Hội nghị Sơ kết sản xuất lúa vụ đông xuân 2014-2015 và triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông, mùa 2015 tại Nam bộ diễn ra trong bối cảnh Nam bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng đang triển khai thực hiện quyết liệt Đề án Tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo đến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vụ đông xuân được đánh giá được mùa, chất lượng lúa gạo đảm bảo, song các đại biểu vẫn bày tỏ những băn khoăn về đầu ra gắn với định hướng phát triển bền vững lâu dài của chuỗi sản xuất lúa gạo.
* Tăng chất lượng, đảm bảo đầu ra
Vụ lúa đông xuân 2014-2015, toàn vùng Nam bộ gieo sạ trên 1,679 triệu ha, năng suất bình quân 7,065ha, tăng 0,001 tấn/ha. Trong đó, nhóm lúa thơm chiếm tỷ lệ 21,7%, nhóm chất lượng cao chiếm gần 38%, nhóm chất lượng trung bình 24,19%, còn lại là nhóm nếp và nhóm khác với các giống lúa chất lượng cao không phổ biến và các giống lúa triển vọng. Theo Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, dự kiến đến tháng 4, vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch dứt điểm lúa đông xuân. Tổng sản lượng lúa của vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL ước đạt trên 11,865 triệu tấn, đảm bảo lượng lúa gạo phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong đó, giá thành sản xuất lúa đông xuân ở ĐBSCL bình quân 3.417 đồng/kg, tăng cao hơn vụ đông xuân 2013-2014 là 162 đồng/kg. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá lúa hạt dài tăng nhẹ trong khi nhóm lúa thường đều giảm giá. Sang đầu tháng 3, nhờ thực hiện chỉ tiêu mua thu mua tạm trữ nên giá lúa có chuyển biến tăng tích cực.
 |
Thu hoạch lúa đông xuân tại huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. |
Các địa phương vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông xuân. Vụ này, diện tích canh tác lúa của vùng giảm 4.856ha so với vụ đông xuân 2013-2014, song cơ cấu giống lại tập trung vào các giống lúa chất lượng cao. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: 80% diện tích lúa đông xuân của TP Cần Thơ sẽ thu hoạch tập trung trong tháng 2 và tháng 3; 20% diện tích còn lại thu hoạch từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4. Trong đó, giống Jasmine chiếm đến 65% diện tích, các giống lúa chất lượng cao chiếm 16%, còn lại là IR50404 phục vụ cho làng nghề sản xuất bún, bánh tráng của thành phố. Hiện ngành nông nghiệp đang theo dõi sát sao tiến độ thu hoạch lúa đông xuân và công tác thu mua tạm trữ của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp bao tiêu cho các cánh đồng lớn. Theo đó, các doanh nghiệp bao tiêu cánh đồng lớn triển khai thu mua cho nông dân cao hơn giá thị trường từ 100-200 đồng/kg lúa.
Theo tính toán của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lượng gạo tồn kho từ năm 2014 chuyển sang 2015 khoảng 700.000 tấn cùng với lượng lúa hàng hóa quy ra gạo sang của vụ đông xuân 2014-2015 khoảng 4,3 triệu tấn, tổng cộng là 5 triệu tấn. Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA, cho biết: Trong tháng 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với VFA và các địa phương vùng ĐBSCL tổ chức 2 đợt kiểm tra tiến độ thu mua tạm trữ vụ đông xuân 2014-2015. Tính đến ngày 9-3 đã có 128 thương nhân tham gia mua, 79.360 tấn gạo, đạt gần 8% so với chỉ tiêu 1 triệu tấn. Về khả năng tiêu thụ, VFA thống kê đến cuối tháng 2, hợp đồng thương nhân đăng ký 1,360 triệu tấn. Hợp đồng tập trung đi Malaysia 240.000 tấn chia đều cho 12 tháng. Riêng hợp đồng xuất khẩu gạo đi Philippines 300.000 tấn sẽ triển khai cung ứng trong tháng 3 và tháng 4 mỗi đợt 150.000 tấn, còn lại là một số thị trường tập trung khác
Khả năng đến hết quý II-2015 sẽ tiêu thụ gần 3 triệu tấn gạo. Bên cạnh đó, thị trường biên mậu phía Bắc đang có dấu hiệu sôi động trong tháng 3 khi thương lái đang tập kết gạo ở cảng Mỹ Thới, An Giang để chuyển ra phía Bắc và xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Theo ước tính của một số đơn vị kinh doanh lúa gạo, mỗi năm Trung Quốc nhập của Việt Nam từ 3,5-4 triệu tấn. Các động thái của thị trường Trung Quốc sẽ góp phần thúc đẩy giá thị trường “nhóng” lên trong thời gian tới và góp phần giải quyết lượng gạo 2 triệu tấn tồn trữ còn lại.
* Giảm chi phí để tăng lợi nhuận
Thực hiện công tác triển khai sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông và vụ mùa ở Nam bộ, Cục Trồng trọt dự kiến diện tích gieo sạ vụ hè thu 2015 của vùng Nam bộ trên 1,818 triệu ha, vụ thu đông, 832 ngàn ha và vụ mùa 365,35 ngàn ha. Theo đó, từng tiểu vùng sinh thái khuyến cáo chỉ sử dụng 3-5 giống chủ lực, chiếm diện tích lớn từ 30.000-50.000ha. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng: “Cần có sự tập trung chỉ đạo về cơ cấu giống lúa trong từng vụ sản xuất. Đồng thời xây dựng bộ giống lúa xuất khẩu dựa trên tiêu chí chất lượng, khả năng mở rộng diện tích, ổn định vùng nguyên liệu. Trong đó, mỗi tỉnh cần chọn 3-5 giống lúa chất lượng cao hiện đang sản xuất với diện tích lớn trong tỉnh hoặc đề xuất 3-5 giống lúa tỉnh chọn làm bộ giống để xây dựng vùng nguyên liệu”.
Khâu giống đầu vào vô cùng quan trọng, mang tính quyết định đến năng suất, chất lượng lúa gạo, song tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ở ĐBSCL còn thấp, khâu quản lý chất lượng giống lúa còn nhiều bất cập. Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, cho biết: Trà Vinh có 60% diện tích canh tác lúa sử dụng giống xác nhận. Tuy nhiên, việc thực hiện xã hội hóa công tác nhân giống lúa cũng tồn tại một số bất cập do công tác kiểm định chất lượng giống ở địa phương chưa đạt yêu cầu. Mặt khác, bên cạnh một số đơn vị làm ăn chân chính vẫn có các đơn vị chạy theo lợi nhuận khi năng lực sản xuất thực tế không cao nhưng lại bán ra thị trường lượng giống rất lớn. Do đó, cần có những biện pháp chế tài, quản lý để ngăn chặn tình trạng kinh doanh giống kém chất lượng, ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân”.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch VFA, về lâu dài, chính quyền và ngành nông nghiệp các địa phương cần tiếp tục củng cố 3 hệ thống, gồm hệ thống giống, hệ thống canh tác và hệ thống dịch vụ kỹ thuật, hạ tầng. Mục tiêu hướng đến là làm sao để nông dân làm lúa sử dụng giống xác nhận từ 70-80% thay vì chỉ 35% như hiện nay. Hai là, hệ thống canh tác phải áp dụng làm được “3 giảm, 3 tăng”, 1 phải 5 giảm, để giảm tối đa chi phí sản xuất càng tốt. Đồng thời, hệ thống dịch vụ kỹ thuật và hạ tầng để phục vụ tốt cho khâu canh tác của nông dân và thu mua lúa gạo của doanh nghiệp. Đây là 3 hệ thống cơ bản cần được củng cố tiến tới nâng chất lượng giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, đánh giá cao sự chỉ đạo của các địa phương để vụ đông xuân 2014-2015 được mùa, năng suất cao. Đặc biệt ghi nhận những tín hiệu tích cực về việc chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng giống lúa thơm đặc sản, đảm bảo chất lượng xuất khẩu. Để tiếp tục nâng chất ngành lúa gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp chủ động mở rộng quy mô cánh đồng lớn theo hướng liên kết chặt chẽ theo chiều sâu thay vì chạy theo phong trào. Đồng thời, cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2015 từ diện tích đến cơ cấu giống, phù hợp với từng vùng sinh thái. Các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất lúa trong vụ xuân hè, đặc biệt là hè thu tùy theo tình hình thực tế để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: MINH HUYỀN