30/06/2018 - 19:36

Tấm lòng của người thương binh 

Chiến tranh đi qua với những mảnh đạn còn trong cơ thể, nhưng ông Nguyễn Hữu Thời (69 tuổi, ngụ khóm Nguyễn Du, phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên, An Giang) vẫn cần mẫn tham gia công tác tại địa phương, thường xuyên giúp đỡ gia đình khó khăn, đặc biệt là mở lớp học tình thương giúp trẻ em nghèo biết chữ.

Ông Thời chỉ dẫn các em học sinh tại lớp học tình thương. Ảnh: BÌNH NGUYÊN
Ông Thời chỉ dẫn các em học sinh tại lớp học tình thương. Ảnh: BÌNH NGUYÊN

Ông Thời kể ông tham gia kháng chiến năm 13 tuổi, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, những mảnh đạn còn trong chân phải vẫn ngày đêm hành hạ ông. Tuy nhiên với ông, vết thương trên cơ thể vẫn không bằng những mất mát, đau thương do hậu quả của chiến tranh để lại. Khóm Nguyễn Du nơi ông ở là một xóm nghèo; do cha mẹ nghèo khó, gia đình ly tan, con cái phải sống với ông bà, không có giấy khai sinh… nên nhiều trẻ không được đến trường. “Tụi nhỏ không biết chữ rồi tụ tập với phần tử xấu, nếu cứ để mãi tình trạng này thì sớm muộn chúng cũng sa vào tệ nạn, vi phạm pháp luật. Do đó, phải tìm cách để bọn trẻ có điều kiện học tập, có thêm kiến thức để không chỉ lo được cho bản thân mà còn giảm gánh nặng cho xã hội”, ông Thời nói.

Từ suy nghĩ đó, hơn 20 năm trước, ông Thời đứng ra xin mở lớp học tình thương để dạy cho các em con chữ, phép tính, điều hay lẽ phải, giáo dục các em tránh xa cái xấu. Hằng ngày ông đích thân đi vận động người dân, gom nhặt từng cây tre, tấm tôn để dựng lên lớp học tình thương; rồi thuyết phục những người lớn tuổi có kiến thức, uy tín ở địa phương đứng lớp giảng dạy cho các em.

Do lớp học có nhiều thành phần, trình độ và khả năng tiếp thu của học sinh không đồng đều nên thời gian đầu việc dạy học của ông Thời rất vất vả. Để các em dễ dàng tiếp thu kiến thức, ông phải phân bảng ra làm hai phần, chia học sinh ra làm hai nhóm theo đúng trình độ rồi lên phương án giảng dạy. “Là lớp học “5 trong 1” cộng với mình chưa biết về phương pháp sư phạm nên ban đầu cũng lúng túng. Nhưng rồi vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thế là mọi chuyện cũng tốt đẹp và luôn duy trì sỉ số lớp hơn 15 cháu cho đến nay”, ông Thời chia sẻ.

Tuy thành công ban đầu nhưng dần về sau do trải qua nhiều lần đổi mới sách giáo khoa, cách dạy cũ không còn phù hợp buộc ông Thời phải tính toán để việc truyền thụ kiến thức cho học sinh đạt hiệu quả hơn. Ông Thời đã tìm đến các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn vận động sinh viên tình nguyện đến lớp học tình thương dạy cho các em.

Bạn Cao Thị Chúc Ly (sinh viên Trường Đại học An Giang) kể: “Lớp học tuy đơn sơ, nhưng nhìn thấy các em cẩn thận viết từng con chữ, phép tính, lòng tôi như thắt lại. Thấy cuộc đời mình quá may mắn khi được đến trường, còn các em thì thiếu vắng tình thương của cha mẹ. Con đường tìm đến con chữ của các em sao quá khó, tôi mong góp một phần sức nhỏ bé của mình để khi các em lớn lên trở thành người có ích cho xã hội”. Anh Nguyễn Văn Quang, ngụ khóm Nguyễn Du, cho biết: “Lớp học không chỉ giúp các cháu biết chữ mà còn biết vâng lời, lễ phép nên bà con trong khóm rất yên tâm, ai cũng ủng hộ”.

Không chỉ mở lớp học tình thương, ông Thời còn dùng lương hưu của mình để lập Câu lạc bộ (CLB) “Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thảo”. Ban đầu, CLB có 11 ông bà và 4 cháu. Sau 2 năm, số lượng đã tăng 40 cháu. Từ đó, góp phần đưa khóm Nguyễn Du trở thành khóm văn hóa. Em Võ Thành Đạt (10 tuổi) bộc bạch: “Cháu không được đến trường từ nhỏ, sau này nhờ ông Thời cháu được đến lớp và giờ có thể tự viết được tên của mình nên vui lắm. Ngoài ra, ông và các cô giáo còn dạy điều hay lẽ phải, biết kính trên nhường dưới, hòa đồng với bạn bè, không đánh nhau, trộm cắp…”.

Ông Nguyễn Hữu Phức, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Mỹ Bình, cho biết: “Đa phần các em trong lớp học tình thương là con em gia đình lao động nghèo ngoài tỉnh, tìm đến địa phương để mưu sinh, nhiều hộ không có hộ khẩu, số nhà, giấy đăng ký kết hôn nên chính quyền gặp khó trong công tác làm giấy khai sinh cho các em. Do đó, việc có lớp học tình thương đã góp phần vào việc xóa mù chữ ở địa phương. Riêng những em được đến trường đúng tuổi, lãnh đạo địa phương cũng phân công cán bộ xác minh, nắm tình hình tạo điều kiện cho các em có đầy đủ giấy tờ tùy thân theo quy định…”.

Hôm chúng tôi đến thăm, lớp học tình thương vừa được mạnh thường quân tại TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 100 triệu đồng xây mới khang trang. Sinh viên Trường Đại học An Giang cũng ủng hộ tủ sách để các em tham khảo. Riêng ông Thời cho biết ông sẽ tiếp tục chăm lo nhiều hơn cho lớp học, nhất là tương lai của các em. “Tôi đang liên hệ với ngành chức năng để tổ chức lớp dạy nghề may cho các cháu. Vì khi các cháu lớn ra trường nếu có nghề, không chỉ tự nuôi sống bản thân mà còn giúp đỡ cho gia đình”, ông Thời tâm sự.

BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết