23/10/2016 - 16:30

Tăng cường liên kết nâng cao hiệu quả trồng trọt

Năm 2016 dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo thành phố, sự vào cuộc tích cực của ngành nông nghiệp trong tháo gỡ khó khăn đã giúp các hoạt động trồng trọt tại thành phố tiếp tục được duy trì, phát triển. Diện tích, sản lượng sản xuất nhiều loại cây trồng tăng khá so với cùng kỳ năm trước, nhất là trồng các loại cây có hiệu quả.

Nhiều tiền đề thuận lợi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, trong sản xuất lúa năm nay, ngành tiếp tục quan tâm đẩy mạnh cơ giới, phát triển các diện tích sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa đặc sản ngon, chất lượng cao và đẩy mạnh phong trào "Cánh đồng lớn (CĐL)". Tổng diện tích lúa của nông dân tham gia CĐL đã đạt trên 18.300 ha/vụ, tăng 45,7 lần so với lúc mới khởi điểm phát động CĐL năm 2011. Mô hình CĐL đã thúc đẩy liên kết giữa các nông dân, hình thành liên kết nhóm nông dân với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp trong đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, nông dân và doanh nghiệp cùng có lợi khi giá thành sản xuất giảm, chất lượng và giá bán sản phẩm tăng và giảm được các tác động xấu đến môi trường. Với sự tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của 26 doanh nghiệp, nông dân tại nhiều mô hình CĐL trên địa bàn thành phố tăng lợi nhuận từ 2,95-5,5 triệu đồng/ha.

Tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ngành nông nghiệp cũng đã tích cực hướng nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp tình hình mới để nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là việc thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi các diện tích vườn tạp và đất lúa kém hiệu quả sang các mô hình trồng rau màu, cây ăn trái hiệu quả gắn phát triển du lịch sinh thái. Đầu năm đến nay, đã chuyển đổi được hơn 1.190 ha, nâng tổng diện tích chuyển đổi từ năm 2014 đến nay lên hơn 10.000 ha.

Thu hoạch
Dâu Hạ Châu tại Hợp tác xã Dâu Hạ Châu huyện Phong Điền. 

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Nhiều mô hình chuyển đổi sản xuất đã giúp mang lại hiệu quả khá cao, cụ thể như mô hình trồng dưa hấu lợi nhuận khoảng 58 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn trồng lúa khoảng 30 triệu đồng ha/vụ; mô hình trồng mè luân canh với sản xuất lúa trong vụ hè thu giúp nhiều nông dân thu lợi nhuận 17-21 triệu đồng/ha, cao hơn 7-10 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa. Bước đầu cũng hình thành một số vùng sản xuất tập trung rau màu, hoa kiểng và cây ăn trái đặc sản có thương hiệu, mang lại hiệu quả cao.

Tích cực khắc phục khó khăn

Sản xuất trồng trọt thời gian qua đã đạt được nhiều tiến bộ, tạo tiền đề thuận lợi cho các hoạt động sản xuất những tháng cuối và đầu năm 2017. Tuy nhiên, các khó khăn, tồn tại vẫn còn rất lớn, đòi hỏi cần được quan tâm khắc phục kịp thời. Đáng chú ý là biến đổi khí hậu, hạn hán, mưa bão và các yếu tố thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng và làm tăng chi phí sản xuất, nhất là chi phí cho tưới tiêu. Tình trạng lũ thấp làm giảm chất lượng dinh dưỡng đất trồng ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất lúa và nhiều loại cây trồng cũng như làm tăng nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh gây hại cho cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Biến đổi khí hậu và nước lũ về thấp, khiến các loại dịch hại có xu hướng phát triển mạnh, nhất là chuột, ngành nông nghiệp cần tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ nông dân thực hiện các giải pháp sinh học để diệt chuột. Đẩy mạnh thông tin về thời tiết, mưa lũ, hạn mặn để người dân chủ động bảo vệ sản xuất…". Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh Đỗ Sĩ Nhường, cho rằng: "Cần rút kinh nghiệm về tình hình hạn hán làm giảm năng suất lúa vụ đông xuân 2015-2016 và mưa gió gây thiệt hại lúa hè thu 2016… để có chỉ đạo sản xuất tốt hơn trong các vụ tới đây". Theo ông Nhường, trong vụ lúa hè thu vừa qua, do nhiều nơi bà con còn chủ quan nên bị thiệt hại nặng do mưa gió làm lúa bị đổ ngã ngập nước trên đồng, tới đây cần xây dựng quy trình phòng chống lúa đổ ngã gắn với thực hiện tốt cơ giới hóa trong thu hoạch. Mặt khác, đối với sản xuất rau màu và cây ăn trái, huyện cũng xác định cần hỗ trợ, khuyến khích nông dân xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc câu lạc bộ để thực hiện tốt hơn việc sản xuất, khắc phục tình trạng sản xuất tự phát, đầu ra sản phẩm bấp bênh.

Năm 2017, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ xác định lúa tiếp tục là cây trồng chủ lực, với kế hoạch sản xuất lúa cả năm đạt tổng diện tích 216.000 ha, sản lượng dự kiến hơn 1,3 triệu tấn. Trong đó, vụ đông xuân gieo sạ 86.470 ha, vụ hè thu 77.460 ha và vụ thu đông 52.150 ha. Diện tích trồng cây ăn trái đạt 15.800 ha, sản lượng trên 80.000 tấn; diện tích trồng  rau màu, hoa, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 17.540 ha, với sản lượng hơn 107.670 tấn.

Hiện nay, trình độ một bộ phận nông dân còn hạn chế nên cũng gặp khó trong tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát triển sản xuất theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Mặt khác, mối liên kết giữa "4 nhà" còn lỏng lẻo, chất lượng chưa đồng đều nên sản phẩm yếu thế cạnh tranh trên thị trường. Đây là những vấn đề cần các bên liên quan cùng nhau vào cuộc để tháo gỡ. Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt do hội nhập quốc tế, trong khi đất sản xuất nông nghiệp tại thành phố có xu hướng thu hẹp dần. Muốn nâng cao được giá trị sản xuất và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, TP Cần Thơ cần tạo đột phá trong xây dựng và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, nông nghiệp đô thị hiệu quả cao. Cần củng cố mối liên kết "4 nhà" để nâng chất, phát triển mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cụ thể như hình CĐL trong sản xuất lúa. Các cơ quan chức năng phải tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của tất cả các bên liên quan trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm sạch; tích cực hỗ trợ xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản sạch để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong sản xuất. Hiện tại, công ty cũng đã định hướng cho nông dân tại các mô hình CĐL của mình phải thực hiện quy trình sản xuất mới để nâng cao hơn nữa chất lượng sản xuất lúa gạo, nhất là phải đảm bảo sản xuất "sạch". Ông Bùi Văn Kiệt, Phó Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, cho biết: "Để tránh tình trạng "bẻ kèo" giữa nông dân và doanh nghiệp trong thực hiện các hợp đồng sản xuất tiêu thụ lúa trong các vụ sản xuất tới đây, chính quyền huyện Cờ Đỏ đang tăng cường phối hợp với nông dân và doanh nghiệp để xây dựng các hợp đồng có tính ràng buộc cao giữa 2 bên và giao chính quyền tại các xã, ấp phải theo dõi, giám sát chặt việc thực hiện hợp đồng…".

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng Phòng Kinh tế quận Bình Thủy, nông nghiệp trên địa bàn quận đã được định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, với diện tích nhỏ nhưng hiệu quả cao. Các cơ quan chức năng của quận đã quan tâm hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, chú trọng thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác và câu lạc bộ để liên kết sản xuất mới phát triển được các sản phẩm chất lượng, có lượng hàng hóa lớn, dễ tiêu thụ. Đến nay, trên địa bàn quận đã hình thành được khá nhiều mô hình nông nghiệp đô thị giúp mang lại hiệu quả như: mô hình Hợp tác xã sản xuất rau an toàn, Hợp tác xã hoa kiểng, hợp tác xã nuôi bò sữa, các tổ hợp tác sản xuất nấm bào ngư và nấm rơm, Câu lạc bộ làm vườn…

Rõ ràng, nâng cao hiệu quả sản xuất trồng trọt trong tình hình sản xuất càng có nhiều yếu tố bất lợi và diện tích đất canh tác nhỏ lẻ manh mún theo từng nông hộ, nhất thiết cần phải tăng cường liên kết giữa các hộ nông dân với nhau và với doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết