30/12/2010 - 22:00

Quyền sở hữu trí tuệ

Tài sản lớn của doanh nghiệp

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam đang bị xâm phạm khá nghiêm trọng và ngày càng phức tạp. Hàng nhái, hàng giả, hàng sao chép, hàng lậu được bày bán công khai ở nhiều nơi, gây thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất chính thống. Mặc dù vậy, trên thực tế rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa chú trọng đến xây dựng và bảo hộ thương hiệu - một tài sản vô hình nhưng có giá trị lớn của DN.

Nhãn hàng thời trang Khatoco của Công ty Thương mại Khatoco đang từng bước chinh phục lòng tin của người tiêu dùng nhờ biết chú trọng vào xây dựng thương hiệu mạnh.  

Luật SHTT sửa đổi, bổ sung năm 2009, có hiệu lực từ ngày 1-1-2010, quyền SHTT được bảo hộ gồm: quyền tác giả và quyền liên quan quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Các đối tượng thuộc SHTT: sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết bị bố trí, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh, chống cạnh tranh không lành mạnh. SHTT được thừa nhận trên toàn thế giới như là một tài sản quan trọng và là một động lực cho đổi mới, tiến bộ công nghệ. Ông Trần Việt Hùng, Cục Trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng: “Bảo hộ quyền SHTT là một trong ba trụ cột của đàm phán thương mại quốc tế: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, bảo hộ quyền SHTT. SHTT có thể trở thành một tài sản có giá trị của DN, có thể được khai thác để tăng doanh thu và lợi nhuận, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước”.

Thực tế cho thấy, trên thế giới, có rất nhiều DN thành công nhờ khai thác có hiệu quả quyền SHTT của thương hiệu và qua đó tài sản vô hình của họ chiếm giá trị rất lớn trong kinh doanh. Có thể kể đến các thương hiệu như: Walt Disney, hoạt động lĩnh vực giải trí, hiện tài sản vô hình là 70,9%; Johnson & Johnson chuyên sản xuất kinh doanh mỹ phẩm, có tài sản vô hình 87,9%; hay thương hiệu phần mềm máy vi tính Microsoft, hiện tài sản vô hình chiếm 97,8%... Tại Việt Nam, cũng có không ít DN thành công nhờ xác định giá trị sản phẩm bằng quyền SHTT. Điển hình là cơ sở Duy Lợi, chuyên sản phẩm võng xếp, sản phẩm của DN được bảo hộ cả ở thị trường Việt Nam và nước ngoài. Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp cũng tăng lên theo từng năm. Hoặc trường hợp của thương hiệu cà phê Trung Nguyên, đã xác định được chỗ đứng vững trên thị trường, hay trường hợp PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, đã chuyển nhượng quyền sở hữu thành công cho giống lúa mới TH3-3 với giá trị 10 tỉ đồng...

Trong những năm gần đây, đa số DN Việt Nam nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký quyền SHTT. Hàng năm, số lượng đơn đăng ký SHTT tăng khoảng 20%. Tuy nhiên, theo Cục SHTT, việc đăng ký quyền SHTT chủ yếu tập trung tại các DN lớn, còn khá ít với các đối tượng DN vừa và nhỏ vẫn chưa mặn mà với việc đăng ký SHTT. Với đối tượng này, cứ 10 DN, thì có khoảng 3 DN đăng ký SHTT. Theo nhận định của các chuyên gia, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chủ yếu là do nhận thức của các DN, chưa nắm được quyền lợi và giá trị của việc đăng ký bảo hộ SHTT mang lại.

Theo các cơ quan quản lý, thực tế vấn đề vi phạm quyền SHTT dễ xác định nhưng khó quản lý. Ông Nguyễn Văn Sanh, Phó chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ, cho biết: “Trong những năm trở lại đây, số lượng sản phẩm đăng ký SHTT tăng lên đáng kể, nhưng vi phạm quyền SHTT ngày càng tăng. Thực tế tại Việt Nam, việc bảo hộ quyền SHTT còn khá mới, mặc dù đã có Luật SHTT, nhưng lực lượng quản lý và xử lý còn thiếu và yếu. Còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý về hành chính và cấp phép kinh doanh. Mặt khác, không ít DN chưa nhận thức tốt về việc đăng ký và bảo hộ quyền SHTT. Trước thực trạng này, người tiêu dùng cần tự bảo vệ mình bằng những kiến thức tiêu dùng. Cơ sở kinh doanh, giá bán hàng hóa là một trong những dấu hiệu đầu tiên để nhận biết giá trị hàng chính hãng”.

Bà Nguyễn Ý Nguyện, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công Nghệ TP Cần Thơ, cho rằng, số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp trong năm 2009 và 6 tháng đầu năm 2010 tại TP Cần Thơ tăng 32% (506 văn bằng), chủ yếu là trong lĩnh vực dược phẩm, thuốc trừ sâu, hóa chất, mỹ phẩm, số còn lại là sản phẩm thuộc về thực phẩm, đồ uống, vật liệu xây dựng và các dịch vụ khác. Hiện nay, Sở đang thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, về phía các DN cũng nên thành lập các bộ phận chuyên trách về SHTT, gắn chiến lược phát triển SHTT cùng chiến lược kinh doanh và đặc biệt là tôn trọng quyền SHTT của DN khác. Thực hiện tốt việc này, các DN sẽ thành công trên thương trường một cách bền vững.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết