Là trường đại học (ĐH) trực thuộc UBND TP Cần Thơ, 5 năm qua, Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ (KT-CN) Cần Thơ đã đầu tư các nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo. Nhìn lại chặng đường 5 năm qua, Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết:

- Trường ĐH KT- CN Cần Thơ thành lập trên cơ sở nâng cấp từ Trung tâm ĐH Tại chức Cần Thơ năm 2013, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho thành phố và ĐBSCL. 5 năm qua, trường đã thực hiện nhiều giải pháp để xây dựng các nguồn lực đảm bảo phục vụ dạy học, nghiên cứu khoa học.
Cụ thể, so với năm đầu thành lập, cán bộ, viên chức (CBVC), giảng viên của trường tăng cả về số lẫn chất lượng. Trường hiện có gần 200 CBVC, giảng viên. Giảng viên có trình độ sau ĐH chiếm trên 88%. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của trường không ngừng phát triển cơ bản đáp ứng quy mô trên 6.200 sinh viên, học viên các bậc, hệ đào tạo. Trường hiện có 2 cơ sở: Cơ sở 1 (256 Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa, quận Ninh Kiều); cơ sở 2 (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy).
Xin thầy cho biết thêm một số thành tựu nổi bật cũng như khó khăn của trường trong 5 năm qua?
- Thời gian qua, trường đã xây dựng đội ngũ giảng viên có trình độ sau ĐH, đáp ứng yêu cầu đào tạo, nhất là phục vụ mở mã ngành mới. Trong 5 năm, trường mở được 11 mã ngành ĐH, có một số ngành đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố, như: Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử; Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa;… Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường không ngừng được đầu tư, phát triển tại cơ sở 1 như: Thư viện điện tử được cải tạo, 2 khối phòng học và phòng thí nghiệm 1 trệt 6 lầu, với tổng kinh phí gần 80 tỉ đồng. Công trình cho thấy sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo thành phố.
Để nâng cao chất lượng đào tạo 11 ngành của trường, cần phải có một số thiết bị thực hành. Năm 2017, trường đã triển khai gói thầu thiết bị 3,5 tỉ đồng và đang chuẩn bị tiếp gói thầu khoảng 11 tỉ đồng và 2,5 tỉ đồng từ nguồn phát triển sự nghiệp của trường. Như vậy, cuối năm nay, trường sẽ đấu thầu gói trang thiết bị thực hành khoảng 13,5 tỉ đồng; nhằm hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ khối ngành kỹ thuật, công nghệ. Phấn khởi nhất là trong tháng 10-2017, trường sẽ có khóa sinh viên đầu tiên ra trường phục vụ cho thành phố và các địa phương vùng ĐBSCL.
Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH KT-CN Cần Thơ. Ảnh: B.NG
Trong quá trình hoạt động, trường vẫn còn một số khó khăn. Mặc dù thành phố đang xúc tiến giải phóng mặt bằng (giai đoạn 1) 5,7ha trong tổng diện tích 17,69ha ở cơ sở 2, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất, chậm so với kế hoạch. Vì thế, trường chưa có khu vui chơi, giải trí văn- thể- mỹ và ký túc xá cho sinh viên. Về đội ngũ giảng viên, tuy trường đã cử nhiều đợt cán bộ, giảng viên đi học tiến sĩ ngoài nước và trở về phục vụ, nhưng vẫn chưa đủ đáp ứng yêu cầu phát triển của trường. Sau cùng là thách thức từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, bởi với tốc độ phát triển trình độ công nghệ, kỹ thuật hiện nay đòi hỏi các trường ĐH, cao đẳng phải có danh mục ngành, nội dung chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy đổi mới, nhằm cung cấp nguồn nhân lực theo kịp sự phát triển chung của khu vực và thế giới. Thế nhưng, để làm được điều này rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ Trung ương và địa phương về chủ trương chính sách, chiến lược.
Như vậy, trường đã định hướng phát triển như thế nào để vượt qua thách thức, thưa thầy?
- Quan điểm của trường trong định hướng phát triển sắp tới vẫn là nâng cao chất lượng đội ngũ CBVC, nhất là giảng viên; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; cũng như chất lượng đào tạo phải đạt tốt nhất (phương pháp giảng dạy, nội dung chương trình đào tạo…). Phấn đấu trong năm 2018, trường đăng ký Bộ GD&ĐT kiểm định chất lượng giáo dục cho các ngành đào tạo của trường theo tiêu chuẩn mới của Cục Khảo thí kiểm định chất lượng. Với xu thế hội nhập, trường sẽ chọn một số ngành đào tạo để kiểm định chất lượng giáo dục theo chuẩn AUN trong 5-10 năm tới. Định hướng tới, trường phấn đấu đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục đối với ngành kỹ thuật theo chuẩn ABET (Hoa Kỳ). Đến 2030, trường trở thành trường có uy tín cả nước và khu vực về khối ngành kỹ thuật- công nghệ. Để thực hiện đạt mục tiêu này, ngoài nỗ lực của trường rất cần sự hỗ trợ từ lãnh đạo, các sở, ngành thành phố. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cho thành phố và ĐBSCL.
Xin cảm ơn thầy!
B.Kiên (Thực hiện)