Từ đầu năm 2016 đến nay, sản xuất công nghiệp và thương mại-dịch vụ tại TP Cần Thơ tiếp tục khởi sắc. Thành phố thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công thương. Tuy nhiên, phát triển công nghiệp và thương mại- dịch vụ tại nhiều quận, huyện ngoại thành của thành phố còn gặp khó khăn và chưa tương xứng với các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Còn nhiều khó khăn
Trên địa bàn TP Cần Thơ hiện có hơn 107 chợ truyền thống, 15 siêu thị, trung tâm thương mại lớn và khá nhiều cửa hàng tiện ích. Mặc dù số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại đang có xu hướng tăng, nhưng hạ tầng thương mại-dịch vụ còn nhiều yếu kém. Hiện tại, các siêu thị, trung tâm thương mại và chợ đạt loại 1 và loại 2 chủ yếu tập trung ở quận nội ô Ninh Kiều và một số quận lân cận như: Cái Răng, Bình Thủy. Nhiều chợ ở vùng nông thôn thuộc các huyện mới đạt loại 2, loại 3 hoặc chưa đủ chuẩn phân loại và đang xuống cấp nên chưa thể phục vụ tốt việc mua bán của người dân. Theo ông Nguyễn Ngọc Thái Bình, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, xã Thạnh Lộc có 2 chợ (Chợ Sáu Bọng và Chợ Thạnh Lộc) hình thành đã lâu, hiện xuống cấp. UBND huyện đã nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp đến đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhưng chợ nhỏ, nguồn thu thấp, quỹ đất công ít nên không thu hút được doanh nghiệp. Trong khi đó, một số chợ trên địa bàn huyện (như chợ Láng Sen xã Thạnh Quới) dù có doanh nghiệp đến đầu tư nhưng việc triển khai cũng rất khó do vướng giá thỏa thuận bồi hoàn về đất, kiến trúc đối với một số hộ dân bị ảnh hưởng dự án.
 |
Khách tham quan, mua sắm hàng tại Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Xuân Khánh ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. |
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 8 khu công nghiệp tập trung nhưng cũng chủ yếu tập trung tại một số quận của thành phố là Bình Thủy, Ô Môn, Cái Răng và Thốt Nốt. Tại các huyện trên địa bàn thành phố dù đã quy hoạch xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nhưng do gặp nhiều khó khăn mà hầu như đến nay chưa nơi nào thực hiện được. Theo ông Trần Thanh Tâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Cờ Đỏ, huyện quy hoạch xây dựng Cụm CN-TTCN nhưng chưa có vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và khó thu hút nhà đầu tư nên đến nay vẫn chưa triển khai. Cờ Đỏ có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, huyện hình thành nhiều cơ sở chế biến, kinh doanh lúa gạo
nhưng chưa có khu Cụm CN-TTCN tập trung và các chính sách hỗ trợ, giúp doanh nghiệp cải tiến máy móc công nghệ còn hạn chế. Ngoài ra, mạng lưới điện tại nhiều xã trên địa bàn huyện cũng xuống cấp và chưa đảm bảo phục vụ tốt sinh hoạt và các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân.
Theo báo cáo của Sở Công thương thành phố, 9 tháng năm 2016, sản xuất công nghiệp duy trì ở mức tăng trưởng khá cao, với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt hơn 74.722 tỉ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ, đạt 74,8% kế hoạch. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 11,04% so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và dịch vụ ước thực hiện hơn 68.915 tỉ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ và đạt 74,9% so kế hoạch năm. Đạt được kết quả tích cực, nhưng thành phố cũng còn gặp khó trong việc nâng cao tốc độ phát triển công nghiệp và thương mại nội địa do thu hút đầu tư còn chậm, công nghiệp hỗ trợ và công tác khuyến công còn hạn chế, trong khi hạ tầng công nghiệp và thương mại-dịch vụ tại nhiều nơi chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ của thành phố mới đạt hơn 1,05 tỉ USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 806,5 triệu USD, đạt 54,9% kế hoạch, giảm 13,1% so với cùng kỳ do 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực truyền thống là gạo và thủy sản gặp nhiều bất lợi. Do đó, để phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, cần có những đột phá mới từ cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Cần những đột phá mới
Sở Công thương TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác quý III và triển khai kế hoạch công tác quý IV năm 2016. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đòi hỏi toàn ngành phải quan tâm tháo gỡ ngay các khó khăn. Các sở ngành hữu quan thành phố và địa phương cần nghiên cứu, kiến nghị thành phố và Trung ương kịp thời bổ sung, điều chỉnh nhằm hoàn thiện các văn bản pháp lý về quản lý nhà nước cũng như có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả để tạo đột phá mới cho phát triển.
Ông Huỳnh Văn Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế-Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: "Những tháng cuối năm 2016, Sở Công thương thành phố cần tiếp tục có giải pháp hiệu quả để thúc đẩy hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm, nhất là chỉ tiêu về xuất khẩu. Cần phát triển thêm các mặt hàng xuất khẩu mới mà thành phố có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh, nhằm tránh phụ thuộc vào 2 mặt hàng truyền thống là gạo và thủy sản. Công tác kiểm tra hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng và không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
phải được tăng cường nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ người tiêu dùng. Song song đó, Sở cũng cần phối hợp các sở ngành thành phố để nghiên cứu, tham mưu UBND thành phố kiến nghị với Trung ương cơ chế chính sách đặc thù để TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương phát triển xứng tầm trung tâm vùng ĐBSCL". Theo bà Nguyễn Thị Nương, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, hiện nay một số quy định trong quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực công thương vẫn còn chồng chéo và khó thực hiện, đã gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương cũng như việc hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh phát triển. Do đó, thành phố và Trung ương cần quan tâm kịp thời, có sự bổ sung, điều chỉnh phù hợp. Công tác kêu gọi đầu tư phát triển các chợ trên địa bàn quận còn khó, đòi hỏi các cấp thẩm quyền cần xem xét có cơ chế chính sách hỗ trợ tốt hơn. Trên địa bàn quận có 2 làng nghề thủ công truyền thống, quận đã đề nghị thành phố xem xét trích kinh phí từ nguồn khuyến công để hỗ trợ người dân đầu tư đổi mới công nghệ trong năm 2016 này.
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về chống buôn lậu, hàng gian, hàng giả và an toàn vệ sinh thực phẩm còn chồng chéo, chưa đồng bộ, rất cần được các bộ ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung ngay. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại-dịch vụ tại thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam đã yêu cầu Sở Công thương phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương quan tâm tháo gỡ khó khăn, tiếp tục có giải pháp đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đến đầu tư tại thành phố. Mạnh dạn đề xuất và xây dựng cơ chế, chính sách có tính "đột phá" trong hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể như, ngoài tranh thủ nguồn hỗ trợ từ công tác khuyến công của Trung ương, cần đề xuất thêm Chương trình khuyến công riêng cho thành phố sử dụng các nguồn kinh phí tại địa phương. Các quận, huyện cần rà soát và mạnh dạn có đề xuất về những kế hoạch, chương trình phát triển cho lĩnh vực công thương tại địa phương.
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG