I- MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM RA ĐỜI ĐÁNH DẤU BƯỚC PHÁT TRIỂN VỀ CHẤT PHONG TRÀO YÊU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN TA
Từ cuối thế kỷ XIX thực dân Pháp xâm lược thống trị nước ta, đã biến nước ta từ chế độ phong kiến lạc hậu thành một chế độ thuộc địa và nửa phong kiến. Về chính trị, chúng áp đặt chế độ cai trị thực dân chuyên chế hà khắc và tàn bạo. Về kinh tế, chúng tiến hành các chương trình khai thác thuộc địa, thực hiện chính sách độc quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế độc lập của nước ta, vơ vét tài nguyên, bóc lột nặng nề, biến nước ta thành thị trường tiêu thụ hàng hóa của “chính quốc”. Về văn hóa, thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân để dễ bề nô dịch. Các quyền tự do đều bị cấm. Chúng bưng bít, ngăn chặn ảnh hưởng các tư tưởng tiến bộ trên thế giới vào nước ta. Sự thống trị của thực dân Pháp và phong kiến tay sai đã làm cho mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, mâu thuẫn giữa nhân dân ta mà chủ yếu là nông dân với chế độ phong kiến ngày càng gay gắt.
Với truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân dân ta đã liên tục nổi dậy đấu tranh kiên cường chống lại bọn thực dân Pháp đô hộ và tay sai nhưng đều không mang lại kết quả. Sự thất bại của phong trào Cần Vương với khởi nghĩa của Phan Đình Phùng (1896) đã chấm dứt phong trào chống Pháp theo hệ tư tưởng phong kiến. Sang thế kỷ XX, phong trào yêu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản do các sĩ phu đầy nhiệt huyết như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh lãnh đạo cũng rơi vào bế tắc. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo cũng thất bại,... Cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của nhân dân ta do khủng hoảng về đường lối cứu nước và thiếu giai cấp có khả năng đoàn kết và lãnh đạo nên không thống nhất được các lực lượng cách mạng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định “việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh mà vì nhân dân ta chưa hợp lực đồng tâm” 1.
Khác với các nhà yêu nước tiền bối, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành (tức là Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này) là người Việt Nam đầu tiên tìm thấy ánh sáng giải phóng trong đêm trường nô lệ. Người đã bôn ba hải ngoại qua nhiều nước châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, để xem người ta làm thế nào rồi trở về thức tỉnh, tập hợp đồng bào mình tự giải phóng đất nước mình. Người đã phát hiện ra chân lý: “Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở “chính quốc” cũng như ở các thuộc địa”. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga, đặc biệt là luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đã ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Năm 1919 Nguyễn Ái Quốc gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam và là một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Cuối năm 1920 Người gia nhập Quốc tế Cộng sản. Từ năm 1924 đến 1930 Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức, đặt nền móng cho sự ra đời của Đảng và các tổ chức quần chúng. Các tác phẩm: “Bản án chế độ thực dân Pháp”, “Đường kách mệnh”, tham luận tại các Đại hội và Hội nghị quốc tế của Nguyễn Ái Quốc đã nêu rõ quan điểm, đường lối chính trị đúng đắn cho cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và Mặt trận Dân tộc thống nhất của Hồ Chí Minh trở thành một bộ phận của đường lối cứu nước. Đi đôi với việc chuẩn bị về đường lối chính trị, Nguyễn Ái Quốc còn gấp rút chuẩn bị về tổ chức và cán bộ như: thành lập “Hội những người Việt Nam yêu nước”, “Hội liên hiệp thuộc địa”, “Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức” ở Á Đông. Người còn sáng lập ra “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội”, tổ chức tiền thân của Đảng và đào tạo hàng trăm cán bộ trong các lớp huấn luyện cách mạng mở tại Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi đi học ở Liên Xô.
Ngày 3-2-1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam.
Chính cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng đã xác định cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền với hai nhiệm vụ chiến lược, có quan hệ khăng khít với nhau là đánh đổ đế quốc và phong kiến giành độc lập dân tộc, xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng đó phải được tiến hành bằng lực lượng cách mạng rộng lớn của toàn dân, lấy công nông làm động lực chính, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo và là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ngoài công nông, Đảng phải đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp có tinh thần yêu nước; phân hóa cô lập những phần tử chống đối cách mạng. Đó chính là cơ sở để Đảng đề ra các nguyên tắc, sách lược và chiến lược xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Thực hiện các chủ trương của Đảng, một cao trào cách mạng diễn ra trên qui mô cả nước với đỉnh cao là Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Qua đấu tranh, Đảng ta càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và tính cấp thiết của việc xây dựng những hình thức của Mặt trận Dân tộc thống nhất. Tháng 10-1930 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Luận cương chính trị, đồng thời còn ra “Án nghị quyết về vấn đề phản đế”. Bản nghị quyết chỉ rõ: “Ở Đông Dương hiện nay có nhiều lực lượng phản đế cần phải liên hiệp lại thành một phong trào thống nhất để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa mưu giải phóng cho xứ Đông Dương. Việc tổ chức phản đế là một nhiệm vụ cần kíp của Đảng”. Chỉ hơn 1 tháng sau khi có Án nghị quyết về vấn đề phản đế, ngày 18-11-1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương 2 ra Chỉ thị thành lập Hội phản đế đồng minh.
Bản Chỉ thị đã đề ra những nội dung cơ bản về tính chất, nhiệm vụ và những biện pháp xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất trên cơ sở phân tích hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, đặc biệt là mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp. Bản Chỉ thị đã xác định Hội phản đế đồng minh phải bảo đảm tính công nông, đồng thời phải mở rộng tới các thành phần trong dân tộc để Mặt trận thực sự là của toàn dân và nhấn mạnh: “giai cấp vô sản lãnh đạo cuộc cách mạng tư sản dân quyền ở Đông Dương mà không tổ chức được toàn dân lại thành một lực lượng thật rộng, thật kín thì cuộc cách mạng cũng khó thành công”. Bản Chỉ thị cũng phân tích và đánh giá đúng sự chuyển biến về thái độ chính trị của các giai cấp và tầng lớp xã hội đã được thử thách qua cao trào cách mạng.
Hội phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất ra đời đã gây được cao trào phản đế mạnh mẽ trong cả nước, có ảnh hưởng sâu rộng trong các tầng lớp quần chúng, đánh dấu sự trưởng thành về nhận thức và chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta trong quá trình tổ chức và xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất. Đó là kết quả của quá trình chuẩn bị công phu suốt trong một thập kỷ, đó cũng là cống hiến vĩ đại về lý luận và thực tiễn của Nguyễn Ái Quốc gắn phong trào yêu nước Việt Nam với phong trào công nhân quốc tế, đưa nhân dân Việt Nam đi theo con đường mà chính Người đã trải qua từ chủ nghĩa yêu nước đến chủ nghĩa Mác - Lênin, kết hợp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
II- NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG CỦA MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT
A. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930-1945).
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đa số nhân dân đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám. Đó là: cao trào cách mạng (1930-1935) mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939-1945) dẫn tới cách mạng tháng Tám. Từ Hội phản đế đồng minh (1930) đến Phản đế liên minh (1935) tuy tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Nguyễn Ái Quốc chưa được quán triệt sâu rộng và triển khai rộng rãi nhưng đã góp phần quan trọng vào việc tổ chức, tập hợp lực lượng đấu tranh theo đường lối của giai cấp công nhân cách mạng.
Trong những năm 1936-1939 tình hình thế giới diễn biến mau lẹ, phức tạp. Chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Sau khi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 7 trở về, đoàn đại biểu Đảng ta cùng với Ban chấp hành Trung ương họp Hội nghị (tháng 11-1936) xác định mục tiêu chủ yếu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng quyết định tạm thời chưa nêu khẩu hiệu “đánh đổ đế quốc Pháp và giai cấp địa chủ giành độc lập dân tộc và ruộng đất cho dân cày” đồng thời chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3-1938) quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương. Nhờ có chính sách Mặt trận đúng đắn, có phương pháp vận động khôn khéo, phương pháp đấu tranh linh hoạt nên Mặt trận đã tập hợp, đoàn kết rộng rãi chẳng những công nhân, nông dân, tiểu thương, tiểu chủ tư sản nhỏ mà còn bắt tay với các đảng phái cải lương, kể cả những người Pháp tiến bộ ở Đông Dương nhằm chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, cơm áo, hòa bình “Phong trào ấy đã lôi cuốn và giáo dục ý thức chính trị cho hàng triệu quần chúng; uy tín của Đảng càng được mở rộng và ăn sâu trong nhân dân lao động” đã để lại cho Đảng và Mặt trận dân tộc thống nhất ngày nay những kinh nghiệm quý báu “việc gì đúng với nguyện vọng nhân dân thì được quần chúng nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh và như vậy mới là một phong trào quần chúng”.3
(Còn tiếp)
BAN TUYÊN GIÁO T.Ư PHỐI HỢP ỦY BAN
T.Ư MTTQ VIỆT NAM BIÊN SOẠN
-----------------------
(1) Trích: Hồ Chí Minh Toàn tập, NXBST tập 3, Tr.147
(2) Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930 theo tinh thần Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản đã thông qua luận cương chính trị và đổi tên Đảng là Đảng cộng sản Đông Dương.
(3) Hồ Chí Minh Về Mặt trận dân tộc thống nhất. Nhà XBST Hà Nội 1972. Tr.81