26/09/2024 - 10:23

Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa bền vững 

ĐBSCL đang đứng trước yêu cầu cấp thiết vừa nâng cao chất lượng lúa gạo, vừa giảm phát thải khí nhà kính. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH), hạn mặn, sâu bệnh ngày càng gia tăng... đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp canh tác bền vững, cơ giới hóa đồng bộ, nâng chất chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo. Trong đó, việc thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị và vị thế gạo Việt trên thị trường quốc tế.

Hoàn thiện gói kỹ thuật canh tác

Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL chịu tác động của BĐKH, hoạt động phát triển thượng nguồn và kinh tế nội vùng. Trong đó, sản xuất lúa gạo đối mặt với nhiều thách thức do hạn, mặn ngày càng nghiêm trọng, ngập, nhiệt độ cao, phát thải khí nhà kính; nguồn nước tưới giảm đe dọa sản xuất lúa, mặn xâm nhập sâu và độ mặn cao, kéo dài. Sự thay đổi, phát triển nhanh của sâu bệnh hại, thất thoát trước và sau thu hoạch; độ màu mỡ của đất giảm ảnh hưởng giảm năng suất, sản lượng lúa, chi phí sản xuất lúa tăng làm giảm lợi nhuận của người trồng lúa.

Nông dân tham quan quy trình canh tác lúa bền vững, thích ứng BĐKH tại Viện Lúa ĐBSCL.

Trước những thách thức này Viện Lúa ĐBSCL đã phối hợp cùng các địa phương tham gia nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm phát thải khí nhà kính ở ĐBSCL. Trong đó có thể kể đến đề án “Phát triển gói kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến phát triển sản xuất lúa bền vững cho các tiểu vùng sinh thái ĐBSCL”, dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT), dự án tuyển chọn giống lúa thơm và chất lượng cao mang nhãn hiệu “Gạo Cần Thơ”, nghiên cứu ứng dụng thiết bị bay không người lái trong canh tác lúa bền vững, thích ứng với BĐKH, hướng dẫn kỹ thuật quản lý nước, quản lý rơm rạ để giảm phát thải trong canh tác lúa… Các chương trình, dự án nghiên cứu, cùng giải pháp canh tác tiên tiến đã và đang góp phần vào việc thực hiện hiệu quả đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”.

Theo Tiến sĩ Dương Hoàng Sơn, Trưởng Phòng Khoa học - Hợp tác quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL, về kỹ thuật canh tác lúa tại ĐBSCL, tiềm năng năng suất của các giống lúa ở ngưỡng khoảng 6 tấn/ha và có thể cải thiện từ 6 tấn trở lên, có thể nghiên cứu kéo dài hoặc rút ngắn thời gian sinh trưởng phù hợp cho vùng 2-3 vụ lúa/ năm. Bên cạnh đó, các giống lúa phải thích ứng được với điều kiện thay đổi về mặt sinh học và vi sinh học. Canh tác lúa đối diện với những áp lực về ngập, hạn, mặn, nhiệt độ… và cây lúa phải đáp ứng được với các kỹ thuật này. Ngoài ra hiện nay có rất nhiều quy trình kỹ thuật canh tác an toàn như VietGAP, Global GAP, canh tác hữu cơ… để tăng chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính. Việc cơ giới hóa đồng bộ từ khâu thu hoạch đến sản xuất lúa tại ĐBSCL đang được đẩy nhanh như áp dụng máy bay không người lái phục vụ cho gieo sạ, bón phân, phun thuốc ngày càng tăng. Trong sản xuất lúa đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu từ làm đất đến thu hoạch và sau thu hoạch nhưng mảng sau thu hoạch cũng cần có những chương trình đầu tư gia tăng chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Cần hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, những cánh đồng lớn, hợp tác xã để thuận lợi ứng dụng các kỹ thuật canh tác sản xuất lúa bền vững. Đặc biệt là đang triển khai đồng bộ đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Chăm chút hơn cho ngành hàng lúa gạo

Để nâng cao giá trị sản phẩm lúa gạo, các nhà khoa học và các địa phương cho rằng cần áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cải thiện chất lượng giống lúa, áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới, an toàn, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch và sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hình thành các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa như cánh đồng lớn, hợp tác xã... Để phát triển và nhân rộng mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính cần quan tâm xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin về công nghệ hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn cho lúa gạo; tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững…

Theo ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về công nghệ hỗ trợ nông nghiệp tuần hoàn cho lúa gạo, cần xây dựng hệ thống công cụ đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp, hướng đến thị trường các-bon trong và ngoài nước. UBND thành phố cần tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững làm gia tăng giá trị và phát triển bền vững ngành lúa gạo thích ứng BĐKH và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế…

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam, các vấn đề về kỹ thuật canh tác cần được quan tâm nhằm giảm chi phí sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm gạo của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện các cam kết quốc tế về thực hiện lộ trình giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2050 gắn với đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, sản xuất sản phẩm gạo sạch, an toàn, truy xuất nguồn gốc. Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” cần sự đồng thuận trong quá trình thực hiện, với sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, hợp tác xã, nông dân… Trong đó, cần tuyên truyền để nông dân tuân thủ các quy trình canh tác giảm phát thải khí nhà kính để giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Giống lúa đã có, kỹ thuật canh tác đã có, cần hoàn thiện chuỗi liên kết sản xuất, có bước chủ động tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, khắc phục các điểm yếu để nâng cao chất lượng, giảm giá thành đầu vào, giảm phát thải, xây dựng chuỗi liên kết hài hòa và trách nhiệm hơn. Các quốc gia nhập khẩu gạo hiện nay sẵn sàng bỏ tiền để nhập khẩu và có quyền yêu cầu các quốc gia nhập khẩu gạo đảm bảo chất lượng, truy xuất nguồn gốc, yêu cầu về an toàn thực phẩm. Nếu chúng ta không có sản phẩm đáp ứng yêu cầu thì sẽ có thị trường khác tham gia cung ứng. Đây là nỗi lo của những người làm công tác quản lý nhà nước về ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng. Do đó, cần có chiến lược để đảm bảo lợi nhuận bằng cách chăm chút cho ngành hàng lúa gạo phát triển tốt hơn trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết