07/09/2018 - 05:11

Tập trung nguồn lực tái cơ cấu các tổ chức tín dụng 

Thời gian qua, ngành ngân hàng quyết liệt thực hiện nhiệm vụ “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” theo Quyết định 1058/QĐ-TTg (ngày 19-7-2017) của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1058). Đồng thời, thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 (ngày 21-6-2017) của Quốc hội về “Thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”. Việc triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng Đề án 1058 và Nghị quyết 42 đã đạt kết quả bước đầu trong thực hiện tái cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD; đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo ổn định, an toàn, lành mạnh thị trường tài chính, tiền tệ.

Quyết liệt xử lý nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), để triển khai thành công Đề án 1058 và Nghị quyết 42, NHNN đã tập trung hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đặc biệt là về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của các TCTD đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Đến nay, có 54/63 tỉnh thành phố và 8/12 bộ, ngành Trung ương đã gửi NHNN chương trình, kế hoạch hành động để triển khai Đề án 1058. Các bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai Nghị quyết 42 và UBND các tỉnh, thành phố đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành trên địa bàn phối hợp trong công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu. Đến cuối tháng 6-2018, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng 8,42% so với cuối năm trước; huy động vốn tăng 8,57%, tín dụng tăng 7,88%; dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt mức 63,5 tỉ USD. Lãi suất được chủ động điều hành phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô. Chính sách tài khóa và và các chính sách kinh tế vĩ mô khác được phối hợp chặt chẽ nhằm ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chất lượng tín dụng được nâng cao; tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ và tốc độ tăng đã chậm lại.

Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Cần Thơ. Ảnh: MINH HUYỀN

Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các TCTD đã tập trung xây dựng phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020. Đến cuối tháng 6, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống các TCTD đạt 12,27%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 18,8%. Các TCTD cơ bản đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng theo quy định của NHNN. Nghị quyết 42 bước đầu đã tạo điều kiện quan trọng góp phần xử lý nợ xấu tại các TCTD và đến cuối tháng 6-2018, tỷ lệ nợ xấu so với tổng nợ là 2,09% (thời điểm cuối tháng 6-2016 là 2,46%). Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), cho biết: Triển khai Nghị quyết 42, VAMC đã phân loại và phân tích trên 26.000 khoản nợ xấu mà VAMC đã mua với dư nợ của các khoản nợ xấu từ 10 tỉ đồng trở lên để nắm rõ thực trạng của các khoản nợ xấu để đưa ra các phương án, biện pháp xử lý. Sau 1 năm triển khai, Nghị quyết 42 và Đề án 1058 đã giúp VAMC và các TCTD khẳng định quyển chủ nợ trong quan hệ dân sự kinh tế, tức là có vay và có trả. Tính từ 15-8-2017 đến 15-8-2018, VAMC và các TCTD đã thu hồi được gần 100.000/277.000 tỉ đồng nợ gốc VAMC đã mua và đang quản lý. Tốc độ, hiệu quả xử lý nợ xấu nâng lên rõ rệt. Nghị quyết 42 tạo động lực khuyến khích các TCTD và VAMC mua bán nợ theo cơ chế thị trường.

Nâng cao trách nhiệm

Tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42 và Đề án 1058 của NHNN, nhiều ý kiến cho rằng, khi Nghị quyết 42 được ban hành, xã hội đã có cách nhìn nhận tích cực hơn trong vấn đề xử lý nợ xấu. Nợ xấu không chỉ phát sinh từ nguyên nhân chủ quan từ các ngân hàng mà còn từ thị trường, từ tình hình sản xuất kinh doanh của khách hàng bị sụt giảm, nhiều doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thua lỗ, phá sản. Một số khách hàng bất hợp tác, thiếu thiện chí trong trả nợ ngân hàng. Do đó, trách nhiệm xử lý nợ xấu không phải của riêng ngành ngân hàng mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, ban, ngành các cấp và của khách hàng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN, Vietcombank đã xây dựng và được phê duyệt phương án cơ cấu lại của Vietcombank gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020. Đồng thời, ban hành kế hoạch chi tiết triển khai các giải pháp tập trung về xử lý nợ xấu, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo nợ xấu trong tỷ lệ an toàn, nâng cao vốn điều lệ của hệ thống. Qua 1 năm, hệ thống Vietcombank đã xử lý được một lượng lớn nợ tồn đọng, bao gồm nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng. Vietcombank đã xử lý được 6.700 tỉ đồng nợ xấu theo Nghị quyết 42. Dự kiến đến năm 2020, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank được kiểm soát quanh ngưỡng 1% đến dưới 1%. Vietcombank đang tích cực nâng cao hiệu quả điều hành, tiếp tục chuẩn hóa các mô hình tổ chức theo hướng tinh gọn, triển khai các dự án nâng cao chất lượng thông tin, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế một cách tốt nhất…

NHNN đánh giá nợ xấu đã được cơ cấu lại và tổng nợ xấu đã giảm khá mạnh nhưng vẫn còn ở mức cao nên đòi hỏi những nỗ lực và quyết tâm rất lớn của từng TCTD. Theo ông Lê Minh Hưng, Thống đốc NHNN Việt Nam, xử lý nợ xấu vừa qua có thuận lợi nhưng vẫn còn những hạn chế, thách thức, vướng mắc trong công tác thu giữ tài sản, công tác thi hành án, những vấn đề liên quan đến tranh chấp và xử lý theo trình tự, thủ tục rút gọn,… Tới đây, NHNN sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ để phối hợp với Tòa án tối cao, Viện Kiểm sát, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các TCTD. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của các TCTD. Các TCTD nào chưa hoàn thành phê duyệt Đề án cơ cấu lại, Hội đồng quản trị, Ban điều hành của các TCTD phải tiếp tục hoàn thành Đề án để trình NHNN báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai. Bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay biến động mạnh, tác động trực tiếp đến nền kinh tế, lên hoạt động ngân hàng cũng như công tác điều hành của NHNN Trung ương. Chính vì vậy, các TCTD, các đơn vị chức năng của NHNN phải hết sức chủ động trong công tác dự báo, nắm tình hình và tham mưu các kịch bản ứng phó linh hoạt, kịp thời để điều hành theo đúng mục tiêu, giữ được ổn định nền tảng vĩ mô để tạo điều kiện cho các TCTD thực hiện tốt các hoạt động kinh doanh cũng như cơ cấu lại.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết