17/10/2018 - 10:56

Tập trung bảo vệ các cồn trên sông Hậu trong những tháng triều cường, nước lũ đổ về 

Là trung tâm ĐBSCL, TP Cần Thơ có nhiều cồn trên sông Hậu, với cơ sở hạ tầng kiên cố, được bảo vệ bởi các tuyến đê bao, bờ bao. Tuy nhiên, thời gian qua, các cồn trên sông Hậu vẫn bị ảnh hưởng các đợt triều cường kết hợp lũ đầu nguồn đổ về gây vỡ bờ bao, ngập lụt vườn cây ăn trái, thiệt hại tài sản, ảnh hưởng sinh hoạt của người dân... Chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tại các cồn trên sông Hậu là giải pháp mà ngành chức năng TP Cần Thơ và người dân quan tâm thực hiện thời gian tới.

HIỂM HỌA THIÊN TAI

Những ngày đầu tháng 10-2018, chúng tôi theo chân lãnh đạo TP Cần Thơ và Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn (PCTT-TKCN) thành phố khảo sát, kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, triều cường ở các cồn trên sông Hậu. Đến cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), tại điểm đầu cồn, nước sông Hậu cuồn cuộn chảy, đe dọa bờ đê dọc theo đầu cồn. Các phương tiện như xà lan, xe cuốc, cần cẩu… túc trực, sẵn sàng ứng cứu nếu sự cố sạt, vỡ đê bao xảy ra. Ở đây, có những đoạn đê bao được gia cố bằng cách đóng cừ tràm, dừa, chắn tôn, tấn bao cát... để bảo vệ đê, bảo vệ vườn cây ăn trái, ao nuôi thủy sản tại cồn. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cồn Tân Lộc có diện tích tự nhiên trên 3.260ha, tuy nhiên do vị trí địa lý nằm giữa sông Hậu nên hằng năm tình trạng sạt lở diễn ra càng nghiêm trọng, do dòng chảy từ thượng nguồn đổ về vào những tháng mùa nước. Hiện Tân Lộc có tổng chiều dài đê bao có nguy cơ sạt lở là 4,26km, số nhà cần di dời là 25 căn, 27 ao cá và 119 người cần di dời...

Đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ (thứ 2, từ phải sang) kiểm tra công tác gia cố, tôn cao đê bao ở cồn Sơn.

Ông Trương Tiến Lực, Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, cho biết: “Khu vực đầu cồn Tân Lộc xảy ra sạt lở từ năm 1999 đến 2017 với tổng chiều dài trên 4km, làm mất hoàn toàn 3,05ha đất của 6 hộ dân. Hiện nay, tình trạng sạt lở tại đầu cồn Tân Lộc đang diễn ra và có khả năng tiếp tục sụp đổ hoàn toàn 3ha đất của 5 hộ nuôi cá tra, trồng cây ăn trái và sản xuất kinh doanh… Do đó, địa phương rất cần sự đầu tư của thành phố, Trung ương trong việc thực hiện công trình ứng phó, bảo vệ sản xuất, kinh doanh cho người dân tại cồn Tân Lộc”.

Tại cồn Sơn, cồn Khương (quận Bình Thủy, quận Ninh Kiều) những ngày qua cũng xảy ra tình trạng vỡ đê bao, nước tràn đê gây ngập úng, thiệt hại tài sản, ảnh hưởng sản xuất của người dân. Riêng ở khu vực 3, cồn Khương, thuộc phường Cái Khế (quận Ninh Kiều) con nước ngày 8 và 9-10-2018 làm vỡ 2 đoạn đê bao dài khoảng 10m, ngang 2,5m. Nước tràn ngập vườn cây ăn trái, ao nuôi cá của các hộ dân. Chính quyền địa phương kết hợp người dân kịp thời dùng lưới rào chắn, tránh thất thoát cá; huy động lực lượng cứu hộ và thuê đơn vị thi công đến xây dựng, khắc phục sự cố vỡ đê. Trên 20 hộ dân bị ảnh hưởng lũ lụt do vỡ đê cũng được di dời người, tài sản đến nơi ở ổn định, hỗ trợ xây dựng chuồng trại nuôi tạm gia súc, gia cầm. Ở quận Bình Thủy, lực lượng cứu hộ trên 150 người tham gia gia cố, tôn cao đê bao và túc trực thường thường xuyên nhằm ứng cứu kịp thời khi sự cố xấu xảy ra, bảo vệ an toàn cho toàn tuyến đê bao cồn Sơn…

Ông Nguyễn Quý Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ, cho biết: “Năm nay dù lũ xảy ra sớm hơn mọi năm, đỉnh lũ trên sông Hậu tại Cần Thơ vượt mức lịch sử, nhưng người dân vẫn được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, từ tháng 8 đến nay, thành phố có khoảng 37,15ha lúa thu đông bị giảm năng suất do ngập; 91,5ha rau màu bị ngập; 113m đê bao bị thiệt hại; 8,5 tấn thủy sản bị thiệt hại… TP Cần Thơ đang có kế hoạch hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng thiên tai khắc phục hậu quả”.

GIẢI PHÁP GIẢM NHẸ

Theo UBND quận Thốt Nốt, trên cồn Tân Lộc vẫn còn xuất hiện nhiều điểm sạt lở, đe dọa tính mạng, nhà cửa của người dân và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Để hạn chế tình trạng trên, quận Thốt Nốt kiến nghị thành phố đầu tư thực hiện Dự án xây dựng bờ kè sông Hậu đầu cồn Tân Lộc. Theo đó, công trình xây dựng kiên cố với tổng chiều dài trên 4km, kinh phí đầu tư trên 183,3 tỉ đồng. Ông Trương Tiến Lực cho biết thêm: “Dự án này được thực hiện, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản được bảo vệ, hạn chế sụp đổ. Đặc biệt, dự án thực hiện sẽ góp phần bảo tồn hệ sinh thái, kết hợp phát triển du lịch tại cồn Tân Lộc…”. 

Trung tâm Khí tượng Thủy văn TP Cần Thơ, dự báo: từ nay đến cuối năm 2018, TP Cần Thơ sẽ xuất hiện các đợt triều cường tương đối mạnh vào giữa tháng 9 âm lịch; đầu và giữa tháng 10 âm lịch tới. Vào các đợt triều cường này, mực nước lên cao có khả năng vượt mức báo động III (1,90m), các sở ngành chức năng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp, UBND các quận, huyện cần lưu ý và thực hiện các việc như: tiếp tục gia cố đê bao, thực hiện bơm tát rút nước để đảm bảo sản xuất tại các cồn trên sông Hậu; xuống giống vụ lúa đông xuân 2018-2019; rút kinh nghiệm trong các đợt triều cường vừa qua, các địa phương quan tâm chỉ đạo và khuyến cáo đơn vị chuyên môn, người dân kiểm tra đê bao, tránh tình trạng vỡ đê, nước tràn ngập gây thiệt hại vườn cây ăn trái, ao nuôi thủy sản tại các cồn...

Mới đây, trong buổi khảo sát, kiểm tra công tác bảo vệ đê bao, ứng phó ngập lụt và khắc phục hậu quả do triều cường, nước lũ gây ra tại cồn Khương, cồn Sơn, ông Đỗ Văn Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao sự chủ động của TP Cần Thơ trong công tác ứng phó cũng như khắc phục sự cố do triều cường, nước lũ gây ra. Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thủy lợi, dự báo triều cường và nước lũ còn diễn biến phức tạp trong tháng 10 và 11-2018. Vì vậy, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ cần tiếp tục rà soát lại các vị trí xung yếu trên các cồn để chủ động gia cố, tránh sự cố xấu có thể xảy ra. Thời gian tới, Tổng cục Thủy lợi sẽ phối hợp với các địa phương triển khai Dự án quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL theo Nghị định số 120 của Chính phủ. Trong đó, chú trọng đến các công trình kiểm soát lũ cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, thích ứng với điều kiện của từng vùng, từng khu vực. Tổng cục Thủy lợi sẽ bám sát và hỗ trợ Dự án chống ngập tại TP Cần Thơ để dự án thực hiện thuận lợi hơn, góp phần bảo vệ thành phố an toàn, đảm bảo mỹ quan đô thị thời gian tới…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các quận Ninh Kiều, Bình Thủy về tình hình bảo vệ các cồn trên sông Hậu, đồng chí Trần Quốc Trung, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, chỉ đạo: “Các địa phương cần tăng cường lực lượng gia cố, tôn cao và khắc phục các đoạn đê bao bị vỡ, thấp, nhằm tránh thiệt hại tài sản của người dân, bảo vệ vườn cây ăn trái, ao nuôi thủy sản trong những ngày triều cường, lũ lụt diễn ra; đặc biệt khẩn trương di dời người già, trẻ em ở các cồn, vùng trũng thấp đến nơi ở an toàn, cao ráo; khẩn trương khôi phục sạt, vỡ đê trong những ngày nước rút… Riêng ở cồn Sơn, quận Bình Thủy cử 1 phó chủ tịch UBND túc trực thường xuyên để kịp thời chỉ đạo công tác ứng cứu nếu sự cố xấu xảy ra, vì đây là điểm du lịch sinh thái kết hợp phát triển vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản… của địa phương”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết