10/06/2019 - 07:17

Tái đàn khi bệnh dịch tả heo Châu Phi chấm dứt 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, đến nay hầu hết các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL đều xuất hiện bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Các địa phương trong vùng và cả nước đang thực hiện nghiêm túc công tác phòng tránh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ, giúp người chăn nuôi có điều kiện tái đàn sau khi bệnh dịch chấm dứt cũng được các cấp, các ngành nỗ lực thực hiện.

Heo giống được người chăn nuôi tại TP Cần Thơ chăm sóc tốt.

THIỆT HẠI…  

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, bệnh DTHCP hiện đã xảy ra trên 3.000 xã, phường, thị trấn của 52 tỉnh, thành trên cả nước. Các địa phương trên phải tiêu hủy trên 2 triệu con heo mắc bệnh. Tuy nhiên, bệnh dịch này vẫn đang phát triển và lây lan hằng ngày sang các địa phương khác. Tại TP Cần Thơ, tính từ ngày 24-5 đến 6-6-2019, bệnh DTHCP xảy ra từ 3 hộ chăn nuôi đến nay đã xuất hiện đến 67 hộ chăn nuôi thuộc 18 xã, phường của 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố (phường Phú Thứ, Thường Thạnh, Hưng Thạnh, Ba Láng, Hưng Phú của quận Cái Răng; xã Mỹ Khánh, Giai Xuân, Tân Thới, Nhơn Nghĩa, thị trấn Phong Điền, xã Trường Long của huyện Phong Điền; phường Long Hòa, Trà An quận Bình Thủy; phường An Khánh, phường Hưng Lợi của quận Ninh Kiều…). Tổng số heo bệnh tại các ổ dịch bị tiêu hủy 2.047 con với khối lượng trên 90 tấn, chiếm trên 1,2% trong tổng đàn heo. Trong khi thành phố hiện có hơn 5.200 hộ chăn nuôi heo, chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ, phân tán và thực trạng sử dụng thức ăn dư thừa của người chăn nuôi đã gây nhiều khó khăn, thách thức trong quản lý, bảo vệ đàn heo khỏe mạnh.

Ông Nguyễn Văn Tâm, ở xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, cho biết: “Hàng chục năm nay, tôi mới chứng kiến cảnh bệnh DTHCP hoành hành, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Bởi từ lâu, nuôi heo là một hình thức “bỏ ống” của nông dân. Heo gặp dịch bệnh người chăn nuôi coi như “trắng tay” nếu không được sự hỗ trợ của Nhà nước để tái đàn chăn nuôi”.

Ở tỉnh Sóc Trăng, DTHCP đã xảy ra tại các huyện Mỹ Xuyên, Trần Đề, Thạnh Trị, với tổng số heo tiêu hủy là 148 con, trên 6.400kg. Tỉnh Sóc Trăng hiện đưa ra quyết sách tập trung bảo vệ đàn heo giống gốc và coi đây là việc làm cấp thiết nhằm phục vụ việc tái đàn sau này khi DTHCP qua đi. Ông Nguyễn Hữu Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Đàn heo giống gốc của tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp canh phòng nghiêm ngặt “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Việc tiêu độc, thử trùng, vệ sinh chuồng trại được thực hiện thường xuyên. Đồng thời, đây là việc làm nhằm tạo giống tái đàn cho người nuôi trong tỉnh và ngoài tỉnh khi bệnh DTHCP đi qua”.

Hiện nhu cầu heo giống trong vùng tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, bảo vệ đàn heo giống gốc là việc làm cấp thiết của các địa phương trong vùng ĐBSCL. Khoảng 10 năm qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Sóc Trăng đã tạo lập đàn heo giống gốc có nguồn gen quý trên thế giới và cho năng suất, chất lượng cao, nâng cao chất lượng các giống heo thuần thích nghi với điều kiện nuôi ở địa phương, vùng ĐBSCL. Sóc Trăng còn được xem là một trong những tỉnh ở ĐBSCL duy trì, thuần dưỡng đàn heo giống tốt nhất miền Tây, với 200 con thế hệ cụ kỵ ông bà và hơn 1.000 con heo giống tốt như:  Yorkshire, Duroc, Landrace… Từ năm 2013 đến nay, đơn vị đã chuyển giao hàng ngàn con cho các trang trại, hộ chăn nuôi sản xuất heo giống trong và ngoài tỉnh, cung cấp đàn heo chất lượng cho người chăn nuôi.

GIẢI PHÁP 

Tại TP Cần Thơ, ngành thú y đã tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo trong ổ dịch, đồng thời rà soát, thống kê đàn nguy cơ, điều tra dịch tễ; lập chốt tạm thời kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ theo quy định, với 16 chốt (10 chốt để chống dịch bệnh và 6 chốt để phòng bệnh); tổ chức tiêu độc chống dịch khẩn cấp tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm, với diện tích tiêu độc 867.142m2/9.275 hộ (thống kê đến ngày 6-6); tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người chăn nuôi vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chăm sóc tốt trong quá trình nuôi dưỡng… Ngoài ra, người dân khẩn trương báo cáo khi đàn heo nuôi có dấu hiệu bệnh lạ, bệnh DTHCP.

Trong tình hình DTHCP đang lây lan, mỗi ngày có thêm nhiều ổ dịch mới phát sinh, khó kiểm soát, TP Cần Thơ triển khai các chế độ, chính sách hỗ trợ chi trả tiền thù lao cho cán bộ thú y và người trực tiếp tham gia phòng chống dịch; đồng thời có chính sách cụ thể hỗ trợ người chăn nuôi có heo mắc bệnh buộc tiêu hủy, với mức 38.000 đồng/kg heo hơi. Đối với heo nái, heo đực giống đang khai thác có mức hỗ trợ 1,5 lần so với mức hỗ trợ heo khác. Bên cạnh đó, thành phố huy động từ nhiều lực lượng, cơ quan chuyên môn vào cuộc phòng chống DTHCP, tăng cường công tác kiểm dịch động vật tại các trạm đầu mối giao thông, triển khai tiêu độc khử trùng môi trường khẩn cấp chống dịch, tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi heo theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm tra điều kiện giết mổ vả kiểm tra vệ sinh thú y… nhằm ngăn ngừa, hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh dịch lây lan, phát sinh thời gian tới.

Thực hiện Công điện số 667/CĐ-TTg ngày 4-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống DTHCP, các địa phương vùng ĐBSCL đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia phòng chống bệnh DTHCP; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo bệnh, các trường hợp khai không đúng về số lượng, trọng lượng heo bệnh... Bên cạnh đó, các địa phương kiện toàn, củng cố hệ thống thú y các cấp theo đúng quy định, tăng cường năng lực hệ thống thú y đảm bảo thực thi nghiêm và chủ động tham mưu cho chính quyền cơ sở phòng dịch; hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp vệ sinh, sát trùng, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho heo ăn…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Ngành nông nghiệp TP Cần Thơ đang triển khai đến các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện “5 không” về các quy định về phòng chống dịch bệnh động vật: không dấu dịch; không mua bán vận chuyển động vật bệnh chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt động vật bệnh chết; không vứt các động vật chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa khi chưa qua xử lý nhiệt. Các chính sách áp dụng hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn khi bệnh dịch chấm dứt cũng được ngành nông nghiệp thực hiện nghiêm túc, theo đúng quy định…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết