12/09/2024 - 14:10

Tăng cường phòng, chống thiên tai cao điểm mùa mưa bão 

Theo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PTDS-PCTT&TKCN) TP Cần Thơ, từ đầu năm đến nay, hiện tượng mưa lớn kèm giông lốc, sạt lở bờ sông… đã xuất hiện và gây thiệt hại nặng nề về kinh tế trên địa bàn TP Cần Thơ. Thời tiết hiện đang vào thời kỳ cao điểm mùa mưa, bão, công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng, đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố đang cần sở, ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân tập trung thực hiện.

Mưa lớn kèm theo gió mạnh thường xuyên xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ. Trong ảnh mưa lớn kèm theo giông lốc gây sập nhà hộ dân tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ vào giữa tháng 6-2024.

Trong những ngày qua, TP Cần Thơ xuất hiện mưa, giông làm hư hại nhà cửa, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ, từ ngày 4 đến hết ngày 7-9 trên địa bàn TP Cần Thơ mưa lớn kèm theo giông lốc đã làm ảnh hưởng 38 căn nhà. Trong đó sập 2 căn nhà; sập 1 phần 1 căn nhà và tốc mái 35 căn trên địa bàn các quận, huyện: Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền. Ước tổng thiệt hại khoảng 571 triệu đồng; không gây thiệt hại về người. Cụ thể, vào ngày 4-9 mưa giông xuất hiện đã làm ảnh hưởng 28 căn nhà, trong đó sập một phần 2 căn nhà, tốc mái và hư hỏng 22 căn nhà… Ước thiệt hại tài sản hơn 400 triệu đồng. Quận Bình Thủy ghi nhận tốc mái 1 căn nhà, quận Ô Môn ghi nhận tốc mái 3 căn nhà trên địa bàn các phường Thới Long, Thới An. Đối với quận Thốt Nốt mưa giông làm sập một phần là 1 căn nhà và tốc mái 1 căn nhà, hư hỏng 3 căn nhà. Riêng huyện Cờ Đỏ là địa phương bị thiệt hại nhiều với 16 căn nhà bị tốc mái thuộc các xã Thạnh Phú, Thới Hưng, Trung Hưng, Trung Thạnh, tổng thiệt hại tài sản hơn 300 triệu đồng.

Theo Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN TP Cần Thơ trong 2 ngày (6 và 7-9) tại huyện Phong Điền, Thới Lai, huyện Cờ Đỏ mưa giông làm 10 căn nhà bị ảnh hưởng, trong đó làm sập hoàn toàn 1 căn và tốc mái 9 căn. Cụ thể, tại huyện Phong Điền giông lốc làm sập hoàn toàn 1 căn nhà và tốc mái 4 căn trên địa bàn các xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Tân Thới, Trường Long. Đối với huyện Thới Lai ghi nhận tốc mái 4 căn nhà trên địa bàn các xã Đông Bình, Trường Xuân B, Đông Thuận, Trường Xuân; huyện Cờ Đỏ ghi nhận tốc mái 1 căn nhà trên địa bàn thị trấn Cờ Đỏ… Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các quận, huyện đã kịp thời chỉ đạo, huy động lực lượng xung kích tại địa phương phối hợp, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng thiên tai dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả, ổn định đời sống. Trong đó, Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN huyện Thới Lai đã tạm ứng, chi tiền hỗ trợ cho các hộ dân có nhà bị thiệt hại khắc phục hậu quả. Sau đợt mưa giông, các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật tình hình thiệt hại và báo cáo cho Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2024 cả nước có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó có 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa mưa (từ tháng 9 đến tháng 11-2024). Trên phạm vi cả nước tiếp tục xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như giông, lốc, sấm sét, mưa đá và gió giật mạnh từ nay cho tới cuối năm 2024; tình trạng sụt lún, sạt lở, triều cường, mưa giông tiếp tục xảy ra ở khu vực ĐBSCL…

Để chủ động ứng phó, khắc phục và giảm thiểu tối đa các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn TP Cần Thơ trong thời gian tới, UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Công văn số 3757/UBND-KT về việc tăng cường chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng các cơ quan, ban ngành thành phố, chủ tịch UBND các quận, huyện tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 19-7-2024 của UBND TP Cần Thơ về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn; tập trung chỉ đạo, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triển khai quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức thực hiện công tác quan trắc, đo đạc, theo dõi chặt chẽ, dự báo và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình khí tượng thủy văn, thiên tai, dòng chảy trên các sông; bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đầu tư, nâng cấp trang thiết bị và nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, dự báo sớm, dài hạn về thiên tai để đảm bảo cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy, liên tục cho các địa phương ứng phó… Các đơn vị chuyên môn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo và chủ động đôn đốc các sở, ban ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao; chỉ đạo triển khai công tác vận hành, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều và công trình thủy lợi bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Các quận, huyện chủ động hơn nữa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm “bốn tại chỗ” với tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của người dân; tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở; xác định các khu vực trọng điểm xung yếu để chủ động xây dựng kịch bản bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra; chỉ đạo triển khai phương án phòng, chống thiên tai trong những tháng mùa mưa bão sắp tới…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố, nhấn mạnh: “Mùa mưa bão năm 2024, Thường trực Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố đề nghị UBND và ban chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các quận, huyện tăng cường hơn nữa công tác phòng tránh; thực hiện rà soát, cập nhật phương án ứng phó với thiên tai, đặc biệt là phương án sơ tán dân phù họp ở từng địa phương, nhất là tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng, hiệu quả sản xuất, phát triển kinh doanh trong những tháng mưa bão sắp tới…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết