dành trọn ngày Mùng 5 nghỉ ngơi để các thành viên đảm bảo sức khỏe, tiếp tục khởi động đầu năm với các hoạt động đi làm, đi học tràn đầy năng lượng”. Còn chị Ngọc Hạnh, nhà ở quận Cái Răng, thì chia sẻ: “Tôi lập gia đình ở xa, chỉ dịp Tết mới về quê. Tôi có hai con nhỏ nên càng chú ý việc ăn uống những ngày Tết. Các món ăn được mẹ tôi sơ chế, sáng chịu khó thức dậy nấu nướng. Tuy mất thời gian nhưng nhìn các thành viên gia đình cùng ăn uống trò chuyện vui vẻ, lại yên tâm về sức khỏe nên mọi người không cảm thấy quá mệt nhọc, khó khăn”.

Theo kinh nghiệm của nhiều chị em, để đón Tết thoải mái, cần có kế hoạch cụ thể, từ việc vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị quà Tết, phân bổ thời gian hợp lý để thăm hỏi, ăn Tết cùng hai bên gia đình. Có như thế sẽ không tạo áp lực, bởi Tết là để vui thay vì phải lo Tết…

Chia sẻ bài viết