11/06/2020 - 05:59

Tập trung sản xuất gạo ngon, chất lượng cao 

Thời gian qua, với sự quan tâm hỗ trợ, khuyến khích của ngành Nông nghiệp và chính quyền từ Trung ương đến địa phương, nông dân vùng ĐBSCL- vùng sản xuất lúa gạo chủ lực của cả nước- cũng đã đẩy mạnh sản xuất các loại lúa gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao.

Những tín hiệu tích cực

Các địa phương vùng ĐBSCL hiện đã sản xuất được nhiều loại lúa gạo thơm ngon, đặc sản. Trong ảnh: Trưng bày sản phẩm lúa gạo tại hội thảo do Trường Đại học Cần Thơ tổ chức.

Đến nay, nhiều địa phương ở ĐBSCL đã hình thành  các vùng sản xuất gạo thơm ngon nổi tiếng: vùng sản xuất lúa thơm Chợ Đào ở tỉnh Long An, các vùng sản xuất lúa thơm thuộc nhóm ST ở tỉnh Sóc Trăng, các vùng sản xuất lúa thơm Jasmine 85 ở Cần Thơ, vùng sản xuất lúa Jasmine 85 và lúa Nhật ở An Giang… Qua thống kê, tỷ lệ sản xuất các loại lúa gạo thơm, đặc sản và chất lượng cao tại các địa phương vùng ĐBSCL ngày càng tăng cao trong những năm gần đây...

Cần Thơ mỗi năm sản xuất 3 vụ lúa gồm đông xuân, hè thu và thu đông đạt tổng diện tích trên dưới 230.000ha, với sản lượng lúa có thể đạt từ 1,3-1,4 triệu tấn/năm. Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và bán sản phẩm được giá cao, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ cũng đã hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon, chất lượng cao và áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất. Khuyến khích nông dân liên kết hình thành các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng lớn (CĐL) gắn với đơn đặt hàng và hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp. Mô hình CĐL được triển khai từ vụ hè thu 2011 với diện tích ban đầu chỉ 400ha, nhưng gần đây đã tăng lên trên 30.0000 ha/vụ, giúp tạo ra các vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa lớn, có chất lượng cao.

Bên cạnh các giống lúa thơm Jasmine 85, VD 20 và Đài Thơm 8, những năm gần đây, nông dân đưa thêm nhiều loại lúa thơm, ngon khác vào sản xuất: lúa Nhật, Nàng Hoa 9, KDM, Hương Châu 6, lúa gạo đen, lúa gạo đỏ… để có điều kiện nâng cao thu nhập và tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Qua đó, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm lúa gạo trong nước, hạn chế tình trạng phải nhập khẩu các loại gạo thơm ngon từ các nước, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Để, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thanh Phong ở thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết, để nâng cao được giá trị và lợi nhuận trên cùng một diện tích sản xuất, nông dân HTX không chỉ quan tâm sản xuất lúa gạo theo hướng an toàn mà còn tăng cường liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đưa các giống mới vào sản xuất, nhất là các giống lúa thơm ngon, có giá bán cao. HTX cũng đã đưa giống lúa có xuất xứ Thái Lan là KDM vào sản xuất và bán được với giá 10.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, vụ lúa đông xuân 2019-2020, nông dân xuống giống được 79.244ha lúa, trong đó các loại lúa thơm gồm Jasmine 85, Đài Thơm 8 và RVT chiếm tỷ lệ khoảng 75% diện tích xuống giống, lúa chất lượng cao OM 5451 chiếm 8%. Tỷ lệ gieo cấy nhóm giống lúa có chất lượng gạo trung bình (IR50404) chỉ chiếm 10% diện tích.

Vụ hè thu 2020, Cần Thơ xuống giống được 75.015ha lúa, trong đó các giống lúa chất lượng cao và lúa thơm như OM 5451, OM 4218, OM 380 và Đài Thơm 8 chiếm 74% diện tích. Do vụ này thời tiết mưa gió và có nhiều bất lợi cho sản xuất các loại lúa thơm nên nông dân chủ yếu tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Riêng tỷ lệ giống IR50404 chiếm khoảng 12% diện tích.

Thúc đẩy sản xuất lúa gạo ngon

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, cơ cấu giống lúa gieo cấy tại ĐBSCL trong vụ đông xuân 2019-2020, với nhóm lúa thơm, đặc sản như Đài Thơm 8, RVT, Tài Nguyên, Nàng Hoa, Jasmine 85… chiếm tỷ lệ 45,02% tổng diện tích, tăng 12,62% so với vụ đông xuân 2018-2019. Nhóm lúa chất lượng cao (OM 5451, OM 4900, OM 7347, OM 6976, OM 2517…) chiếm tỷ lệ 28,46%, giảm 7,65% so với vụ đông xuân trước do nông dân chuyển sang sản xuất nhóm lúa thơm, đặc sản. Nhóm lúa chất lượng trung bình (IR 50404, OM 576, OC 10…) chiếm tỷ lệ 12,6%, giảm 3,92% so với vụ đông xuân 2018-2019.

Sau thắng lợi của vụ lúa đông xuân với tổng diện tích gieo trồng hơn 1,54 triệu héc-ta, lúa hè thu 2020 tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL cũng đã bước vào thu hoạch đạt năng suất khá tốt và giá bán cao, hứa hẹn tiếp tục có vụ mùa bội thu với tổng diện tích gieo trồng dự kiến đạt hơn 1,53 triệu héc-ta. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, qua báo cáo sơ bộ từ các địa phương về tình hình sử dụng giống trong vụ hè thu 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng nhóm giống lúa thơm và đặc sản tiếp tục có xu hướng gia tăng và ở mức cao, tỷ lệ sử dụng nhóm giống chất lượng trung bình giảm. Vụ hè thu 2019, nhóm giống lúa chất lượng trung bình chiếm tỷ lệ 19% thì vụ hè thu năm nay chiếm tỷ lệ 16,2% trên tổng diện tích.

Vụ thu đông 2020, ĐBSCL phấn đấu gieo trồng đạt 800.000ha lúa. Trong đó, lúa được dự kiến xuống giống gieo trồng trong tháng 6 với khoảng 286.000ha, tháng 7 khoảng 178.000ha, tháng 8 là 214.000ha và tháng 9 khoảng 131.000ha. Về cơ cấu giống lúa, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương tiếp tục quan tâm sản xuất các loại lúa gạo thơm ngon, đặc sản để đáp ứng các phân khúc thị trường ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh việc tập trung sản xuất các giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu cần chiếm tỷ lệ 50-60% (OM 5451, OM 6976, OM 18, OM 7347, OM 4900…), cần ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỷ lệ 20-30% trong cơ cấu giống: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD 20, Đài Thơm 8… Hạn chế tỷ lệ sử dụng giống lúa nếp và nhóm giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576 xuống còn khoảng 10-20%.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết