14/12/2014 - 16:29

Phòng Nông nghiệp Huyện Thới Lai

Tập trung giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất

Hai năm qua, phong trào cải tạo vườn tạp, vườn cây ăn trái kém hiệu quả ở huyện Thới Lai được người dân địa phương hưởng ứng tích cực. Diện tích vườn được cải tạo hàng năm luôn vượt kế hoạch của Nghị quyết Huyện ủy đề ra. Kết quả này có phần đóng góp không nhỏ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ giống cây trồng cho bà con.

Tham quan một số mô hình cải tạo vườn tạp trong huyện Thới Lai, chúng tôi nghe bà con địa phương khen ngợi cán bộ Phòng NN&PTNT huyện đã nhiệt tình hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân cải tạo và trồng được những vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế. Ghé thăm gia đình ông Nguyễn Thành Phước, ở ấp Trường Trung, xã Trường Thành đúng lúc ông đang chăm sóc vườn sầu riêng mới trồng khoảng 4 tháng. Đứng giữa vườn cây xanh tốt, ông Phước hồ hởi nói: "Do không có vốn nên trước đây 4 công đất vườn chủ yếu là cây tạp, cỏ mọc tràn lan. Vừa qua, được cán bộ khuyến nông huyện và xã đến nhà vận động, hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ cây giống, gia đình tui quyết định cải tạo, lên bờ trồng 80 gốc sầu riêng".

Hòa cùng niềm phấn khởi của bà con, đồng chí Lê Thị Cẩm Nhung, Trưởng trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Hai năm qua, Phòng NN&PTNT huyện đã đề nghị UBND huyện trích hơn 400 triệu đồng hỗ trợ 60% giống cây cho 517 hộ gia đình trong huyện cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả. Phòng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn giúp bà con nắm bắt kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn bà con phát hiện sâu bệnh, chăm bón cây trồng… Nhờ vậy, năm 2013 và năm 2014, toàn huyện đã cải tạo được gần 300ha vườn tạp, vườn kém hiệu quả kinh tế để trồng các loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế cao, như: sầu riêng, vú sữa, xoài Thái, dừa…

Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thới Lai kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho anh Nguyễn Thành Phước, xã Trường Thành.

Nói về việc đẩy mạnh hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Văn Bé Ba, Bí thư Chi bộ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Trong đợt kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" (NQTW4) diễn ra cuối năm 2012, Chi ủy và lãnh đạo phòng NN&PTNT đã thẳng thắn nhìn nhận, việc sản xuất nông nghiệp tuy đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng việc cải tạo vườn tạp chưa đạt kế hoạch, chưa có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả. Đây là khuyết điểm thuộc về trách nhiệm của Chi ủy và lãnh đạo Phòng. Vì thế, sau đợt kiểm điểm, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả, Chi ủy và lãnh đạo Phòng đã nghiên cứu tham mưu Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, vận động nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình kinh tế mới. Đồng chí Bé Ba hướng dẫn chúng tôi đến tham quan vùng chuyên canh màu của bà con thị trấn Thới Lai vừa hình thành cách đây vài năm. Ngắm nhìn cánh đồng rộng 26ha chuyên canh màu, đồng chí Nguyễn Văn Bé Ba nhớ lại: "Trước đây, toàn bộ diện tích này bà con trồng lúa. Nhận thấy vùng đất này trồng lúa kém hiệu quả nên Phòng đã bàn bạc, xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền địa phương vận động bà con chuyển đổi sang trồng màu. Phòng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, đề nghị huyện hỗ trợ giống cây trồng, nên bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng". Không riêng ở thị trấn Thới Lai, vài năm nay, với sự hỗ trợ tích cực của Phòng NN&PTNT huyện, bà con các xã, thị trấn trong huyện đã mạnh dạn chuyển đổi sản xuất. Nhờ vậy, đến nay toàn huyện có 2.380ha đất trồng dưa hấu, cà phổi, ớt, bầu, bí, rau xanh, mè, đậu xanh... Ước tính, mỗi héc-ta trồng dưa hấu bà con lời gấp 4 lần trồng lúa, mỗi héc-ta trồng các loại rau màu khác bà con lời gấp đôi trồng lúa. Cũng nhờ nỗ lực của Phòng NN&PTNT huyện, hai năm qua, trong huyện bước đầu đã hình thành một số mô hình kinh tế hiệu quả như mô hình sử dụng chế phẩm sinh học hủy rơm rạ để tránh sâu bệnh cho lúa, mô hình nuôi lươn bằng lót bạc, mô hình nuôi cá trong mương vườn;… huyện đã xây dựng được 5.617 ha cánh đồng mẫu lớn.

Đến huyện Thới Lai những ngày này, chúng tôi chứng kiến nhiều tuyến kinh thủy lợi tạo nguồn đang được khẩn trương nạo vét để tưới tiêu cho đồng ruộng và phục vụ nhu cầu chuyên chở hàng hóa của người dân. Đồng chí Nguyễn Văn Bé Ba nói: "Trước đây, việc kiểm tra, giám sát trong lĩnh vực xây dựng cơ bản của Phòng chưa tốt, dẫn đến một số công trình thủy lợi tạo nguồn khi nạo vét không bảo đảm kỹ thuật; việc tham mưu của Phòng chưa kịp thời nên một số kinh, rạch bồi lắng không bảo đảm tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa gây bức xúc cho bà con. Đây là những khuyết điểm được Chi ủy và lãnh đạo Phòng chỉ ra trong đợt kiểm điểm theo NQTW4". Để khắc phục khuyết điểm này, ngay sau đợt kiểm điểm, Chi ủy và lãnh đạo phòng đã khảo sát, kiểm tra và yêu cầu các đơn vị thi công tổ chức nạo vét lại những công trình thực hiện không đúng kỹ thuật theo hợp đồng, đồng thời phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành khảo sát lập danh sách những tuyến kinh nào thực sự bức xúc để đề nghị UBND huyện và thành phố cấp kinh phí tổ chức nạo vét. Từ năm 2013 đến nay, Phòng đã đề nghị tổ chức nạo vét 75 công trình thủy lợi tạo nguồn trên địa bàn, tạo sự phấn khởi cho bà con. Đến tham quan tuyến kinh Trà An, ở xã Định Môn, tôi nhận thấy nhiều bà con rất phấn khởi khi được huyện đầu tư kinh phí nạo vét sau bao năm mòn mỏi chờ đợi. Ông Nguyễn Văn Hùng, người dân sống cặp tuyến kinh, bộc bạch: "Tuyến kinh này đã bồi lắng nhiều năm, vào mùa khô thiếu nước sản xuất, ghe xuồng đi lại khó khăn. Đầu năm nay huyện tổ chức nạo vét bà con ai cũng mừng".

Hai năm qua, Chi ủy và lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai cũng đã phân công cụ thể cho cán bộ phụ trách từng địa bàn xã và giao trách nhiệm cho cán bộ phụ trách địa bàn phải thực hiện để khắc phục tình trạng cán bộ ít đi cơ sở được chỉ ra trong đợt kiểm điểm theo NQTW4. Anh Trần Quốc An, cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông, nói: "Theo phân công của lãnh đạo đơn vị, đầu vụ sản xuất tôi xuống cơ sở từ 3-5 ngày để hướng dẫn bà con xuống giống và ứng dụng kỹ thuật "1 phải, 6 giảm" trong sản xuất, giữa vụ đi xuống cơ sở từ 5-7 ngày để giúp bà con phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời… Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, thường gặp gỡ, hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, chăm bón cây trồng…". Nhờ sự sâu sát của đội ngũ cán bộ Phòng, 2 năm qua, trên địa bàn huyện không xảy ra bệnh cháy rầy trên lúa, không có bệnh dịch lớn xảy ra đối với gia súc, gia cầm trên diện rộng. Cũng nhờ phân công cán bộ chịu trách nhiệm trên địa bàn phụ trách nên việc kiểm tra, giám sát của Phòng đối với cơ sở chặt chẽ hơn, không để xảy ra tình trạng cán bộ xã, ấp lập khống số lượng diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại do thiên tai để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước và thực hiện cấp phát không đầy đủ cho nhân dân, gây dư luận không tốt như trước đây.

Cùng với khắc phục những khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chi ủy và lãnh đạo Phòng tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; luôn tạo điều kiện để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập đầy đủ các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Chi ủy và lãnh đạo phòng cũng đã cử 2 cán bộ đi học sau đại học về thủy sản và nông học, cử 2 đồng chí đi học trung cấp lý luận chính trị.

Nhờ triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong khắc phục khuyết điểm, Phòng NN&PTNT huyện Thới Lai đã góp phần tạo sự chuyển biến mới trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp cho nông dân. Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện mở rộng tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015, nhiều đại biểu đã đánh giá cao vai trò của Phòng NN&PTNT huyện trong phát triển kinh tế của huyện, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 26,21 triệu đồng, giảm hộ nghèo của huyện xuống còn 5,11%. Đồng chí Nguyễn Văn Bé Ba nói: "Thời gian tới, Phòng tiếp tục hỗ trợ bà con đẩy mạnh cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả; hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa… để từng bước giảm nghèo, nâng cao mức sống".

Bài, ảnh: AN NGHỆ

Chia sẻ bài viết