01/03/2010 - 20:45

Tại sao số thương vong do động đất ngày càng lớn?

Mặc dù hai trận động đất kinh hoàng ở Haiti và Chile xảy ra cách nhau chỉ vài tuần, các nhà khoa học cho rằng hai thảm họa này không hẳn dính dáng với nhau. Trong khi cơn địa chấn mạnh 8,8 độ Richter làm rung chuyển quốc gia Nam Mỹ cuối tuần qua là “sự kiện thường niên”, thì trận động đất với cường độ 7 độ Richter tàn phá đất nước vùng Caribbe hôm 12-1 thuộc dạng xảy ra hà rầm - bình quân trên thế giới mỗi tuần xảy ra một trận địa chấn kiểu này.

Theo giáo sư John McCloskey thuộc khoa địa chất Đại học Ulster (Anh), không có bằng chứng xác thực nào cho thấy hai trận động đất xảy ra cách nhau hàng nghìn km và trong vòng chưa tới 2 tháng có liên quan với nhau. Ông cũng bác bỏ những quan ngại cho rằng các cơn địa chấn thảm khốc đang xảy ra với mức độ thường xuyên hơn. Trong khi đó, Zhang Xiaoding, phó giám đốc Trung tâm mạng lưới động đất Trung Quốc, cho rằng tần suất xảy các trận động đất mạnh trên 8 độ Richter trên toàn cầu có chiều hướng gia tăng trong thế kỷ 21 nhưng vẫn “còn nằm trong ngưỡng bình thường”.

Một chung cư ở thành phố Concepcion (Chile) vỡ ra làm đôi sau trận động đất hôm 27-2. Ảnh: EPA 

“Số vụ động đất trên thế giới không tăng nhưng số người thiệt mạng trong các trận động đất thì gia tăng đáng sợ”, giáo sư McCloskey nhấn mạnh. Ông cho rằng không phải động đất mà chính là nghèo đói đã giết chết quá nhiều nạn nhân. Không ít người đã đặt câu hỏi: Tại sao trận động đất ở Chile với cường độ lớn hơn nhiều (cường độ mạnh nhất trong vòng 50 năm qua) so với cơn địa chấn ở Haiti nhưng số thương vong lại ít hơn rất nhiều. (Tính đến hôm qua, số người bỏ mạng vì động đất ở Chile lên hơn 700 người trong khi theo Liên Hiệp Quốc và chính phủ Haiti, số người tử nạn tại nước này hiện xấp xỉ 230.000 người.) Nguyên nhân theo các chuyên gia cũng khá đơn giản.

So với Haiti, Chile có nền kinh tế hưng thịnh với hạ tầng xây dựng vững chắc nhờ áp dụng nghiêm luật xây dựng. Do có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với thảm họa động đất (Chile từng hứng chịu trận động đất mạnh 9,5 độ Richter làm hơn 1.600 người chết hồi năm 1960) nên quốc gia Nam Mỹ đã phản ứng kịp thời ngay khi mặt đất rung chuyển. Cũng giống như Nhật Bản, Chile cũng nằm trên “vành đai lửa Thái Bình Dương” nên người dân Chile đã quen sống chung với những lần “giáp lá cà” của các mảng lục địa. Ngoài ra, hầu hết các công trình xây dựng, kể cả nhà ở của những người có thu nhập thấp ở Chile được thiết kế để đu đưa theo sóng địa chấn thay vì hứng chịu. Trong khi đó, không một người dân nào ở Haiti trải nghiệm “sự trở mình” của Trái đất cho đến khi thảm họa ập đến hồi tháng Giêng vừa qua. Được biết, trận động đất gần nhất ở Thủ đô Port-au-Prince xảy ra cách đây 250 năm. Đó là chưa kể, trước nay Haiti không hề có luật xây dựng.

Ngoài ra, không thể không kể đến yếu tố may mắn của Chile. Tâm chấn của trận động đất hôm thứ Bảy vừa qua nằm xa bờ biển dưới độ sâu 34 km thuộc khu vực dân cư thưa thớt, cách Thủ đô Santiago 325 km. Còn thảm họa ở Haiti xảy ra gần mặt đất - cách khoảng 13 km - và ngay ngoại ô Thủ đô Port-au-Prince. “Động đất không làm chết người và cũng không gây hư hại nếu không có gì có thể tàn phá”, Eric Calais, chuyên gia địa vật lý Mỹ đang nghiên cứu trận động đất ở Haiti, nhận định. Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, 8 đô thị lớn nhỏ của Haiti, bao gồm thủ đô 3 triệu dân - đã hứng chịu tình trạng rung chuyển ở cấp độ “mãnh liệt” cho đến “cực độ”. Trong khi đó, không một thành phố nào ở Chile chấn động vượt cấp độ “dữ dội” - cấp độ 3 trong thang địa chấn.

Về khía cạnh năng lượng tỏa ra ở tâm địa chấn, trận động đất ở Chile giải phóng nguồn năng lượng mạnh gấp 501 lần nhưng lại di chuyển khá chậm trong lòng đất. Trong khi đó, địa chấn ở Haiti sinh ra năng lượng với cường độ thấp hơn rất nhiều nhưng lại “chạy” nhanh hơn khiến mặt đất rung chuyển gần như tức thì.

TÂM BÌNH (Theo AP, Daily Mail, Xinhua)

Chia sẻ bài viết