22/02/2020 - 10:59

Tận tâm, tận tụy 

Mỗi cán bộ y tế, không kể ở vị trí công tác nào, khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, trách nhiệm của người thầy thuốc thôi thúc họ từng ngày tận tâm, tận tụy vì người bệnh. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, thêm một lần tôn vinh những “chiến sĩ áo trắng”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phong kiểm tra tiến triển sức khỏe của bệnh nhân.

Khởi đầu ngày làm việc bác sĩ Nguyễn Văn Phong, phụ trách Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp, Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ ưu tiên điểm qua bảng thông báo danh sách bệnh nhân bệnh nặng đang nằm điều trị tại khoa. Sau đó, bác sĩ Phong đến Phòng bệnh số 3 - phòng bệnh nặng, để thăm khám, kiểm tra tình trạng diễn tiến của từng bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Phong cho biết, hiện tại, khoa có hơn 80 giường thực kê, điều trị nội trú cho đa số bệnh nhân mắc các bệnh lý về thần kinh, phổ biến là các bệnh đột quỵ, tai biến mạch máu não... Từ khi BV Đa khoa TP Cần Thơ dời về trụ sở mới khang trang, với nhiều thiết bị y tế hiện đại, chuyên khoa nội và ngoại thần kinh song song phát triển, thực hiện nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Năm 2018, Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp triển khai kỹ thuật đo điện não, đo điện cơ, hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác. Trên cơ sở đó, bệnh nhân được phẫu thuật, can thiệp tại chỗ kịp thời, hiệu quả.

Theo bác sĩ Phong, mặc dù điều kiện khám chữa bệnh được đảm bảo đầy đủ, nhưng quá trình chăm sóc cho bệnh nhân mắc các bệnh lý thần kinh - sọ não vô cùng khó khăn, vất vả. Đa phần các bệnh nhân nhồi máu não thường có triệu chứng mê man, liệt cơ, không tự ăn uống được, cần sự hỗ trợ tích cực của cán bộ y tế. Trước thực tế đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ y tế nâng cao năng lực chuyên môn, thực hiện các quy trình điều trị chuyên nghiệp, cùng với sự tận tâm, tận tụy trong chăm sóc, điều trị.

Cô Trần Thị Ngọc Dung (52 tuổi, ở tỉnh Vĩnh Long), bị viêm tủy, nhập viện BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị hồi cuối tháng 11 - 2019, với tình trạng từ ngang ngực xuống hai chân không cử động được, nằm một chỗ. Các bác sĩ Khoa Nội thần kinh - cơ xương khớp tận tình điều trị, sau một thời gian, bệnh dần thuyên giảm. Khi xuất viện, các bác sĩ tư vấn cô phải tiếp tục uống thuốc, kết hợp tập vật lý trị liệu để mau hồi phục tại Khoa Y dược Cổ truyền - vật lý trị liệu của BV. Sau hai đợt nằm viện điều trị châm cứu, tập vận động phục hồi chức năng, cô Dung dần cử động được hai chân. Cô Dung xúc động kể: “Tôi tưởng mình không qua khỏi hoặc nhẹ hơn thì cũng thành người tàn phế. Nhưng nhờ các bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ tận tình cứu chữa, chăm sóc nên sức khỏe tôi ngày một khá. Tôi cảm ơn các bác sĩ BV này rất nhiều”.

Y sĩ y học cổ truyền Huỳnh Hữu Trung, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Dung, cho biết, muốn đạt được hiệu quả điều trị bệnh, nhất là các bệnh lý đột quỵ, cần sự hợp tác tốt của người bệnh với cán bộ y tế và thời gian điều trị lâu dài. Đây cũng là nguyên nhân khiến những bệnh nhân có điều kiện kinh tế khó khăn đối mặt với nguy cơ bỏ dở việc điều trị, do “cạn nguồn” tài chính. Anh Trung cùng các cán bộ y tế của Khoa Y dược cổ truyền - vật lý trị liệu thường xuyên hỗ trợ chi phí cho người bệnh. Một số bệnh nhân khó di chuyển, không đến được BV, cán bộ y tế tranh thủ ghé nhà châm cứu, xoa bóp.

Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Phú, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng nâng cao, đòi hỏi Ban Giám đốc phải xây dựng định hướng chiến lược phát triển về lâu dài cho BV. Trước tiên, BV phải nâng cao hơn nữa tinh thần thái độ tiếp xúc, phục vụ người bệnh để tạo niềm tin hướng đến sự hài lòng của người bệnh, đồng thời phải đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ y bác sĩ của BV, tranh thủ sự hỗ trợ chuyên môn sâu của các BV tuyến trung ương và tổ chức quốc tế.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết