01/04/2019 - 12:16

Tập trung phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi 

Là địa phương phát triển theo hướng đô thị sinh thái và đặc biệt là đẩy mạnh khai thác du lịch, huyện Phong Ðiền rất quan tâm công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ở địa phương…

Đàn heo của gia đình bà Nguyễn Thị Sáu đang được chăm sóc và phát triển tốt. Ảnh: Khánh Linh

Tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện xấp xỉ 8.000 con, trong đó có khoảng 7.000 con heo, đàn gia cầm khoảng 150.000 con, đặc điểm chung là được nuôi nhỏ lẻ tại các hộ gia đình (ước tính 70% đối với gia súc và gia cầm gần 80%). Để đàn heo, gà, vịt… phát triển tốt, bà con nơi đây cơ bản có sự liên kết tốt với mạng lưới cán bộ thú y cơ sở.

Cụ thể như trường hợp gia đình của bà Nguyễn Thị Sáu ở xã Mỹ Khánh, một hộ chuyên chăn nuôi heo hàng chục năm qua. Trước đây, đàn heo trong chuồng thường vào khoảng hàng trăm con. Mấy năm nay, do tuổi cao vợ chồng bà Sáu chỉ nuôi khoảng 50, 60 con heo mỗi đợt. “Dù nuôi hàng trăm con hay vài chục con, gia đình tôi luôn tranh thủ sự hỗ trợ của cán bộ Thú y địa phương trong việc phòng, chống dịch bệnh cho đàn heo, chưa bao giờ tự ý mua bất cứ loại thuốc nào để chích hay cho uống. Mấy chuyện này đều làm theo hướng dẫn và giúp đỡ của cán bộ Thú y” – bà Sáu cho hay.

Đến thời điểm này, đàn vật nuôi nói chung trên địa bàn đang được chăm sóc, phát triển tốt, chưa phát hiện xảy ra dịch bệnh. Tuy nhiên, là huyện nông thôn mới đang trên đà tiến lên đô thị sinh thái, đặc biệt là địa chỉ được đông đảo du khách trong nước lẫn quốc tế chọn tham quan, nghỉ dưỡng khi đến Cần Thơ, huyện Phong Điền không chủ quan mà chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi của huyện. Nhất là với tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn biến theo hướng phức tạp như hiện nay, công tác phòng, chống dịch bệnh nói chung trên gia súc, gia cầm càng được huyện tập trung thực hiện quyết liệt. Cụ thể hiện nay là triển khai chặt chẽ “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2019”. Mạng lưới thú y từ huyện đến cơ sở đẩy mạnh phối hợp thực hiện tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chợ có buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật... Ông Dương Đăng Khoa, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phong Điền khuyến cáo thêm đối với bà con đang chăn nuôi gia súc, gia cầm là chăm sóc tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi, đồng thời, việc quan trọng nữa là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc–xin đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt.

Đối với từng cơ sở kinh doanh du lịch của huyện cũng luôn chú trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi đơn vị đều có biện pháp kiểm soát kỹ lưỡng nguyên liệu đầu vào, bao gồm các sản phẩm từ động vật. Như Làng du lịch Mỹ Khánh, một trong những đơn vị kinh doanh du lịch quy mô lớn của thành phố, thậm chí ở ĐBSCL, rất chú trọng kiểm soát hàng nông sản phục vụ ẩm thực tại chuỗi nhà hàng trực thuộc đơn vị. Ông Phạm Minh Sáng - Phó Giám đốc Làng du lịch Mỹ Khánh, huyện Phong Điền cho biết: Ban Giám đốc yêu cầu các nhà bếp mua hàng nông sản từ heo, bò, gà vịt, rau quả… từ các siêu thị, như là một khâu góp phần lựa chọn sản phẩm chất lượng, sạch bệnh, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho khách hàng…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền, nhấn mạnh: Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo cho các ngành, nhất là ngành nông nghiệp, ngành Thú y, chính quyền các xã, thị trấn trong việc tập trung đồng bộ các biện pháp, nỗ lực không để xảy ra dịch bệnh, kể cả dịch tả heo châu Phi. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân phối hợp chặt chẽ với cán bộ thú y, nếu có dịch bệnh phải báo ngay cho cán bộ thú y gần đó để kịp thời xử lý…

Tin tưởng rằng, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ngành, sự phối hợp tốt của các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm, đàn vật nuôi nói chung ở huyện Phong Điền sẽ tiếp tục phát triển tốt, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng địa phương cũng như phục vụ tốt du khách gần xa.

Hồ Thức

Chia sẻ bài viết