17/01/2013 - 21:47

TP Cần Thơ – Viện Lúa ĐBSCL

Tăng cường hợp tác sản xuất, cung ứng lúa giống

Những năm gần đây, sản xuất lúa gạo ĐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng phải đối mặt với biến đổi khí hậu, dịch hại diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu gạo cạnh tranh gay gắt… Trước tình hình này, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đã chủ động phối hợp với Viện Lúa ĐBSCL thực hiện Dự án "Xây dựng hệ thống sản xuất và cung ứng giống lúa cho TP Cần Thơ". Dự án này được xem là chiến lược quan trọng trong việc tạo ra những giống lúa mới, kháng sâu bệnh, thích nghi rộng với nhiều điều kiện canh tác, đạt năng suất, chất lượng cao, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

 Viện Lúa ĐBSCL bàn giao giống lúa mang thương hiệu Cần Thơ từ kết quả nghiên cứu Đề tài “Chọn tạo giống lúa năng suất chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa TP Cần Thơ”.

Theo nhận định của các nhà khoa học, nhờ sự hợp tác chặt chẽ với các viện, trường, TP Cần Thơ có điều kiện thuận lợi để đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và trong tương lai sẽ giữ vai trò trung tâm cung ứng giống lúa cho các địa phương trong vùng. Nhận thức được vai trò này, từ năm 2007, thành phố đã "đặt hàng" Viện Lúa ĐBSCL lai tạo, chọn lọc những giống lúa bổ sung vào bộ lúa giống của thành phố, với yêu cầu "gạo trắng". Kết quả đã chọn tạo được các giống đặc trưng, mang thương hiệu Cần Thơ: Cần Thơ 1, Cần Thơ 2, Cần Thơ 3, Cần Thơ 4… Song song đó, nhằm góp phần nâng cao chất lượng giống lúa, hằng năm, thành phố đầu tư kinh phí khoảng 500-600 triệu đồng để tổ chức sản xuất giống theo hệ thống giống 3 cấp cho các hộ, tổ, nhóm, câu lạc bộ, hợp tác xã, tổ hợp tác… Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp, do điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật của các đơn vị còn hạn chế, trình độ sản xuất giống lúa vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm định, kiểm nghiệm để chứng nhận lô giống phù hợp quy chuẩn chưa được thực hiện sâu rộng nên chất lượng hạt giống chưa thật sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình sản xuất…

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: "Mục tiêu Dự án nhằm chọn lọc ra bộ giống lúa mới, triển vọng; có năng suất, chất lượng cao; khả năng chống chịu sâu bệnh và thích nghi với từng vùng trồng lúa trọng điểm trên địa bàn TP Cần Thơ. Đồng thời, tăng cường năng lực sản xuất, chế biến và bảo quản lúa giống cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống thông qua các buổi tập huấn, chuyển giao kỹ thuật...". Hệ thống sản xuất, cung ứng lúa giống của TP Cần Thơ được xây dựng dựa trên các cơ sở sản xuất và kinh doanh lúa giống của TP Cần Thơ đã có sẵn và có sự sắp xếp, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Hệ thống này bao gồm: Sở NN&PTNT; Trung tâm Giống cây trồng-vật nuôi-thủy sản; Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ; Nông trường Sông Hậu; Viện Lúa ĐBSCL; các hợp tác xã, câu lạc bộ, tổ và nông hộ sản xuất lúa giống…

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện Dự án từ tháng 5-2013 đến 5-2016, với tổng kinh phí đầu tư trên 6,6 tỉ đồng. Trong đó, kinh phí xây dựng cơ bản, trang thiết bị (sân phơi, nhà kho, máy phân loại hạt lúa, máy đo độ ẩm…) là hơn 4,1 tỉ đồng và 2,5 tỉ đồng phục vụ nghiên cứu, triển khai Dự án. Phương pháp khảo nghiệm giống lúa được thực hiện dựa theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khảo nghiệm giá trị canh tác và sử dụng của giống lúa. Dự kiến, bộ giống khảo nghiệm khoảng 12 giống được thực hiện tại huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh. Sau khi Dự án hoàn thành, mỗi năm TP Cần Thơ có khả năng cung ứng khoảng 4,5 tấn lúa giống siêu nguyên chủng, 450 tấn lúa giống nguyên chủng và hơn 22.000 tấn lúa giống cấp xác nhận...

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: "Với năng lực duy trì nguồn giống gốc, khả năng nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới, viện sẽ hỗ trợ TP Cần Thơ trong việc sản xuất, cung ứng các giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng. Đồng thời, cung cấp dịch vụ kiểm định, kiểm nghiệm; tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất lúa giống và thực hiện tác quyền giống lúa trong suốt quá trình thực hiện Dự án. Kết quả Dự án mang lại là bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao năng lực sản xuất, cung ứng lúa giống chất lượng cao cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, từng bước đảm bảo nhu cầu giống cho TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL".

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng: Sản xuất lúa của thành phố trong những năm tới tiếp tục được duy trì nhằm đảm bảo an ninh lương thực, góp phần vào sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Do đó, việc lai tạo các giống lúa thích ứng cho từng vùng, chống chịu sâu bệnh, hạn mặn phục vụ sản xuất vẫn là nhu cầu bức thiết. Để Dự án được thực hiện bài bản và mang lại hiệu quả cao nhất, các đơn vị trong hệ thống sản xuất và cung ứng lúa giống phải có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Khi mối liên kết này được phát huy, TP Cần Thơ không những sở hữu các giống lúa mới, triển vọng đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, phục vụ xuất khẩu mà còn tạo sự chuyển biến nhận thức của nông dân, từ đó nâng cao tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận để gia tăng năng suất, chất lượng lúa gạo...

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết