17/09/2019 - 04:04

Tạo "cú huých" cho kinh tế hợp tác 

Đổi mới tổ chức hoạt động liên kết, hợp tác đã giúp nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn thành phố có bước hoạt động khởi sắc, tự chủ, chú trọng chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên. Qua đó, kinh tế hợp tác, HTX đã đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập và tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế…

Hoạt động dịch vụ của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố phát huy hiệu quả (Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại cánh đồng lớn huyện Vĩnh Thạnh). Ảnh: T. TRINH

Khởi sắc

Tính đến đầu tháng 7-2019, thành phố có 269 HTX với 12.021 thành viên, tăng 42 HTX so năm 2017; trong đó, thành lập mới 65 HTX. Tổng doanh thu bình quân mỗi năm đạt khoảng 2.500 tỉ đồng, chiếm khoảng 4% GRDP của thành phố. Trong số đó, có khoảng 60% HTX hoạt động có lãi và đem lại lợi ích thiết thực cho thành viên và 50% HTX đạt khá giỏi năm 2018. Thành phố có gần 1.550 tổ hợp tác (THT) với khoảng 55.200 hộ tham gia. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, vai trò của kinh tế hợp tác, đặc biệt là HTX được khẳng định trong thực tế sản xuất và đời sống, bước đầu tạo sự lan tỏa của các nhân tố tích cực trong quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao kinh tế tập thể. Trong các ngành, lĩnh vực hiện nay trên địa bàn thành phố đều có mô hình HTX, THT tiêu biểu, vừa thể hiện được mô hình kiểu mới, vừa thể hiện tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp HTX, THT tạo ra sự hợp tác, liên kết nông hộ khá tích cực; nhất là trong các cánh đồng lớn, các xã xây dựng nông thôn mới, các vùng sản xuất có đê bao. Điển hình, HTX Nông nghiệp Hiếu Bình, HTX Thủy sản Thắng Lợi (huyện Vĩnh Thạnh) đã tổ chức nhiều dịch vụ hỗ trợ cho hàng trăm hộ thành viên. Ngành nghề được mở rộng đa dạng hơn từ sản xuất lúa hàng hóa, cây ăn trái, chăn nuôi gia súc, rau an toàn, lúa giống… nay có thêm mô hình HTX nông nghiệp công nghệ cao như: trồng nấm ăn cao cấp, đông trùng hạ thảo… Vai trò của các HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được phát huy khá rõ nét trong khôi phục phát triển làng nghề, thông qua việc dạy nghề cho thành viên và người lao động. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ của các HTX cho thành viên khá đa dạng. Cụ thể, tổ chức cơ sở dạy nghề, cung cấp nguyên liệu đầu vào, hướng dẫn thành viên chế tác những sản phẩm mới giúp đa dạng hóa sản phẩm... Điển hình tiêu biểu trong lĩnh vực này đó là HTX Quốc Noãn (huyện Thới Lai).

Ở lĩnh vực xây dựng, một số HTX đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, huy động vốn góp, nâng cao năng lực thi công, đấu thầu xây dựng đã giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động trên địa bàn thành phố. Điển hình như: HTX Xây dựng Tiến Lợi, HTX xây dựng Hưng Thịnh (quận Cái Răng), HTX Xây dựng Quốc Thắng (quận Thốt Nốt)... Những năm gần đây, thành phố có nhiều HTX thành lập mới, hoạt động dịch vụ cung cấp nông sản sạch. Đây là một xu hướng mới, mở ra sự liên kết giữa HTX sản xuất và HTX dịch vụ tiêu thụ nông sản sạch có nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng trong và ngoài thành phố. Điển hình như: HTX Nhất Tâm, HTX Nông sản xanh Cần Thơ (quận Ninh Kiều) vừa tổ chức sản xuất và thu mua nông sản sạch vừa chế biến và tổ chức tiêu thụ trên thị trường.

Phần lớn HTX vận tải được chính quyền địa phương đánh giá cao về tổ chức hoạt động, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố. Trong lĩnh vực vận tải thủy, các HTX chuyên vận chuyển gạo xuất khẩu có đơn hàng ổn định, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho thành viên, nổi bật là HTX Vận tải thủy Nhơn Hòa và HTX Vận tải thủy Vạn Hưng (quận Thốt Nốt), HTX Sông Hậu (quận Ninh Kiều). Trong lĩnh vực vận tải đường bộ, HTX đường bộ TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều) đã làm tốt nhiều khâu dịch vụ hỗ trợ trên 600 thành viên với gần 800 phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ. Trong điều kiện khó khăn, tính tương trợ của các quỹ tín dụng được phát huy, hỗ trợ thành viên vốn đầu tư sản xuất kinh doanh nhỏ, góp phần hạn chế được nạn cho vay nặng lãi, thiết thực giúp hộ nghèo vượt khó, đặc biệt là hộ nông dân vùng nông thôn cải thiện đời sống. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có Quỹ Tín dụng nhân dân Tín Nghĩa (quận Ninh Kiều), Quỹ Tín dụng nhân dân Nam Cần Thơ (quận Cái Răng)...

Thành viên Tổ hợp tác đan dây nhựa quận Cái Răng giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm ở Cần Thơ.

Thành viên Tổ hợp tác đan dây nhựa quận Cái Răng giới thiệu sản phẩm tại một triển lãm ở Cần Thơ.

Cần trợ lực

Trên thực tế, phát triển kinh tế tập thể thời gian qua dù có chuyển biến tích cực song cần nhận định rõ còn một số mặt hạn chế. Chẳng hạn, một số HTX, THT chuyển biến chậm, còn không ít HTX, THT yếu kém, ngưng hoạt động hoặc đang lúng túng trong triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Điều cốt lõi của HTX là cung cấp dịch vụ hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho thành viên nhưng một bộ phận HTX trong lĩnh vực nông nghiệp hoạt động này còn đơn điệu, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Những khó khăn về vốn, trình độ quản lý, phương thức hợp tác, thị trường… là những vướng mắc cần hỗ trợ nhằm tạo khâu đột phá để hình thành và phát triển các mô hình HTX quy mô lớn, tác động rộng, hiệu quả cao, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ khó khăn trong hoạt động của đơn vị, ông Nguyễn Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX Giống nông nghiệp Thốt Nốt, kiến nghị: Nhà nước và ngành nông nghiệp có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hỗ trợ vốn để HTX phát triển và mở rộng quy mô. Liên minh HTX có chính sách đào tạo, bồi duỡng để nâng cao trình độ, kiến thức về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng quản lý điều hành, kiến thức pháp luật cho ban lãnh đạo HTX. Đồng thời, liên kết, lồng ghép với các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo đầu mối để HTX có điều kiện tiếp cận thị trường, tiêu thụ hàng hóa…

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Thanh Cần, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc HTX Hoa kiểng Phó Thọ, cho rằng: Cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, website quảng bá sản phẩm, phát triển thương mại điện tử cho các HTX. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng các công nghệ mới vào sản xuất; tạo điều kiện cho thành viên HTX tham gia các sự kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao kiến thức phát triển HTX cũng như quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Phát triển HTX, THT trên địa bàn thành phố cả về số lượng lẫn chất lượng, thời gian tới, Liên minh HTX thành phố tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức để mọi người hiểu và tự nguyện tham gia phát triển kinh tế hợp tác, HTX. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể thành phố và các quận, huyện xây dựng HTX, THT điển hình trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn, từ đó nhân rộng ra, tạo ''cú huých'' phát triển kinh tế hợp tác

Ông Nguyễn Đức Phương, Chủ tịch Liên minh HTX TP Cần Thơ, cho biết: Liên minh HTX thành phố sẽ tổ chức tập huấn nâng cao trình độ quản lý điều hành cho cán bộ HTX. Một vấn đề Liên minh đã, đang và tiếp tục thực hiện, đó là làm sao giúp các HTX hoạt động đúng nguyên tắc Luật HTX năm 2012. Điều quan trọng làm đúng nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, HTX sẽ tạo được niềm tin đối với thành viên và đối tác, ngân hàng. Từ đó, vừa tạo được sức mạnh nội bộ vừa tăng cường được tin tưởng từ đối tác, ngân hàng trong hợp tác. Mặt khác, Liên minh đề xuất UBND thành phố cụ thể hóa các chính sách của Nhà nước để các HTX dễ tiếp cận về vốn, chính sách đất đai, khoa học công nghệ… hỗ trợ các HTX tạo "cú huých" trong giai đoạn hiện nay...

 

Bài, ảnh: Tuyết Trinh

Chia sẻ bài viết