29/05/2014 - 22:18

Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII

Tạo điều kiện để người lao động tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, phát triển dạy nghề

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, sáng 29-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề.

Thảo luận tại tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm xã hội (BHXN)nhằm thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Nhà nước về chính sách xã hội, góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo hiểm xã hội, các chính sách bảo hiểm xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người lao động tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội...

Góp ý về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Thanh (Hà Nội) cho rằng, dự án Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bổ sung quy định chế độ hưu trí, tăng tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính mức lương hưu hằng tháng. Tuy nhiên, dự án Luật vẫn để chung người lao động trong khu vực nhà nước, lực lượng vũ trang với các nhóm đối tượng khác; quy định cách tính lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày Luật này có hiệu lực trở đi như lao động ở khu vực phi Nhà nước và người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Cách tính như vậy sẽ làm giảm tiền lương hưu, ảnh hưởng lớn tới đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi nghỉ hưu. Đại biểu đề nghị, dự án Luật cần tách đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thành một chương riêng và giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), dự án Luật đã cụ thể một số điều, khoản có lợi hơn cho đối tượng đóng bảo hiểm xã hội; thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới khi bổ sung quy định cả nam và nữ được hưởng chế độ nghỉ khi sinh con, nuôi con nuôi. Đại biểu đề nghị khi sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội cần quan tâm và có chính sách phù hợp thu hút đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, đặc biệt là loại hình bảo hiểm tự nguyện. Việc mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm xã hội phải đi đôi với chế độ thụ hưởng, khuyến khích được người lao động tham gia.

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội, Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nhận định, thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội dưới 3 tháng là rất khó cho cả người lao động và doanh nghiệp. Bởi, đây là thời gian người lao động thử việc, doanh nghiệp chưa chính thức ký hợp đồng lao động. Do vậy, quy định đóng bảo hiểm xã hội dưới 3 tháng là không khả thi.

Góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, các đại biểu cho rằng, Luật Dạy nghề ban hành từ năm 2006 đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên, hoạt động dạy nghề thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Phân bổ mạng lưới cơ sở dạy nghề chưa hợp lý. Cơ cấu ngành đào tạo theo nghề và trình độ đào tạo chưa cân đối, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương…

Tại buổi làm việc, các đại biểu còn đóng góp ý kiến vào các nội dung: chính sách của Nhà nước đối với phát triển dạy nghề; xác định loại hình cơ sở dạy nghề; xã hội hóa hoạt động dạy nghề…

Chiều 29-5, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, các đại biểu Quốc hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có biện pháp chấn chỉnh kỷ cương tài chính; giám sát và xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, lãng phí, sử dụng sai mục đích ngân sách Nhà nước...

Khiếu Tư-Quang Vũ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết