01/02/2023 - 09:46

Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công các dự án giao thông 

SONG NGUYÊN

Năm 2023, vốn đầu tư công bố trí cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đến 94.161 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với giai đoạn đại dịch COVID-19. Giải ngân hết nguồn vốn này là nhiệm vụ khó khăn và thách thức lớn của ngành GTVT.

Những nút thắt trong giải ngân vốn

Ngày 30-1-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên các đơn vị thi công, công nhân làm việc ở các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL. Ảnh: A.HNgày 30-1-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên các đơn vị thi công, công nhân làm việc ở các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL. Ảnh: A.H

Ngày 30-1-2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra hiện trường, động viên các đơn vị thi công, công nhân làm việc ở các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL. Ảnh: A.H

Trong những năm gần đây, tỷ lệ và giá trị giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT dù không đạt 100% kế hoạch đề ra, nhưng vẫn trong tốp đầu các bộ ngành đạt tỷ lệ cao. Cụ thể: Năm 2019, Bộ GTVT giải ngân 26.575/30.134 tỉ đồng (đạt 88,2%). Năm 2020, giải ngân đạt 97,5% (35.209/36.122 tỉ đồng). Năm 2021, giải ngân 40.300/42.996 tỉ đồng (93,7%). Năm 2022, tính đến ngày 31-12-2022, Bộ đã giải ngân 47.905 tỉ đồng (khoảng 87% kế hoạch vốn, bao gồm cả phần vốn mới được giao bổ sung tháng 10-2022 và đạt cao hơn so với bình quân cả nước); dự kiến hết năm tài chính, sẽ giải ngân được 95,7% tổng kế hoạch được giao. 

Theo Bộ GTVT, tiến độ, chất lượng, giá thành và hiệu quả đầu tư các dự án hạ tầng giao thông phụ thuộc rất lớn vào các yếu tố như: tiến độ giải phóng mặt bằng; điều kiện cung cấp vật liệu, điều kiện địa chất công trình, điều kiện thời tiết của các vùng miền; năng lực thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu; khả năng cân đối, huy động vốn để thực hiện dự án. Thực tế năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công các công trình hạ tầng giao thông gặp rất nhiều khó khăn, bất cập, một phần do tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, phần khác do tiến độ giải phóng mặt bằng của địa phương thực hiện rất chậm, bố trí vốn còn dàn trải nên ảnh hưởng đến công tác triển khai, thanh quyết toán…

Năm 2023, Bộ GTVT được Quốc hội, Chính phủ giao nhiệm vụ giải ngân 94.161 tỉ đồng vốn đầu tư công. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, đây là nguồn vốn được giao lớn nhất từ trước đến nay; gấp 1,7 lần năm 2022 và gấp 2,2 lần năm 2021. Việc giải ngân hết nguồn vốn được bố trí là nhiệm vụ khó khăn và thách thức với Bộ GTVT trong năm 2023. Nhất là trong điều kiện triển khai các công trình, dự án vẫn còn tiềm ẩn niều rủi ro, như: nhu cầu nguyên vật liệu tăng đột biến có thể dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cấp khi Bộ đồng loạt triển khai nhiều dự án quy mô lớn tập trung tại một số khu vực; công tác giải phóng mặt bằng vẫn luôn phức tạp; năng lực thực hiện dự án của các chủ thể (địa phương, Ban quản lý dự án, nhà thầu, tư vấn…) khó đáp ứng yêu cầu nếu khối lượng công việc lớn tập trung cùng một thời điểm.

Thi công cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông). Ảnh: A.H

Thi công cao tốc đoạn Cần Thơ - Hậu Giang (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông). Ảnh: A.H

Cần giải pháp đồng bộ

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, khi vốn đầu tư công tăng 1% sẽ đóng góp cho tăng trưởng GDP thêm 0,06 điểm phần trăm. Vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công là một trong 5 mũi giáp công thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Xác định nhiệm vụ trọng tâm này, Bộ GTVT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; kiện toàn công tác quản lý đầu tư xây dựng, tạo điều kiện huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực lớn để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chuẩn bị đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam, nâng cấp, đầu tư mới cảng biển, luồng hàng hải quan trọng khác. Điều này cũng đặt nhiều trọng trách lên Bộ GTVT trong việc thực hiện các giải pháp để giải ngân vốn bố trí cho các công trình, dự án giao thông trọng điểm.

Năm 2022, dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, khan hiếm cục bộ nguồn cát cho các dự án cao tốc trọng điểm… nhưng ngành GTVT đã hoàn thành và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng 22 dự án. Trong đó có nhiều dự án quan trọng như: cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn, thông xe tuyến chính 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1; hoàn thành 2 dự án đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP HCM… Hoàn thiện thủ tục để khởi công 18 dự án động lực, như: nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cầu Rạch Miễu 2 và 12 dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông…

Năm 2023, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành 29 dự án; hoàn thiện thủ tục đầu tư để khởi công 23 dự án; phấn đấu giải ngân tối thiểu 90% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao… Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan để điều chỉnh, bổ sung nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới. Việc phân bổ vốn phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

Công tác giải phóng mặt bằng cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành; công tác triển khai thi công đến nay đạt 70,73% giá trị các hợp đồng.

Công tác giải phóng mặt bằng cầu Mỹ Thuận 2 đã hoàn thành; công tác triển khai thi công đến nay đạt 70,73% giá trị các hợp đồng.

Chia sẻ bài viết