27/03/2022 - 06:59

Sức mạnh hỏa lực của Nga 

Theo số liệu của Statista, tổng số binh sĩ 30 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang tại ngũ là gần 3,4 triệu người, bên cạnh 2 triệu quân dự bị và bán vũ trang có thể được huy động.

Chiến đấu cơ MIG-31 trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga. Ảnh: CNN

Chiến đấu cơ MIG-31 trang bị tên lửa siêu vượt âm Kinzhal của Nga. Ảnh: CNN

Quân số có thể được triển khai của NATO lớn hơn 4 lần so với Nga, nhưng sức mạnh hỏa lực của các loại vũ khí hạng nặng lại không chênh lệch lớn. NATO có tổng cộng 14.682 xe tăng, nhiều hơn Nga khoảng 2.300 chiếc, trong đó gần phân nửa là của Mỹ. Nga có ưu thế lớn nhất về pháo binh khi sở hữu khoảng 17.000 đơn vị phóng rocket cố định lẫn đi động. Trong chiến tranh hiện đại, kiểm soát bầu trời là rất quan trọng để có thể giành thắng lợi trên chiến trận. NATO có cả thảy hơn 3.500 chiến đấu cơ, so với 772 chiếc của Nga. Tuy nhiên, không lực của 4 quốc gia lớn nhất Tây Âu gồm Pháp, Anh, Đức và Ý chỉ có 611 chiếc.

Trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống Ukraine hiện nay, Nga chủ yếu sử dụng sức mạnh pháo binh và tên lửa hành trình (từ máy bay và tàu ngầm) nhằm triệt hạ các mục tiêu quân sự và uy hiếp ý chí chính trị của chính quyền Kiev. Đáng chú ý, Nga đã lần đầu tiên sử dụng tên lửa siêu vượt âm Kinzhal được trang bị cho chiến đấu cơ MIG-31. Đây là tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa từ 1.000-3.000km với vận tốc tối đa 12.000km/h. Điểm đặc biệt đáng sợ của loại tên lửa mang đầu đạn hạt nhân này là gần như không thể phát hiện và đánh chặn được do có thể đổi hướng bất ngờ, có thể bay ở độ cao rất thấp, hoặc bay vọt lên rất cao, khiến các hệ thống radar trở nên gần như bất lực. Ngoài Kinzhal, Nga còn sở hữu tên lửa hành trình siêu vượt âm Zirkon có tầm bắn 1.000km, được trang bị cho tàu chiến và tàu ngầm. Không kể các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể mang đầu đạn hạt nhân, Nga đang có trong tay nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao S-300, S-350, S-400, S-500, S-550. Trong đó, S-550 là hệ thống phòng không chuyên dụng di động đầu tiên trên thế giới.

Trong khi đó, NATO nói chung và châu Âu nói riêng phụ thuộc vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ được triển khai tại Đông Âu gồm Patriot, THAAD và Aegis. Các hệ thống tên lửa tầm cao này được cho có thể đủ sức “đấu” với S-350, S-400 và S-500 của Nga.

Từ thực lực trên có thể hiểu vì sao Mỹ và NATO một mực từ chối yêu cầu của Ukraine thiết lập “vùng cấm bay” đối với chiến đấu cơ Nga. Họ cho rằng biện pháp này sẽ được coi như là hành động đối đầu quân sự trực tiếp với  Nga và có thể dẫn đến thế chiến thứ 3 mà hậu quả thì không thể lường trước. Thay vào đó, châu Âu và Mỹ đã quyết định tăng cường viện trợ quân sự cho Ukraine, chủ yếu là tên lửa phòng không và chống tăng, nhằm tiêu hao sức mạnh hỏa lực của Nga.

ĐỨC TRUNG

Chia sẻ bài viết