Tục dâng hương (hay còn gọi là thắp hương, thắp nhang, đốt hương, đốt nhang) đã có ở nước ta từ lâu đời, là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt.
Nghi thức điềm hương (nhang) trong Lễ Xây Chầu Đại Bội tại Kỳ yên đình làng Nam bộ. Người thủ vai Bàn Cổ cầm bó nhang đang cháy, ngụ ý nói về chuyện khai thiên lập địa. Ảnh: DUY KHÔI
Theo nhiều nguồn tài liệu, tục dâng hương có từ khi con người khám phá ra lửa, những loại cây bị cháy thường tỏa mùi thơm và mỗi cây có mùi hương khác nhau. Về sau, con người biết sử dụng hương của các loại cây để chữa bệnh, xua đuổi tà khí… đốt lên tỏa khói nghi ngút, làm ấm áp không gian. Lại có ý kiến cho rằng, nguồn gốc việc đốt hương từ những quốc gia có nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Babylon… Thời đó, hương đốt được làm từ nhựa lấy từ thân của loài cây Boswellia, mọc rất nhiều ở miền Nam Ả Rập và Somalia. Cùng với sự phát triển mậu dịch, các nền văn minh Tây phương xa xưa cũng đốt hương và trong các triều đại Ai Cập như Sheba, Hadramaout và Qataban, đất nước này đã giàu lên từ việc xuất khẩu hương liệu.
Có tài liệu ghi rằng, nghi thức đốt gỗ chiên đàn đã được thực hành tại Ấn Độ từ thời rất xa xưa và theo con đường lan truyền của Phật giáo, tục đốt hương hình thành khắp các xứ vùng Đông Nam Á. Còn “Vân Ðài Loại Ngữ” của cụ Lê Quý Ðôn cho rằng thuở xa xưa, người Trung Hoa lấy lửa đốt củi thui các con vật gọi là vật hy sinh, sau bắt chước phong tục đốt hương từ Tây phương, tức là Ấn Ðộ. Theo cụ Phan Kế Bính trong “Việt Nam phong tục”, cây nhang có nguồn gốc từ Tây Vực, đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa, tục tế tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương. Đến đời Vũ đế nhà Hán, vua sai tướng sang đánh nước Hồn Gia (xứ Tây vực, thuộc Ấn Độ). Vua nước ấy đầu hàng, dâng một tượng thần bằng vàng cho Vũ đế đem về đặt trong cung Cam Toàn. Người nước Hồn Gia cũng tế thần ấy, không phải dùng đến trâu, bò mà chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Tục đốt hương bắt đầu từ đấy.
Hương lễ chuẩn bị nhang để tế lễ trong Lễ giỗ Nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. Ảnh: DUY KHÔI
Cũng có thuyết cho rằng đất Việt đã du nhập trực tiếp tục thắp hương từ Ấn Ðộ. Thuyết này dựa trên việc Thứ sử Giao Châu là Trương Tân thường đốt hương ở Cát Lập tịnh xá để đọc đạo thư. Tục này ở ta có lẽ bắt đầu từ đó. Rồi cùng với quá trình phát triển của đạo Phật, tập tục du nhập vào nước ta ngày càng phổ biến(1).
Thắp nhang trong gia đình ngoài việc thể hiện tấm lòng thành của gia chủ đối với các vị gia thần, thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà tổ tiên, còn thể hiện sự thông linh giữa con người và các đấng bề trên. Người ta tin rằng, những sợi khói nhang cuộn tròn, rồi phảng phất bay đi để lại mùi hương thoang thoảng, dịu dàng như một sợi dây thiêng liêng gắn kết cuộc sống con người với đất trời, là cầu nối giữa con người ở trần gian với thần thánh, tổ tiên đang ở cõi vĩnh hằng.
Còn khi cúng dường chư Phật, người ta thường cúng bằng: Mạt hương (hương bột), Thiêu hương (hương đốt), Đồ hương (hương bôi lên cây nhang). Ngoài những hương thông thường còn những danh hương được đem cúng dường nơi Phật đài: Chiên đàn hương (hương này còn diệt trừ ô trượt), trầm hương, đâu lâu ba hương (một loại cỏ bên Thiên Trúc, mùi rất thơm), tất lực ca hương (một loại đinh hương ở Thiên Trúc, mùi rất thơm, cũng dùng để ăn, làm thuốc).
Đứng về mặt ý nghĩa, đốt hương hay nến (nói chung có lửa khói) là một biểu hiện mong muốn tiếp xúc với thần linh. Vào thời nguyên thủy, khi con người có tư duy, họ muốn giải thích những hiện tượng tự nhiên và xã hội nhưng bế tắc do khả năng nhận thức có hạn, nên nảy sinh thần linh. Cư dân của một số tộc người sớm định vị thần linh là ở tầng trên. Con người cũng sớm cho rằng thần linh trực tiếp chi phối nhiều mặt đời sống và họ tìm cách thông linh (giao tiếp với thần). Tới khi tìm thấy lửa, dần dần con người nhận thấy, khi đốt lửa thì khói bao giờ cũng bay lên. Như thế, bằng thực tế phát triển lịch sử xã hội, bằng tri giác đi tới đúc kết, con người sử dụng lửa để giao tiếp với thần. Biết bao lễ hội cổ truyền bắt nguồn từ thời nguyên thủy được diễn ra quanh đống lửa. Những hình ảnh, động tác mà con người muốn thông qua lửa khói để chuyển tải lên tầng trên, nhằm nguyện cầu thần linh: hãy cho âm dương đối đãi, cây trồng sinh sôi... Hiện vẫn còn gặp nhiều lễ hội của người thiểu số Việt Nam diễn ra quanh đống lửa.
Xã hội ngày một văn minh, lòng thành kính với tầng trên được thể hiện qua nhiều khía cạnh, song hầu như phải có lửa khói, và ở một chừng mực nào đó được hội tụ vào hương nến. Hương thắp vừa đạt được ý nguyện tâm linh dâng mùi thơm và chuyển lời cầu khẩn, vừa để biểu hiện chính tâm hướng tới điều thiện. Vì thế, người Việt sẽ rất áy náy khi đi lễ mà không có hương đèn. Song, cũng từ rất sớm, người ta đã hiểu cách thắp hương sao cho biểu hiện được tâm nguyện là chính. Người Việt xưa tối kỵ thắp cả bó hương rồi cắm cả lên bàn thờ, vì khói xông ngột ngạt thường gắn với sự ô trọc - thất kính thiếu văn hóa. Tùy theo nhu cầu của việc đi lễ mà có số hương thắp khác nhau. Do tấm lòng thành tín trong sạch dâng lên Phật và Thần, gọi là tâm hương, biểu hiện trong việc thắp hương là “một nén”. Nhiều khi chúng sinh đi lễ, đã thắp “ba nén hương”, đây là một biểu hiện về nguyện cầu sự thay đổi trong xu hướng tốt lành(2).
Số Một ở đây được coi là cơ sở và là điểm xuất phát, khởi đầu của bất cứ sự vật, sự việc nào đó. Thắp một nén nhang là biểu thị rõ ràng sự có, khu biệt với sự không. Cái nghĩa lý của một nén nhang là sự “có còn hơn không”. Mặt khác, số Một còn là Bản nguyên. Tuy không biểu hiện rõ, nhưng chính từ Một mà mọi dạng biểu hiện được khởi sinh... để rồi trở về một khi quá trình phát triển của nó kết thúc. Do đó, số Một là bản nguyên chủ động, là Đấng Tạo Hóa; là điểm tượng trưng cho sự tồn tại, là nguồn gốc và chung cục của mọi sự vật. Chính vì vậy, số Một tự nó là con số thiêng. Hơn nữa, Một là bản chất của mọi hiện tượng, là cái đơn nhất trước khi bị phân chia theo nguyên lý “nhất thể phân thù”. Nói cách khác, số Một hàm nghĩa của loại biểu tượng thống nhất hóa lục bào, bánh xe, vòng hoàng đạo... Các biểu tượng thống nhất hóa được coi như chứa đựng năng lượng tâm linh cực mạnh.
Số Ba là kết quả của phép cộng 1+2. Dưới cái nhìn biểu tượng thì ở đây là: Một tách thành hai, cả hai kết hợp với nhau/nhập vào con đẻ/kết quả của nó, đứa con này tích hợp được cả hai phẩm chất của cha và mẹ, giống hệt như con số Ba là tổng hợp thể của số Một và số Hai. Như vậy, số Ba tổng hợp tính “Tam - Nhất” của mọi sinh linh; được coi là cội nguồn, là thể tổng hợp của các mặt, các thành phần đối lập. Do đó, ở hầu hết các nền văn hóa, số Ba là một con số cơ bản - hiểu là con số “chỉnh”, biểu hiện của sự toàn thể, sự hoàn thành: không thêm cái gì vào đây được nữa. Đây là bộ ba Tam tài: Trời, Người - con của Trời và Đất. Còn với Phật giáo là bộ ba tôn quý: Phật, Pháp, Tăng mà bất cứ tín đồ nào cũng phải quy y. Do đó, việc thắp ba nén nhang là việc thực hành nghi lễ biểu thị sự toàn thể, sự hoàn thành - không thể thêm/ nên không cần thêm vào đó một/vài nén nhang nữa cũng đã trọn lòng kính tín(3).
Qua các tài liệu trên, có thể thấy ý nghĩa của tục thắp nhang là ở lòng thành chứ không phải ở số lượng. Đối với ông bà, Tổ tiên, thần thánh hay Trời, Phật, chỉ cần 1 hoặc 3 cây nhang mỗi lần cúng là đủ. Dâng hương không chỉ có nghĩa là đốt hương, thắp hương mà nó còn mang cả một ý nghĩa văn hóa và đạo lý. Cao hơn nữa, còn mang ý nghĩa của một quan niệm triết lý vũ trụ nhân sinh; trở thành một tục, một lễ dâng hương; trong đó việc dâng hương phải có kỳ, có tiết; có nghi thức vái, lễ, lạy với những phẩm vật tùy từng lễ, tiết(4).
Suy cho cùng, hương là thơm. Hương và lửa là biểu hiện sự sùng kính trong mối giao tiếp với thần linh(5). Vì vậy, ở nhà cũng như ở chùa, hay những nơi tâm linh khác, chỉ nên thắp số lượng nhang vừa đủ, không nên thắp quá nhiều, vừa gây ngột ngạt chốn tâm linh, lại vừa lãng phí tiền của.
.......................
(1) https://nhangsach.wordpress.com/ 2012/11/09/66/. Ngày truy cập 23.2.2019
(2) Nhiều tác giả (1998), Hỏi và đáp về văn hóa Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, tr.225-227.
(3) Huỳnh Ngọc Trảng (2019), Câu chuyện văn hóa, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, tr.114-116.
(4) Thích Thanh Duệ - Quãng Tuệ - Tuệ Nhã (2005), Tập tục và nghi lễ dâng hương, Nxb Văn hóa Dân tộc, tr.4.
(5) Nhiều tác giả, Sđd, tr.228.
Trần Kiều Quang