06/02/2013 - 16:08

Tăng gia sản xuất để cùng xây dựng nông thôn mới

Qua hơn 2 năm tập trung cho công tác tuyên truyền, đại bộ phận cư dân nông thôn, đặc biệt là người nông dân dần nhận thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Họ hiểu rằng tiến trình XDNTM tiến hay lùi phụ thuộc rất nhiều vào sự đóng góp của từng thành viên trong cộng đồng. Một khi đời sống khấm khá, thu nhập được cải thiện, người dân mới có điều kiện đóng góp công sức vào quá trình XDNTM tại địa phương. Trên địa bàn huyện Phong Điền, nhiều nông dân đã tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết, mạnh dạn thử nghiệm các mô hình sản xuất, kinh doanh mới… bước đầu mang lại những kết quả khả quan. Đây là những mô hình cần nhân rộng trong cộng đồng… để góp phần vào thành công của công cuộc XDNTM.

1. Đến tham quan khu vườn trồng hoa Tết rộng 2.000m2 của gia đình anh Trần Phúc Hưng, thành viên Hợp tác xã Hoa kiểng ấp Tân Long A, xã Tân Thới, nhìn những đóa hoa cúc, vạn thọ đang nở rộ mới cảm nhận được “hương Tết” đã tràn về xã XDNTM này. Các thành viên trong gia đình anh đang bận bịu chào hàng với các thương lái đến dọ giá, đặt hàng. Anh Hưng hồ hởi khoe: “Vạn thọ giá 35.000 đồng/cặp, cúc 70.000 đồng/cặp thương lái đã mua hết. Còn các loại hoa có nguồn gốc từ Đà Lạt như: xác pháo (50.000 đồng/cặp), cát tường (70.000 đồng/cặp) đã có mấy mối đến “ngấp nghé”. Với mức giá này, tôi lời khoảng 20.000-30.000 đồng/cặp nhưng vẫn còn “neo giá” chưa bán…”. Theo tính toán sơ bộ vụ hoa Tết này, gia đình anh thu về khoảng 50 triệu đồng, trừ hết chi phí, lợi nhuận được khoảng 20-25 triệu đồng.

Anh Hưng chăm sóc vườn hoa Tết đang độ khoe sắc.

 Theo lời anh Hưng, bà con ấp Tân Long A đã có gần 15 năm gắn bó với nghề trồng hoa. Nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu trồng vào dịp Tết nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ khi tham gia vào hợp tác xã, bà con có điều kiện tương trợ; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, giống, vốn… Nhờ đó, nghề trồng hoa ở ấp Tân Long A dần phất lên. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ hoa cúc, vạn thọ ngày càng tăng cao, anh cùng các thành viên trong hợp tác xã mạnh dạn đầu tư, mở rộng diện tích trồng các loại hoa này. Được huyện hỗ trợ cây giống cấy mô (cúc Đài Loan, Cúc Tiger, cúc thọ đỏ) cộng với việc anh tận dụng rơm rạ từ chất nấm rơm để bón cho hoa nên chi phí sản xuất giảm đi đáng kể…

 “Vừa rồi, ấp đã mời họp dân bàn việc mở rộng đường ra thêm 1m để phù hợp với tiêu chí nông thôn mới. Mọi người đều đồng tình hiến đất, hoa màu và góp sức để làm đường. Đây là niềm vui lớn đối với bà con nơi đây. Bởi từ trước đến giờ, do đường hẹp, hoa chủ yếu vận chuyển bằng đường sông nên thương lái thường ngán ngại đến đây thu mua. Đường sá thông thương thì nghề trồng hoa ở Hợp tác xã Hoa kiểng ấp Tân Long A chắc chắn sẽ còn phát triển hơn nữa. Bà con có thêm “đồng ra, đồng vào”, đời sống càng thêm sung túc…”- anh Hưng nói với ánh mắt chứa chan hy vọng.

2. Cuối năm, có dịp ngồi trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tời, Chi hội phó Chi Hội Nông dân ấp Nhơn Thành, xã Nhơn Nghĩa, tôi nghe ông kể về những chuyển biến của công cuộc XDNTM tại xã nhà. Ông chân thành bộc bạch: “XDNTM chỉ thành công khi thu nhập người dân được nâng lên, đời sống được cải thiện. Nhận thức được điều này, tôi cùng các hội viên thống nhất lấy phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo” làm nhiệm vụ trọng tâm”.Thời gian qua, nhằm tạo điều kiện cho nông dân có vốn sản xuất, Chi Hội Nông dân ấp Nhơn Thành phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Phong Điền hình thành 7 tổ tiết kiệm và vay vốn, phát vay hơn 980 triệu đồng. Đồng thời, vận động Quỹ hỗ trợ nông dân được 5 triệu đồng, hỗ trợ cho 12 lượt hộ vay phục vụ sản xuất. Cùng chung tay hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ XDNTM, bản thân ông Tời cũng vận động hội viên đóng góp 180 triệu đồng xây dựng đường giao thông nông thôn dài 1.200m…

Để tiết kiệm chi phí sản xuất, ông Tời tự tay đóng lồng nuôi chim bồ câu.

Không chỉ năng nổ trong công tác hội, ông Tời còn là một trong những nông dân điển hình của địa phương về tinh thần chịu khó và ham học hỏi. Ngoài việc thường xuyên tham gia hội thảo, lớp tập huấn, ông cũng tham quan, học hỏi các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế ở các tỉnh bạn để về thử nghiệm, nhân rộng trong hội viên nông dân. Hiện ông Tời đang áp dụng mô hình nuôi bồ câu lấy phân bón cho vườn sầu riêng học tập từ tỉnh Tiền Giang. Từ 80 cặp con giống, đến nay ông đã nhân lên được 450 cặp. Theo ông Tời, với phương pháp này, mỗi năm ông tiết kiệm được từ 40-50% chi phí phân bón. Riêng với việc bán con giống và bồ câu thịt đem về 6-7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra ông còn trợ giá con giống, chuyển giao quy trình nuôi cho một số thành viên trong chi hội. Ông Nguyễn Văn Tời cho biết: “Mô hình nuôi bồ câu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nên được các hội viên quan tâm dù mô hình vẫn đang trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Sắp tới, tôi tiếp tục hướng dẫn các hội viên nhân rộng mô hình này sao cho phù hợp với hoàn cảnh, nhu cầu từng hộ, nhằm giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con…”.

3. Là 1 trong 2 xã điểm XDNTM của thành phố, định hướng chung của xã Mỹ Khánh là phát triển đô thị sinh thái, cải tạo vườn cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch. Chủ trương “nông dân làm du lịch” đã nhận được sự đồng tình từ nhiều nhà vườn và bước đầu mang lại kết quả khả quan. Thời gian qua, vườn ca cao sinh thái Mười Cương, ở ấp Mỹ Ái, xã Mỹ Khánh do ông Lâm Thế Cương làm chủ là điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích. Ông Lâm Thế Cương cho biết: “Với 4 sản phẩm: bột ca cao, rượu ca cao, bơ ca cao và socola làm từ ca cao do gia đình tự sản xuất, chúng tôi luôn đem đến sự thích thú cho khách tham quan. Bởi ngoài việc thưởng thức hương vị ca cao tự nhiên, khách du lịch còn có cơ hội tham quan vườn ca cao sinh thái và quy trình sản xuất socola...”.

Ông Lâm Thế Cương (trái) giới thiệu sản phẩm socola làm từ ca cao
trong Chương trình kết nối nhà sản xuất - phân phối vừa tổ chức
tại TP Cần Thơ.

Theo ông Lâm Thế Cương, ca cao là loại cây mang lại giá trị kinh tế cao. Song, nhiều năm qua, tiềm năng cây cao cao chưa được đánh thức, vấn đề phát triển vùng trồng ca cao vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức. Hiện tại, ông là đầu mối chính thu mua ca cao cho các nhà vườn trồng ca cao tại hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Không chỉ vậy, ông còn chủ động liên kết với một số công ty thu mua ca cao ở tỉnh Bến Tre để tìm đầu ra. Song song đó, những cuộc triển lãm, hội chợ, hội thảo... luôn là cơ hội lý tưởng được ông tận dụng để quảng bá về cây ca cao. Các sản phẩm làm từ ca cao do ông tự nghiên cứu và pha chế cũng nằm trong cuộc hành trình nâng cao giá trị loại cây này...

Hiện tại, xã Mỹ Khánh đã đạt 19/20 tiêu chí theo Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Như vậy, mục tiêu được công nhận là xã nông thôn mới trong năm 2013 không còn xa. “Với thế mạnh phát triển du lịch, khi đã là xã nông thôn mới, Mỹ Khánh cũng cần có những sản phẩm đặc trưng của vùng được đăng ký thương hiệu để giới thiệu, quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế. Thiết nghĩ, dâu Hạ Châu và sản phẩm làm từ ca cao là hai đề cử sáng giá nhất…” - Ông Lâm Thế Cương mạnh dạn chia sẻ ý tưởng.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết