11/03/2019 - 20:17

Tạo hình cổng cưới lá dừa - nét duyên miền Tây 

“Làm cổng cưới lá dừa chẳng phải nghề mà là đam mê. Bởi nghề thì phải sống được bằng nghề và có người truyền nghề. Đằng này, mình khoái mà mày mò sáng tạo thôi. Được cái, mình vui mà người khác cũng vui”- anh Võ Văn Vũ, 42 tuổi, ở ấp An Thường, xã An Thạnh I, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ về công việc của mình. Bấy nhiêu cũng đủ phác họa về người đang lặng thầm lưu giữ nét duyên miền Tây.

Cổng lá dừa đẹp nao lòng do anh Vũ làm ra. Ảnh: NVCC

Cổng lá dừa đẹp nao lòng do anh Vũ làm ra. Ảnh: NVCC

Nhà anh Vũ cách bến phà Đại Ngãi chừng hơn 3 cây số. Hôm đến thăm, anh Vũ đang tất bật chuẩn bị vật liệu như lá dừa nước, lá dừa ăn trái, thân chuối, buồng dừa nước non… để đi thiết kế cổng cưới cho đám cưới nhà láng giềng. Anh Vũ nói, cổng cưới lá dừa này vừa, không quá cầu kỳ nên vật liệu đủ đầy rồi thì chừng “cứng” một ngày sẽ xong. Quả là như vậy, một mình anh dưới cái nắng chang chang rồi tới tối mịch, cổng cưới lá dừa đã hoàn thành trong sự thán phục của bà con. Chú Nguyễn Văn Phát, khách dự đám cưới đến từ Vị Thanh - Hậu Giang, trầm trồ: “Chú em này làm cổng thiệt khéo tay, công phu quá trời. Đó giờ chỉ thấy trên mạng internet, nay mới được thấy tận mắt”.

Vừa làm, anh Vũ vừa kể cho tôi nghe về chuyện làm cổng cưới lá dừa. Anh biết công việc này từ lúc còn thanh niên, khoảng những năm 1990, khi phụ láng giềng làm cổng cưới. “Thời đó không có dịch vụ rạp, cổng dựng sẵn như bây giờ đây, toàn bà con xúm nhau phụ”- anh Vũ nhớ lại. Thời gian trôi qua, dịch vụ cưới hỏi phát triển, cổng lá dừa tưởng như biến mất. Rồi giữa năm 2017, một nữ Việt kiều quê Cù Lao Dung về quê lập gia đình và muốn có cổng cưới giống “hồi xưa”. Anh Vũ là người được chọn lựa. Tỉ mẫn, vừa làm vừa hồi ức, chiếc cổng cưới hoàn thành từ đôi tay khéo léo của anh Vũ. “Tiếng lành đồn xa”, anh Vũ có thêm “nghề ngang hông” từ đó.

Đến nay, anh Vũ đã làm nên hàng chục cổng cưới lá dừa đẹp mắt, không chỉ quê anh mà còn ở các địa phương khác của Sóc Trăng, sang tận Trà Vinh, Tiền Giang. Chỗ nào đến, anh Vũ cũng được bà con trầm trồ, xúm xít lại coi như một “chuyện lạ”. Anh Vũ cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, vì đã giúp giữ lại nét đẹp xưa cũ của quê hương miền Tây, vì được mọi người trân trọng. Cụ Diệp Đại Lợi, 79 tuổi, ngụ ấp An Trung, xã An Thạnh I, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, nói: “Cổng cưới bằng lá dừa hồi xưa có, chớ giờ hiếm ai làm. Cháu Vũ chịu khó tìm hiểu mà làm là hay lắm, đáng quý lắm”.

Anh Vũ cho biết: Gần như toàn bộ một tác phẩm cổng cưới lá dừa đều từ nguyên liệu thiên nhiên, “vai chính” vẫn là tàu lá dừa nước và cờ bắp (tàu lá dừa chưa bung ra) kết hợp lá dừa ăn trái. Lá dừa nước từ cờ bắp bản lớn, màu sắc tươi tắn nên dễ thiết kế hoa nhưng bù lại “nhát nắng”, dễ héo nên phải chọn đặt chỗ bóng râm. Từ lá dừa, anh Vũ có thể tạo nên chữ Song Hỷ khéo léo hay lợp mái cổng bằng lá mù u, trụ cổng bằng thân chuối, trên đầu có gắn buồng dừa nước… nhìn lạ mắt, dân dã nhưng cũng rất nghệ thuật. Đặc biệt, các tác phẩm rồng, phụng từ lá dừa do anh Vũ tạo nên rất sắc nét, có thần, tạo nên “thương hiệu” riêng. Thấy anh Vũ tỉ mẫn trong từng công đoạn, chúng tôi hiểu rằng, làm công việc này phải sáng tạo không ngừng bởi mỗi ngôi nhà đều có lối vào, vị trí làm cổng và kích thước khác nhau nên không thể “bê nguyên si” mà tùy hứng và sáng tạo cho phù hợp.

Mỗi chiếc cổng cưới lá dừa, tùy quy mô, kiểu cách mà có giá tầm gần 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, tất cả vật liệu, chi phí chuyên chở do anh Vũ bao trọn gói. Giá đưa ra là vậy nhưng nhiều khách hàng đều gửi tặng anh thêm bởi họ thấy được ở công việc của anh sự cực khổ và tâm huyết. Như lời chú Lê Thanh Hải, ngụ ấp An Trung, xã An Thạnh I, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng: “Bây giờ, thuê cổng cưới hoa giả, xốp với cái bảng nhựa cũng bạc triệu mà ai cũng giống ai. Cổng lá dừa đẹp và thu hút hơn nhiều”.

Tết năm nay, anh Vũ rất bận rộn. Anh được một nhà hàng nổi tiếng ở TP Hồ Chí Minh phục vụ theo phong cách Nam kỳ lục tỉnh xưa mời lên thắt lá dừa tạo hình chim, cò, bông hoa, nón… để tặng thực khách. Qua Tết, anh lại làm cổng lá dừa cho xã An Thạnh I tại hội trại tòng quân, rồi tất bật bởi mùa cưới tháng Giêng… Nhưng anh Vũ hồn hậu: “Công việc của tôi vẫn là làm thuê. Một vợ hai con nhưng không đất đai nên cũng vất vả lắm. Ngặt cái mê làm cổng lá dừa nên theo đuổi thôi”. Thật bất ngờ khi biết người nông dân tài hoa này lại thích làm thơ và có thơ in sách. Điều anh Vũ mong muốn là có tiền sắm một chiếc xe tải nhỏ để có thể nhận làm cổng cưới ở chỗ xa, bớt chi phí vận chuyển. Có vốn nữa, anh sẽ mở một cơ sở thủ công nhỏ làm cổng, thắt nón, chim, thú, bông hoa… bằng lá dừa. Anh vẫn đang từng ngày cần cù lao động để biến ước mơ thành hiện thực…

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết