01/07/2011 - 15:39

Tạo sức hút cho cảng cá Trần Đề

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng và các ngành hữu quan trong tỉnh đã có cuộc họp với Ban quản lý Cảng cá Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Tại đây, nhiều bất cập trong việc quản lý khiến Cảng cá Trần Đề trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn đã được mổ xẻ khá chi tiết để tìm hướng mở cho Cảng cá Trần Đề trong thời gian tới…

Một lần đến rồi... đi luôn

 Hoạt động thu mua cá ở Cảng cá Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng vào cuối tháng 5-2011, ông Trần Văn Chiểu, Giám đốc Cảng cá Trần Đề, chua chát nói: “Vừa qua, trong đợt khai thác trúng đậm cá cơm, hàng trăm con tàu ngoài tỉnh vào cảng, nhưng họ chỉ đến một hoặc cao lắm hai lần rồi... đi luôn. Không những vậy, trước khi đi, họ còn mạnh miệng phán rằng: “Cảng “bóp cổ” chủ tàu”, nên họ sẽ không vào cảng nữa. Một số tàu trong tỉnh cũng đã bỏ cảng sang Trà Vinh để lên hàng”. Ông Lê Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, cũng không khỏi tiếc rẻ: “Những tàu ngoài tỉnh đa số đều là tàu lớn. Mỗi tàu khi cặp cảng có giá trị sản phẩm lên đến hàng tỉ đồng. Không chỉ làm phong phú thêm sản lượng, chủng loại nguyên liệu cho chế biến, sự có mặt của những con tàu này còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương và kích thích sự phát triển của nhiều loại hình dịch vụ”.

Tàu không vào cảng nữa được đổ lỗi cho nhiều nguyên nhân, nhưng sâu xa nhất vẫn là sự bất cập của dịch vụ hậu cần nghề cá. Ông Lê Thành Trung phân tích: “Khi lượng tàu ngoài tỉnh vào cảng tăng, ngay lập tức mọi chi phí tại cảng đều tăng lên đến chóng mặt. Giá bốc xếp nước đá cũng tăng từ 500 đồng/cây lên 900 đồng/cây; còn nước đá thì từ 9.000 đồng/cây bị đẩy lên 13.000 đồng/cây, thậm chí có thời điểm lên đến 25.000 đồng/cây”. Trong cảng đã vậy, ngoài cảng, mọi thứ cũng bắt đầu tăng theo số tàu ngoài tỉnh vào cảng. Giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, dịch vụ ăn uống, nhà trọ... mỗi thứ đều tăng từ vài chục đến cả trăm phần trăm. Chi phí tăng là gánh nặng cho chủ tàu, nhưng giá bán sản phẩm không những không tăng mà còn bị ép, còn tiền bán sản phẩm thì ít khi được trả một lần. Theo một số chủ tàu, tính ra, tất cả các loại chi phí tăng thêm vài chục triệu mỗi chuyến, nên họ ngán cặp Cảng cá Trần Đề...

Tháo gỡ khó khăn cho cảng

Ông Lưu Hữu Danh, Bí thư thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, đề xuất: “Việc kêu gọi đầu tư vào cảng hiện nay là cần thiết, vì số doanh nghiệp chế biến và chủ vựa tại cảng là quá mỏng. Mỗi tàu lớn vào cảng phải bán cho nhiều chủ vựa mới hết hàng. Nhưng nếu muốn doanh nghiệp đầu tư vào cảng, trước tiên, cảng phải có quỹ đất lớn, trong khi quỹ đất tại cảng hiện nay đã quá manh mún”. Đồng tình với đề xuất này, ông Trương Thanh Bình, Bí thư Huyện ủy Trần Đề, cho rằng: “Việc thu mua vừa qua là chưa ổn, cần phải tính toán lại. Ban quản lý cảng cũng cần xem xét lại đất đai vì còn nhiều người thuê đất nhưng đầu tư không đúng hướng. Trong khi đó, một số doanh nghiệp muốn đầu tư thì lại không có đất. Phải làm sao thu hút được ngày càng nhiều cơ sở thu mua, doanh nghiệp chế biến thì mới thu hút được tàu vào cảng”.

Khâu thu mua, chế biến vốn là điểm yếu của cảng ngay từ khi thành lập đến nay và cũng chính là rào cản này nên hạn chế lượng tàu vào cảng. Ông Phạm Quốc Việt, Phó Giám đốc Cảng cá Trần Đề, nhìn nhận: “Ngay từ khi thành lập, vào năm 2003, Ban quản lý cảng đã nhìn thấy điều này và đã tổ chức nhiều đợt đi các tỉnh có nghề cá phát triển, mời gọi nậu vựa lớn đầu tư vào cảng. Tuy nhiên, lúc đó, do điều kiện cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn kém nên không thu hút được đầu tư. Hiện nay, giao thông đã thuận lợi, đến lúc cần tổ chức kêu gọi đầu tư vào cảng vì đã quá lâu, nhiều nậu vựa ngoài tỉnh thiếu thông tin về cảng”. Ông Trần Văn Chiểu, Giám đốc Cảng cá Trần Đề, đề xuất: “Cần sớm nâng cấp và mở rộng cảng giai đoạn 2 để đủ sức cho tàu vào cảng. Giao thông chính đã thuận lợi, nhưng cần hoàn chỉnh hơn, nhất là đường vào cảng còn quá hẹp, chưa đủ sức cho những xe tải trọng lớn vào”. Để giải quyết sự yếu kém về năng lực tài chính của mạng lưới chủ vựa, ông Lê Thành Trung, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề, kiến nghị: Tỉnh cần có chính sách tín dụng để tạo điều kiện cho chủ vựa đầu tư ứng trước cho chủ tàu. Mặt khác, các thủ tục hành chính ra vào cảng cũng cần được các đơn vị chức năng cải thiện hơn, tạo tâm lý thoải mái mỗi khi tàu ra vào cảng...

Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho rằng: Tại cảng hiện còn thiếu doanh nghiệp chế biến. Mạng lưới nậu vựa vừa thiếu lại vừa yếu về năng lực tài chính, nên thiếu sức cạnh tranh, không hấp dẫn được tàu trong và ngoài tỉnh vào cảng. Do đó, Ban Quản lý cảng cần rà soát lại đất đai để khi doanh nghiệp có yêu cầu đầu tư là có ngay quỹ đất sạch. Phải xác định, quỹ đất của cảng là để phục vụ cho nghề cá là chính. Những hộ thuê đất sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thu hồi...

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết