23/03/2012 - 15:17

TRƯỜNG CAO ĐẲNG KINH TẾ - KỸ THUẬT CẦN THƠ

Tạo sức hút cho khối ngành nông nghiệp

Đại diện Phòng Đào tạo Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên, học sinh.

Với thế mạnh hơn 30 năm đào tạo khối ngành kinh tế, nông nghiệp, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật (CĐ KT-KT) Cần Thơ luôn xác định các ngành nông nghiệp là mũi nhọn đào tạo của trường. Thời gian qua, trường đã đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo nhất là ở khối ngành kỹ thuật nông nghiệp.

Anh Nguyễn Trung Hữu, học viên lớp Cao đẳng liên thông Chăn nuôi K9 2010, cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Trung cấp Chăn nuôi thú y khóa 14 (khóa 2003-2005), Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, tôi về công tác tại Trạm Kiểm dịch động vật tỉnh Hậu Giang. Trong quá trình công tác, tôi thấy cần phải cập nhật thêm kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, để phục vụ công việc ngày càng tốt hơn. Khi biết trường mở lớp liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, tôi đăng ký học ngay. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành của trường đầy đủ, thầy cô giảng dạy nhiệt tình nên tôi an tâm học tập”. Cùng lớp với anh Hữu, anh Lý Huỳnh Trọng, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Chăn nuôi thú y (khóa 2002-2004), Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, anh Trọng mở cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc tại tỉnh Hậu Giang. Theo anh Trọng, kiến thức học từ trường, anh đã ứng dụng khá hiệu quả vào kinh doanh, cũng như biết được nhiều bệnh liên quan đến gia súc, gia cầm... Nhờ vậy, việc kinh doanh của anh phát triển khá tốt. Anh Trọng bộc bạch: “Tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ngày càng phức tạp, đòi hỏi bản thân phải cập nhật kiến thức thường xuyên để việc kinh doanh đạt hiệu quả hơn, tạo niềm tin cho khách hàng. Vì vậy, tôi đăng ký học lớp liên thông này...”.

Theo Thạc sĩ Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, hằng năm, trường đầu tư trên 1 tỉ đồng để mua sắm trang thiết bị thực hành, thực tập phục vụ công tác đào tạo. Trong đó, khoảng 50% kinh phí đầu tư các ngành kỹ thuật nông nghiệp. Hiện nay, thành phố đã cấp kinh phí để bồi hoàn giải phóng mặt bằng 8,4 ha (xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Nhờ vậy, trường đã xây dựng nhiều mô hình phục vụ cho khối ngành nông nghiệp.

Song song đó, trường còn thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giảng viên. Hiện nay, trường có 186 cán bộ, công chức viên chức (trong đó có 152 giảng viên). Số giảng viên có trình độ sau đại học chiếm trên 70%, trong đó có 10 tiến sĩ, 12 nghiên cứu sinh. Riêng 23 giảng viên Khoa Kinh tế - Nông nghiệp đều có trình độ thạc sĩ trở lên. Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyên, Trưởng Khoa Kinh tế - Nông nghiệp, nói: “Cán bộ, giảng viên đi học được hỗ trợ kinh phí học tập. Những giảng viên chưa hoặc đã học xong sẽ choàng gánh công việc cho những người đang học. Các cán bộ, giảng viên sẽ luân phiên nhau để cùng học tập nâng cao trình độ chuyên môn”.

Năm học 2012-2013, trường dự kiến tuyển 2.400 sinh viên, học sinh cho các ngành cao đẳng, trung cấp hệ chính quy. Trường dành khoảng 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh cho các ngành nông nghiệp. Theo thống kê của Phòng Đào tạo, hằng năm, có khoảng 1.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường; trong đó, trên 85% người có việc làm. Đối với khối ngành kỹ thuật nông nghiệp, tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp, có việc làm chiếm trên 90%.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Quyên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, trường xác định đào tạo những gì xã hội cần, chứ không đào tạo những gì mà trường có. Riêng Khoa Kinh tế - Nông nghiệp, chú trọng đào tạo chuyên sâu kỹ năng thực hành cho sinh viên, theo hướng dịch vụ. Ngoài ra, trường đã thành lập các trung tâm dịch vụ, trong đó có Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Bệnh xá Thú y và hệ thống phòng thí nghiệm thực hành, thực tập khá đầy đủ, đáp ứng yêu cầu dạy và học... Tuy nhiên, ông Quyên cũng cho rằng, tâm lý của nhiều phụ huynh, học sinh, vẫn chưa “mặn mà” đối với khối ngành nông nghiệp, bởi lúc học đã cực, khi ra trường lại làm việc vất vả, nhưng tiền lương không cao so với các ngành kinh tế, công nghệ thông tin... khiến việc tuyển sinh hằng năm cho khối ngành này của trường gặp khó khăn. Thạc sĩ Huỳnh Ngọc Chinh, Trưởng phòng Đào tạo của trường, thừa nhận: “Hằng năm, số lượng hồ sơ đăng ký dự thi, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành nông nghiệp luôn thấp hơn so với khối ngành kinh tế”.

Theo lãnh đạo Trường CĐ KT-KT Cần Thơ, ngoài việc đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng đào tạo khối ngành nông nghiệp, cần có cơ chế chính sách ưu đãi đối với các ngành này để thu hút thí sinh. Các tỉnh, thành cần có quy hoạch tổng thể nguồn nhân lực ở lĩnh vực nông nghiệp, để các trường có kế hoạch đào tạo cụ thể. Sinh viên theo học ngành nông nghiệp được miễn giảm học phí, tạo điều kiện về việc làm sau khi tốt nghiệp... Thạc sĩ Trần Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng trường, nhấn mạnh: “Kinh tế của vùng ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng đang phát triển theo hướng tăng tỷ trọng cơ cấu công nghiệp và dịch vụ nhưng vẫn trên nền tảng nông nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, nông nghiệp vẫn là một trong những khối ngành mũi nhọn của trường”.

Bài, ảnh: B.KIÊN

Chia sẻ bài viết