26/01/2019 - 11:46

Tất bật lo Tết 

Trong năm, Tết thường là thời điểm chị em phụ nữ tất bật với nhiều nỗi lo. Giới chị em công sở càng bận rộn bởi phải hoàn tất công việc cuối năm vừa phải dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chăm con vì học sinh thường nghỉ học sớm trong khi cha mẹ còn đi làm. Sắp xếp sao cho Tết trọn niềm vui là điều không đơn giản.

Lễ Tết thường là thời điểm chị em phụ nữ tất bật với nhiều công việc, trách nhiệm phải lo toan. Trong ảnh: Phụ huynh dẫn con mua sắm quần áo Tết tại siêu thị.

Gặp chị Bích Ngọc (công tác tại một công ty viễn thông trụ sở ở quận Ninh Kiều) vào tối 15-1, khi chị đang mua sắm bánh mứt, các loại khô trong siêu thị tiện lợi. Hằng năm, chị chuẩn bị Tết từ khoảng mùng 10 tháng Chạp. Ngoài thăm hỏi khách hàng thân thiết, chị còn đặt đặc sản làm quà biếu người thân, hai bên nội ngoại. Chị Ngọc kể: "Năm nay, công việc quá nhiều, phải hoàn thành các chỉ tiêu công ty giao nên tôi bàn với chồng không về Bắc ăn Tết với ông bà nội vì quá xa. Hai con nhỏ học tiểu học, tôi nhờ mẹ ruột bên Vĩnh Long qua chăm sóc giúp vì không tìm được nơi gởi khi tụi nhỏ nghỉ học, bởi dẫn vào công ty không tiện, mà để ở nhà thì không an tâm". Theo kế hoạch, 28 Tết chị Ngọc mới được nghỉ nên tranh thủ sắm sửa vào cuối tuần hoặc buổi tối, đặt hàng qua mạng, đỡ tốn công đi lại.

Do áp lực về thời gian, công việc, nên chị Kim Cương (quận Bình Thủy) chi hơn 3 triệu đồng thuê dịch vụ vệ sinh căn nhà 3 tầng. Riêng khoản lau chùi đồ gỗ, cắt tỉa cây kiểng thì chị Cương và em gái chia nhau làm. Chị cũng nhờ dịch vụ này dọn dẹp, trang trí nhà bên chồng ở quận Cái Răng. Nhờ ông bà nội nên chị Cương đỡ khoản lo chăm con gái đang học lớp 4. Về các món mứt, thịt kho, bánh tét, chị Cương làm chung với các bác hàng xóm, rồi chia nhau, vừa vui vừa đảm bảo vệ sinh, chất lượng. Chị Cương kể: "Năm nay, cơ quan tôi cắt giảm nhân sự nên công việc dồn cuối năm rất nhiều. Ba má chồng thoải mái, không đặt nặng trách nhiệm, nghĩa vụ con dâu vào những dịp lễ Tết. Dù vậy, tôi vẫn cố gắng sắp xếp đưa má đi chợ, mua sắm quần áo, chuẩn bị quà cáp chu đáo".

Đối với chị Kim Hà (công nhân may, ở trọ quận Ninh Kiều), Tết đến, chị gặp áp lực về kinh tế, bởi phải chi nhiều khoản trong dịp này. Tính toán sao cho đủ với số tiền thưởng 7 triệu đồng của hai vợ chồng là không đơn giản. Sau khi gởi một khoản biếu ba mẹ chồng ở Cà Mau, sắm cho con gái 5 tuổi đôi giày, mấy bộ đồ mới, mua ít bánh mứt biếu người quen, chị Hà sẽ về quê mẹ ruột ở Trà Vinh chơi đến mùng 6 mới trở lại Cần Thơ đi làm. Chị Hà chia sẻ: "Về nhà vừa gần gũi người thân vừa tiết kiệm. Con mấy bữa nay bị bệnh nên tôi xin cho cháu nghỉ học sớm, gởi về ngoại trước. Khoảng 27 Tết tôi mới được nghỉ, dọn dẹp nhà cửa, làm mâm cơm cúng rồi cùng chồng về quê".

Kể về việc chuẩn bị đón Tết của gia đình, chị Thu Lê (quận Bình Thủy) chia sẻ: "Rút kinh nghiệm mấy năm trước, năm nay, tôi bàn với chồng chuẩn bị mọi thứ vừa phải, chia sẻ việc nhà để vợ có thời gian làm đẹp, thăm viếng họ hàng, bạn bè. Tết phải vui, thư giãn, mọi người dành thời gian sum vầy bên nhau mới thật sự ý nghĩa".

Được chồng ủng hộ như chị Lê là may mắn, không ít chị em một mình quán xuyến mọi thứ, vừa lo Tết vừa phải đảm đương cơm nước, đưa rước con cái hằng ngày, chồng chỉ đóng góp là đem tiền về cho vợ. Như chị Thu Cúc (làm nội trợ, nhà ở quận Ninh Kiều), Tết này chồng đưa tiền thưởng cho vợ tự lo; còn chồng tất bật với dự án, báo cáo, tổng kết, rồi tiếp khách, tất niên… Ban đầu chị Cúc còn cằn nhằn, sau chị tự xoay xở.

Mỗi nhà mỗi cảnh, Tết đến bên cạnh niềm vui là bao nỗi lo toan. Các anh chồng có thể không phụ giúp được nhiều nhưng nên có sự quan tâm đến vợ. Những cử chỉ, lời nói yêu thương chân thành đủ khiến các chị có thêm động lực lo cho gia đình. Hãy giữ tâm trạng thoải mái để cùng nhau đón một mùa xuân yên vui, ấm cúng, an toàn, tiết kiệm.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết